Bình Phước: Khắc phục khó khăn trong việc xây dựng nông thôn mới
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh trong hơn 4 năm qua đã thu được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn.
Làm đường giao thông ở nông thôn Bình Phước (Nguồn: Báo Bình Phước) |
Theo báo cáo của Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Phước, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh này đã có 1/21 xã đạt 19/19 tiêu chí; 7/21 xã đạt 10-14 tiêu chí; 11/21 xã đạt 5-9 tiêu chí và 1/21 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Đối với 21 xã chỉ đạo điểm giai đoạn 2011-2015, đến nay đã thực hiện được 33 mô hình sản xuất, 27 mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật; tổ chức 226 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cho hơn 7.100 lượt người tham gia; đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 9.200 lượt người. Đến nay, tỉnh đã có 12/21 xã chỉ đạo điểm đạt chỉ tiêu tăng thu nhập. Đối với công tác xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu của 20 xã điểm, đến nay đã xây dựng được 46 công trình đường giao thông nông thôn, 1 công trình thủy lợi, 11 công trình trường học, 2 công trình văn hóa, 6 hội trường xã và 18 công trình phụ trợ.
Tỉnh Bình Phước cũng đã giải ngân được hơn 5.198 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách bố trí trực tiếp cho chương trình hơn 209 tỷ đồng; vốn đóng góp của nhân dân gần 113 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp gần 172 tỷ đồng và vốn tín dụng còn dư nợ cho chương trình hơn 3.388 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các xã đã giải quyết việc làm cho khoảng 90 nghìn lao động, đào tạo gần 20 nghìn lao động; tổ chức 41 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 1.700 lượt người tham gia; tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của 47 hợp tác xã, đầu tư vốn, hỗ trợ thành lập thêm 10 hợp tác xã và tổ hợp tác xã…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Phước, việc triển khai xây dựng nông thôn mới ở địa phương này mặc dù đã được thực hiện trong cả hệ thống chính trị, nhưng sự phối hợp chưa đồng bộ, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp toàn dân. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới chưa sâu rộng nên một bộ phận người dân vẫn còn chưa tham gia hăng hái, nhiệt tình với Chương trình. Một số xã, cấp ủy chưa thực sự quan tâm, gần như khoán trắng cho chính quyền, thiếu sự phối hợp với các đoàn thể.v.v…
Trong 21 xã điểm chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở Bình Phước trong giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ thực hiện các nhóm tiêu chí đạt thấp. Nhóm hạ tầng kinh tế – xã hội có 8 tiêu chí thì chỉ có 2 tiêu chí, đó là thủy lợi và bưu điện đạt 100%, còn lại là đạt tỷ lệ trung bình. Theo đánh giá, đây là nhóm tiêu chí cần nhiều vốn đầu tư, nhưng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và vốn ngân sách tỉnh bố trí cho chương trình thấp là nguyên nhân không đạt kế hoạch đề ra.
Việc thực hiện nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất cũng đạt chưa cao. Đây là những tiêu chí phải dựa vào sức dân nên xã nào chủ động và làm tốt công tác vận động nhân dân thì đạt cao và ngược lại. Trong 21 xã thực hiện thời gian qua thì tiêu chí 13 là tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất mới chỉ có 9 xã đạt. Nguyên nhân được cho là do nguồn vốn của người nông dân hiện còn hạn chế, trong khi đó giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào cao, giá nông sản bấp bênh đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, thu nhập của người dân. Việc định hướng tổ chức sản xuất cho nông dân chưa được các ngành liên quan hỗ trợ, giúp đỡ nên tiêu chí này ở nhiều địa phương chưa thể thực hiện được.
Để khắc phục những khó khăn trên, tỉnh Bình Phước sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động cả hệ thống chính trị tham gia; thường xuyên cập nhật, thông tin về các mô hình, điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay trên các phương tiện thông tin đại chúng, đưa việc xây dựng nông thôn mới thành một phong trào sâu rộng trong toàn xã hội, theo đó huy động tối đa nguồn lực địa phương, lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn của các chương trình mục tiêu, bố trí một phần kinh phí thu vượt hằng năm của huyện, xã hỗ trợ cho xây dựng nông thôn mới.
Năm 2015, ngoài việc tiếp tục duy trì xã Tân Lập (huyện Đồng Phú) đã đạt chuẩn, toàn tỉnh Bình Phước phấn đấu 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bao gồm các xã: Thuận Phú (huyện Đồng Phú), Thanh Bình (huyện Hớn Quản), Thiện Hưng (huyện Bù Đốp), Lộc Hưng (huyện Lộc Ninh), Phú Nghĩa (huyện Bù Gia Mập), Minh Thành (huyện Chơn Thành), Thanh Lương (huyện Bình Long), Minh Hưng (huyện Bù Đăng), Long Giang (huyện Phước Long) và xã Tiến Hưng (thị xã Đồng Xoài). Ngoài ra, Bình Phước tiếp tục phấn đấu thêm 10 xã nữa đạt 15 tiêu chí trở lên, 30/71 xã đạt từ 50% tiêu chí trở lên và 41 xã thực hiện đạt khoảng từ 20% đến 30% tổng số tiêu chí trở lên.
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bình Phước sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả các tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, đồng thời đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới ở các xã còn lại, phấn đấu xây dựng nông thôn mới ở tất cả các xã với phương châm hoàn thành đến đâu phải bảo đảm bền vững lâu dài, hiệu quả.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()