Bình Phước: Giảm gần 37 nghìn ha điều so với năm 2007
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Phước, hiện nay, toàn tỉnh này còn khoảng trên 134 nghìn ha điều, giảm 36.630 ha so với năm 2007. Trong đó, diện tích sản xuất có hiệu quả chỉ chiếm 40-50%, là những vườn được trồng giống mới năng suất cao, trồng trên vùng đất tốt. Diện tích còn lại là điều già cỗi, kém năng suất hoặc trồng ở các vùng đất không đảm bảo điều kiện cho cây điều phát triển.
Từ nhiều năm nay, cây điều ở tỉnh Bình Phước được xác định là cây trồng chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, biến động giá cả thị trường, việc cạnh tranh với nhiều loại cây trồng khác có lợi thế kinh tế cao hơn như hồ tiêu, cao su, sắn… đã ảnh hưởng lớn đến diện tích, năng suất của cây điều.
Bên cạnh đó, do thời tiết, khí hậu biến đổi nên cây điều ở Bình Phước đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Khi điều ra hoa muộn gặp phải sương muối và nắng nóng làm khô bông điều thì tỷ lệ đậu quả chỉ còn khoảng từ 50 – 60%.
Đồng thời, do hai năm gần đây, giá điều thô thấp nên nông dân không còn mặn mà chăm sóc cây điều, vì thế cũng đã ảnh hưởng lớn đến sản lượng. Do năng suất và giá điều thô đều giảm, trong khi khâu thu mua trung gian là được lợi nhiều nhất, khiến người trồng điều ở Bình Phước đang bị thiệt hại nhiều, gây khó khăn trong việc giữ vững diện tích vùng nguyên liệu của tỉnh Bình Phước.
Trước tình hình diện tích và sản lượng điều ngày càng sụt giảm nghiêm trọng và trên 50% nguyên liệu phải nhập khẩu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu ngành điều phải sớm hình thành 200 nghìn ha điều, trong đó tỉnh Bình Phước quy hoạch 150 nghìn ha với năng suất bình quân 2 tấn/ha…
Theo bà Nguyễn Thị Kim Nga, Chủ tịch Hiệp hội điều tỉnh Bình Phước, việc xây dựng vườn điều mẫu lớn của Bình Phước đang trong giai đoạn chuẩn bị. Trước mắt vườn điều mẫu lớn được coi là nhiều vườn điều cùng được áp dụng khoa học – kỹ thuật để chọn giống, trồng, chăm sóc và thu hoạch theo một quy trình nhất định nhằm mang lại hiệu quả tối ưu với năng suất và chất lượng ổn định.
Về thuận lợi, nông dân sẽ được dự nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật, cung cấp nguồn phân bón vào việc trồng và chăm sóc điều, khi đó năng suất sẽ tăng. Doanh nghiệp khi mua hạt điều sẽ đảm bảo được chất lượng, không lẫn tạp chất và hư hỏng. Mặt khác, doanh nghiệp sản xuất và chế biến hạt điều sẽ không lo thiếu nguyên liệu, phải nhập khẩu như hiện nay.
Việc xây dựng vườn điều mẫu lớn sẽ cho ra vùng nguyên liệu tập trung, chất lượng ổn định, đảm bảo cơ giới hóa, chủ động nguồn xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh, góp phần xây dựng ngành điều phát triển bền vững. Theo đó, tỉnh sẽ tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất – khuyến nông để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người nông dân, phổ biến cơ chế chính sách, hoạch định của Nhà nước về sản xuất nông nghiệp, thông tin khoa học kỹ thuật, thị trường giá cả nông nghiệp cho nông dân.
Đối với diện tích điều trồng giống cũ, năng suất thấp, bà con sẽ được hướng dẫn cải tạo hoặc trồng mới bằng những giống điều có năng suất cao, sẽ tập huấn cho khoảng 8 nghìn lượt người/năm. Đồng thời sẽ xây dựng các câu lạc bộ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật có hiệu quả để nông dân học tập, làm theo.
Hiện, Viện Bảo vệ thực vật và ngành chức năng tỉnh Bình Phước đang nghiên cứu các biện pháp phòng trị sâu bệnh hại mới và xây dựng các qui trình phòng trừ tổng hợp trên cây điều trong điều kiện biến đổi khí hậu. Đồng thời, tỉnh Bình Phước cũng đặt ra mục tiêu là đến năm 2020, sẽ xây dựng được 10 câu lạc bộ, cánh đồng mẫu có sự liên kết giữa người trồng điều với các doanh nghiệp có đầu tư thâm canh cây điều, ưu tiên cho diện tích trồng điều giống cao sản. Trước mắt, Bình Phước xây dựng dự án ca cao trồng xen với cây điều, trong năm 2015 là khoảng 4 nghìn ha, đến năm 2020 sẽ nhân rộng mô hình này lên 20 nghìn ha để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích trồng điều.
Theo CPV
Ý kiến ()