Bình Phước: Gặp khó khăn trong phát triển chăn nuôi
Những năm qua, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn Bình Phước đã đóng góp đáng kể cho thu nhập của một bộ phận dân cư, đặc biệt là xóa đói giảm nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, hoạt động này cũng đang gặp phải nhiều khó khăn cần tháo gỡ.Hiện nay, toàn tỉnh Bình Phước có 215 cơ sở chăn nuôi đạt quy mô trang trại, trong đó có 147 trang trại chăn nuôi lợn với khoảng 100 nghìn con, chiếm khoảng 53% so với tổng số lợn được nuôi trong tỉnh. Ngoài ra còn có 40 trang trại chăn nuôi gà và 28 trang trại chăn nuôi trâu, bò. Trong tổng số 215 trang trại chăn nuôi có 94 trang trại tư nhân, trên 100 trang trại chăn nuôi gia công cho các công ty nước ngoài và 2 trang trại chăn nuôi cổ phần.Phần lớn các trang trại ở Bình Phước chăn nuôi gia công cho các công ty nước ngoài, như Emivest, Japfa, CP... Đây là những trang trại chăn nuôi có quy mô lớn, chiếm tỷ trọng sản lượng lớn trong cơ cấu chăn nuôi của tỉnh. Các trang trại này đều...
Những năm qua, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn Bình Phước đã đóng góp đáng kể cho thu nhập của một bộ phận dân cư, đặc biệt là xóa đói giảm nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, hoạt động này cũng đang gặp phải nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Hiện nay, toàn tỉnh Bình Phước có 215 cơ sở chăn nuôi đạt quy mô trang trại, trong đó có 147 trang trại chăn nuôi lợn với khoảng 100 nghìn con, chiếm khoảng 53% so với tổng số lợn được nuôi trong tỉnh. Ngoài ra còn có 40 trang trại chăn nuôi gà và 28 trang trại chăn nuôi trâu, bò. Trong tổng số 215 trang trại chăn nuôi có 94 trang trại tư nhân, trên 100 trang trại chăn nuôi gia công cho các công ty nước ngoài và 2 trang trại chăn nuôi cổ phần.
Phần lớn các trang trại ở Bình Phước chăn nuôi gia công cho các công ty nước ngoài, như Emivest, Japfa, CP… Đây là những trang trại chăn nuôi có quy mô lớn, chiếm tỷ trọng sản lượng lớn trong cơ cấu chăn nuôi của tỉnh. Các trang trại này đều được đầu tư vốn lớn, kỹ thuật hiện đại và bao tiêu sản phẩm. Riêng các trang trại chăn nuôi tư nhân đang gặp nhiều khó khăn về giống, vốn, khoa học kỹ thuật và nhất là khâu thị trường tiêu thụ.
Thực tế cho thấy, việc chăn nuôi phân tán ở Bình Phước đang tiềm ẩn nguy cơ lây lan, phát tán mầm bệnh, nhất là một số bệnh nguy hiểm như dịch lợn tai xanh, cúm gia cầm gây rủi ro và thiệt hại lớn cho chăn nuôi, trong khi công tác thú y ở cơ sở còn nhiều bất cập, hoạt động của đội ngũ cán bộ thú y tuyến xã chưa đạt hiệu quả cao, vệ sinh, phòng dịch chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, thời gian qua, nguồn lực đầu tư cho chăn nuôi của Bình Phước còn khiêm tốn, khả năng tài chính của người nông dân chưa đủ để đáp ứng với ngành chăn nuôi công nghiệp hiện đại.
Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Phước chưa có nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Địa bàn của Bình Phước lại nằm xa các trang trại giống và nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi trong khu vực, nên giá thức ăn còn cao hơn các tỉnh, thành phố khác. Trong khi đó, giá bán sản phẩm chăn nuôi thấp và luôn biến động, lợi ích kinh tế thấp, dễ gặp rủi ro và sản phẩm có sức cạnh tranh kém trên thị trường. Do đó, việc phát triển chăn nuôi theo phương thức trang trại hàng hóa ở Bình Phước đang gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Bình Phước, từ năm 2006 đến năm 2010, do ảnh hưởng của dịch bệnh truyền nhiễm, chăn nuôi ở Bình Phước tăng với tốc độ khá chậm, bình quân gần 16%/năm và cơ cấu giá trị sản xuất ngành ở mức thấp. Năm 2006, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 6,9%, và cho đến năm 2011 chiếm chưa tới 10% giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Vật nuôi chủ yếu gồm lợn, trâu, bò, gà, vịt…
Năm 2010, sản phẩm thịt chăn nuôi thương phẩm bình quân đạt 27,06 kg/người/năm, năm 2011 cũng chỉ đạt mức tương đương năm 2011. Cũng trong 5 năm qua, số lượng trâu và lợn trong toàn tỉnh tăng không đáng kể, thậm chí số lượng bò còn giảm hơn 8.000 con. Duy nhất chỉ có đàn gà tăng mạnh, từ trên 1,2 triệu con vào năm 2006 lên hơn 2 triệu con năm 2011, nguyên nhân là do có thêm nhiều trại nuôi công nghiệp tập trung, quy mô lớn.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()