Bình Phước thiếu gần một nghìn giáo viên mầm non
Trường mầm non Họa Mi, phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài được xây dựng khang trang, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học. |
Trường nào cũng thiếu giáo viên
Bình Phước là tỉnh nghèo, nhưng đã cố gắng đào tạo đội ngũ giáo viên các cấp, xây trường lớp, phổ cập giáo dục cho trẻ em, tạo điều kiện cho các em có cơ hội ngang nhau về học tập. Theo quy hoạch phát triển ngành giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) Bình Phước, từ nay đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, tỉnh bảo đảm đào tạo, tuyển dụng đủ đội ngũ giáo viên mầm non và đạt chuẩn 100% vào năm 2020, nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em dưới sáu tuổi, đồng thời tăng cường cơ sở vật chất, tập trung xây dựng một số trường điểm, trong đó có một nửa số trường đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt, tỉnh còn chú trọng đào tạo theo hướng ưu tiên trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Nhìn vào mục tiêu nói trên, cho thấy “bức tranh” giáo dục mầm non của tỉnh Bình Phước rất khả quan và hợp lý. Tuy nhiên, theo thống kê, năm 2012-2013, Bình Phước thiếu gần một nghìn giáo viên mầm non làm dư luận không khỏi hoài nghi về sự hoàn thành những mục tiêu mà ngành giáo dục Bình Phước đã đề ra.
Sự thiếu giáo viên mầm non không chỉ ở các huyện, thị xã vùng sâu, vùng xa, mà ngay tại thị xã Đồng Xoài – Trung tâm hành chính của tỉnh Bình Phước, theo Sở GD và ĐT, năm học này so nhu cầu biên chế quy định còn thiếu 104 giáo viên mầm non. Cách Đồng Xoài khoảng hơn chục km, là Trường mầm non Sơn Ca, thuộc xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, vốn được tách ra từ trường mầm non của Công ty Cao-su Đồng Phú, có cơ sở vật chất tương đối tốt và là trường chuẩn quốc gia giai đoạn I, nhưng vẫn thiếu gần chục giáo viên.
Riêng Trường mầm non xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú, theo cô Trương Thị Hạnh, Phó Hiệu trưởng, tình trạng thiếu giáo viên đã trở thành “căn bệnh” kinh niên từ nhiều năm nay, kiểu như “biết rồi khổ lắm, nói mãi” mà vẫn chưa khắc phục được. Sự thiếu hụt ấy khiến cả hiệu trưởng lẫn hiệu phó đều phải vừa làm công tác quản lý, vừa đứng lớp. Còn cô Trương Thị Ngọc Thủy, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Huệ, phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài cho biết: Trường có 20 giáo viên đứng lớp, so với biên chế năm nay tạm đủ, nhưng số giáo viên yên tâm công tác chưa bao giờ đạt 80% cho nên lúc nào cũng nơm nớp lo thiếu giáo viên. Một cán bộ của Sở GD và ĐT tỉnh Bình Phước chia sẻ: Các anh thấy đấy, các trường ở ngay trung tâm tỉnh, huyện còn thiếu, các trường ở các huyện, xã vùng sâu, vùng xa làm sao tuyển đủ giáo viên mầm non.
Nhằm khắc phục sự thiếu hụt giáo viên mầm non, ngày 27-6-2012, UBND tỉnh Bình Phước ban hành Quyết định số 1306/QĐ-UBND, về phê duyệt giao chỉ tiêu hợp đồng theo NĐ 68, cho ngành GD và ĐT tự chủ tuyển 1.788 giáo viên, trong đó có 919 giáo viên mầm non. Thế nhưng, để tìm và giữ chân được những giáo viên mầm non vừa yêu nghề, vừa gắn bó với trường, theo Phó Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Bình Phước Hồ Trọng Đường, thì không phải là chuyện một sớm một chiều. Đồng chí Đường khẳng định, công tác GD và ĐT, đáp ứng đội ngũ nhân lực cho đất nước không phải chỉ riêng của ngành GD và ĐT mà của toàn xã hội và của cả hệ thống chính trị. Thế nhưng nhiều nơi, nhiều người cứ coi việc học hành là việc riêng của ngành. Hơn nữa giáo viên mầm non cần có những tư chất đặc biệt, trong đó kỹ năng dạy học rất quan trọng, vì nó làm nền tảng cho sự phát triển của các em cả về tâm hồn, thể chất ở các cấp học sau này, do đó cần có chính sách ưu đãi đối với giáo viên mầm non.
Vẫn là thu nhập thấp
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, cốt lõi của sự thiếu hụt gần một nghìn giáo viên mầm non ở Bình Phước vẫn là do thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Theo lời cô Trương Thị Ngọc Thủy, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Huệ, phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài: Sở dĩ số giáo viên luôn biến động, hoặc không an tâm giảng dạy, vì tâm lý “đứng núi nọ trông núi kia”. Họ luôn suy tính, nếu có cơ hội chuyển đến ngành nghề có thu nhập cao, là sẽ xin nghỉ bất kỳ lúc nào. Cô Thủy phân tích thêm, lương giáo viên mầm non, hệ trung học khởi điểm không quá 1,9 triệu đồng/tháng, trong khi đó, ngoài tiền ăn hằng tháng, còn chi phí xăng xe, học hành, đóng góp xã hội… trăm thứ chỉ trông vào “đồng lương còm”. Đó là chưa nói, một số giáo viên phải thuê nhà ở, thì lại càng khó khăn. “Năm ngoái một giáo viên có năng lực, rất yêu nghề, nhưng phải bỏ dạy, vì lương quá thấp”, giọng cô Thủy chợt trùng xuống.
Tại Trường mầm non Sơn Ca, cô Hiệu trưởng Hứa Thị Phước cho chúng tôi xem bảng lương và giải thích trường hợp cụ thể của cô Cao Thị Hoài, tốt nghiệp đại học, tổng số lương nhận không quá 2,4 triệu đồng/tháng. Còn ở bậc cao đẳng và trung học, như các cô Lê Thị Giang An, Nguyễn Đăng Thanh…, không ai lĩnh lương vượt ngưỡng 2,2 triệu đồng/tháng. Mức lương ấy ngoài chi phí sinh hoạt gia đình, còn phải trừ các khoản đóng góp như, đảng phí, đoàn phí, bảo hiểm y tế, xã hội… Mặc dù đời sống và giá cả sinh hoạt ở Bình Phước tương đối “dễ thở”, có thể bù đắp được, nhưng khi gia đình có chuyện gì, hoặc ốm đau thì không biết xoay sở thế nào.
Để giáo viên mầm non bám lớp, yêu nghề, trước mắt chính quyền, ngành GD và ĐT tỉnh Bình Phước cần rà soát lại về chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ này. Đồng thời có biện pháp thiết thực cải thiện nâng cao mức sống và thu nhập, để giáo viên mầm non có thể yên tâm sống, công tác và cống hiến cho xã hội, chỉ như vậy Bình Phước mới giải quyết được bài toán thiếu giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Ý kiến ()