Bình Phước thu hồi đất rừng bị lấn chiếm
Vườn cao-su được trồng làm quỹ an sinh xã hội ở Bình Phước. Với hơn 300 nghìn ha đất rừng, chiếm gần một nửa diện tích đất toàn tỉnh, Bình Phước như được bao phủ bởi rừng. Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích rừng bị thu hẹp, hàng nghìn ha đất rừng bị lấn chiếm. Để quản lý và sử dụng đất rừng hiệu quả, Bình Phước kiên quyết xử lý, thu hồi nhằm mục đích sản xuất bảo đảm phát triển kinh tế và an sinh xã hội.Tỉnh Bình Phước có diện tích đất tự nhiên là 685.735 ha, trong đó đất có rừng chiếm 48,37%. Trong 15 năm gần đây, tỷ lệ nghịch với việc dân số tăng nhanh, chủ yếu di dân tự do (từ hơn 600 nghìn người năm 1997, nay lên đến gần một triệu người), thì đất rừng cũng giảm mạnh. Đáng lo ngại là, tình trạng người dân, thậm chí là lâm trường xâm canh, lấn chiếm đất rừng ngày càng phức tạp. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), mỗi năm tỉnh Bình Phước có hơn 250 vụ vi phạm, lấn chiếm...
Vườn cao-su được trồng làm quỹ an sinh xã hội ở Bình Phước. |
Tỉnh Bình Phước có diện tích đất tự nhiên là 685.735 ha, trong đó đất có rừng chiếm 48,37%. Trong 15 năm gần đây, tỷ lệ nghịch với việc dân số tăng nhanh, chủ yếu di dân tự do (từ hơn 600 nghìn người năm 1997, nay lên đến gần một triệu người), thì đất rừng cũng giảm mạnh. Đáng lo ngại là, tình trạng người dân, thậm chí là lâm trường xâm canh, lấn chiếm đất rừng ngày càng phức tạp. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), mỗi năm tỉnh Bình Phước có hơn 250 vụ vi phạm, lấn chiếm hàng nghìn ha đất rừng. Hậu quả là, đến nay chỉ còn 163 nghìn ha đất có rừng, trong đó 62 nghìn ha rừng tự nhiên.
Không chỉ đất rừng bị lấn chiếm, 205 dự án trồng rừng, trồng cao-su, với tổng diện tích 42.557 ha, được tỉnh Bình Phước cấp phép, do quản lý lỏng lẻo, triển khai chậm… cũng bị người dân lấn chiếm 2.600 ha. Điển hình là các công ty: Đức Thành, Đức Bình, Bảo Nhi, Đang Duy và Hải Vương, được giao 2.229,6 ha đất dự án trồng rừng, trồng cao-su tại huyện Bù Đăng, nhưng để dân lấn chiếm 1.100 ha chiếm gần 50% diện tích được giao; Nông, lâm trường Nghĩa Trung để xâm canh 1.045 ha…, huyện Đồng Phú bị lấn chiếm hơn 800 ha, trong đó có nhiều diện tích đất rừng tự nhiên. Riêng huyện Bù Đăng để người dân lấn chiếm 3.249 ha, không chỉ người dân, hàng chục cán bộ lâm trường Đăk Ơ, huyện Bù Gia Mập, cũng sử dụng sai mục đích 591,3 ha đất trồng cao-su…
Để lập lại trật tự trong công tác quản lý sử dụng đất rừng, năm 2011, UBND tỉnh Bình Phước cho biết: Sẽ mạnh tay thu hồi toàn bộ diện tích 5.151 ha đất rừng bị lấn chiếm, trong đó diện tích đất xâm canh là 3.332 ha, diện tích rừng khoanh nuôi là 1,819 ha. Tuy nhiên, mới thu hồi được 1.267 trong số 5.151 ha, số diện tích còn lại, dự kiến trong năm 2012 tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi.
Để tránh tình trạng mua đi bán lại, không thực hiện dự án, toàn bộ diện tích đất thu hồi lần này, tỉnh Bình Phước không giao cho các công ty tư nhân, mà giao cho doanh nghiệp nhà nước làm ăn có hiệu quả, trong đó dành 10% diện tích, tương đương 4.000 ha để trồng cây cao-su, gây quỹ xóa đói, giảm nghèo. Các công ty cao-su được giao đất có trách nhiệm trồng, chăm sóc cây cao-su đến khi thu hoạch thì bàn giao cho tỉnh quản lý. Để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân, tỉnh Bình Phước yêu cầu các dự án trồng cao-su ưu tiên tiếp nhận lao động địa phương làm công nhân để tạo cho người dân có cuộc sống ổn định. Đối với các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ có năm khẩu, thường trú tại địa phương bị thu hồi đất, thật sự thiếu đất sản xuất, tỉnh sẽ cấp một ha đất, và hộ có hơn năm khẩu sẽ được cấp 1,5 ha đất sản xuất, ổn định đời sống. Các hộ có đất lấn chiếm bị thu hồi được trồng cây ngắn ngày xen trong vườn, theo hướng dẫn của đơn vị thực hiện dự án theo đúng kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cao-su, nhưng không trồng sắn (khoai mì).
Phó Giám đốc Sở NN và PTNN tỉnh Bình Phước Trần Văn Lộc cho biết: Đến nay, đã có bảy công ty cao-su như: Phú Riềng, Phước Long, Sông Bé… được giao 3.700 ha đất. Các công ty này năm 2011 trồng được 932 ha cao-su, năm 2012 vừa thu hồi, vừa trồng tiếp khoảng 2.800 ha. Hiện, diện tích cao-su trồng năm 2010-2011 đã sinh trưởng tốt, hứa hẹn ổn định nguồn thu gây quỹ xóa đói, giảm nghèo của tỉnh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()