Bình Phước đẩy mạnh trao đổi thương mại qua biên giới
Theo Sở Công thương tỉnh Bình Phước, kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm 2011 đến nay đã có sự tăng trưởng khá, gấp ba lần so với năm 2010. Tuy nhiên, hoạt động thương mại biên giới trên địa bàn Bình Phước trong những năm gần đây chưa có sự tăng trưởng đáng kể về kim ngạch xuất, nhập khẩu. Những kết quả trao đổi thương mại qua biên giớiCác Khu kinh tế cửa khẩu góp phần thúc đẩy phát triển thương mại giữa hai bên biên giới trong thời gian qua (Ảnh: K.V)Có thể thấy, hoạt động giao thương trong mối quan hệ biên mậu giữa tỉnh Bình Phước với các tỉnh giáp biên của Campuchia diễn ra chủ yếu tại cửa khẩu quốc tế Hoa Lư và cửa khẩu quốc gia Hoàng Diệu. Các cửa khẩu phụ chỉ diễn ra hoạt động buôn bán của cư dân hai bên biên giới. Tại các cửa khẩu hiện đã có đầy đủ lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng, Y tế, Công an, Kiểm dịch… được bố trí và phối hợp chặt chẽ thực hiện công tác quản lý về biên mậu.Theo đó, các ngành chức năng...
Theo Sở Công thương tỉnh Bình Phước, kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm 2011 đến nay đã có sự tăng trưởng khá, gấp ba lần so với năm 2010. Tuy nhiên, hoạt động thương mại biên giới trên địa bàn Bình Phước trong những năm gần đây chưa có sự tăng trưởng đáng kể về kim ngạch xuất, nhập khẩu.
Những kết quả trao đổi thương mại qua biên giới
Các Khu kinh tế cửa khẩu góp phần thúc đẩy phát triển thương mại |
Có thể thấy, hoạt động giao thương trong mối quan hệ biên mậu giữa tỉnh Bình Phước với các tỉnh giáp biên của Campuchia diễn ra chủ yếu tại cửa khẩu quốc tế Hoa Lư và cửa khẩu quốc gia Hoàng Diệu. Các cửa khẩu phụ chỉ diễn ra hoạt động buôn bán của cư dân hai bên biên giới. Tại các cửa khẩu hiện đã có đầy đủ lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng, Y tế, Công an, Kiểm dịch… được bố trí và phối hợp chặt chẽ thực hiện công tác quản lý về biên mậu.
Theo đó, các ngành chức năng đã kiểm tra, phát hiện, xử lý việc xuất nhập cảnh trái phép, hàng hóa xuất, nhập khẩu không đúng qui định, kiểm soát được tình hình buôn lậu và gian lận thương mại.
Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư có lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý – kinh tế, cách thành phố Hồ Chí Minh 150 km, cách thủ đô Phnômpênh 300 km, nên rất thuận tiện cho việc thông thương hàng hóa và du lịch khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là cửa ngõ quan trọng về đường bộ và đường sắt ra quốc tế của tỉnh Bình Phước.
Ngoài ra, cửa khẩu chính quốc gia Hoàng diệu – Lepakhê được nâng cấp xây dựng với nhiều hạng mục như: trạm kiểm soát biên phòng, trạm kiểm soát liên hợp, bãi đậu xe, kho ngoại quan, văn phòng đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cặp cửa khẩu này còn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại – du lịch, đặc biệt là mang đậm tình hữu nghị của nhân dân 2 nước Việt Nam – Campuchia. Tỉnh Bình Phước – tỉnh Mundulkiri cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thông thương cũng như đẩy mạnh phát triển trên các lĩnh vực.
Hiện cặp cửa khẩu chính Hoàng Diệu – Lapakhê có chung đường biên giới thuộc địa phận 2 tỉnh của 2 nước, vì vậy việc giao thương trao đổi hàng hóa thiết yếu và việc xuất nhập khẩu các mặt hàng nông – lâm – công nghiệp như: cao su, mì, quặng mỏ… không những rất thuận lợi mà còn có ý nghĩa kinh tế – chính trị sâu sắc, là điều kiện thuận lợi khai thác hiệu quả tiềm năng của mỗi địa phương, thông qua đó, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, trao đổi văn hóa của mỗi dân tộc và tiến tới hợp tác toàn diện giữa hai tỉnh. Qua đó, củng cố được quốc phòng – an ninh tuyến biên giới, khẳng định chủ quyền của đất nước; có điều kiện kiểm tra chặt chẽ hơn nữa các thủ tục xuất nhập khẩu, quá cảnh đối với các sản phẩm hàng hóa, người, phương tiện qua lại tại cửa khẩu này.
Năm 2010, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu biên mậu của tỉnh Bình Phước đạt gần 50 triệu USD, trong đó, kim ngạch xuất, nhập khẩu chính ngạch qua cửa khẩu Hoa Lư đạt trên 25 triệu USD, cửa khẩu Hoàng Diệu đạt 3,75 triệu USD. Nhập khẩu chính ngạch qua cửa khẩu Hoa Lư đạt trên 16 triệu USD, và cửa khẩu Hoàng Diệu là trên 4 triệu USD, còn lại là xuất, nhập khẩu qua đường tiểu ngạch.
Chỉ tính trong 8 tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu biên mậu của Bình Phước đã đạt trên 153 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất, nhập khẩu chính ngạch chiếm phần lớn với 152,7 triệu USD. Qua con số nêu trên cho thấy chỉ 8 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh Bình Phước đã tăng gấp ba lần so với cả năm 2010, một tín hiệu vui cho hoạt động thương mại qua biên giới của địa phương này.
Tuy nhiên, hoạt động thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong những năm gần đây cho thấy sự tăng trưởng vẫn còn ở mức khiêm tốn, kết quả giao thương giữa cư dân hai bên biên giới và các doanh nghiệp với nhau phát triển vẫn còn chậm so với tiềm năng.
Những định hướng phát triển thương mại biên giới trong thời gian tới
Đường ra lối mở khu vực mũi Chiu Riu, Lộc Ninh, Bình Phước |
Theo đánh giá của sở Công thương tỉnh Bình Phước, cơ cấu hàng hóa chủ yếu qua cửa khẩu của tỉnh này vẫn không thay đổi, chủ yếu là các mặt hàng như cây cao su giống, hàng tiêu dùng, các sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị công trình, xi măng. Các mặt hàng nhập khẩu gồm gỗ xẻ, trái cây tươi, hạt điều thô, đá granit và các mặt hàng nông, lâm sản.
Mặc dù tổng giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu của Bình Phước trong 8 tháng đầu năm 2011 có tăng gấp ba lần cả năm 2010, nhưng có thể thấy xuất nhập khẩu tiểu ngạch trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra với qui mô nhỏ lẻ, giá trị kim ngạch đạt được rất thấp, chủ yếu là hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới như than, dầu chai, hàng nông, lâm sản qua các cửa khẩu như Hoàng Diệu, Hoa Lư, Tà Vát, Tân Tiến… Với số lượng người tham gia trao đổi buôn bán trung bình hàng ngày khoảng vài chục người/ngày/cửa khẩu.
Đối với việc giao thương trao đổi mua bán của cư dân biên giới qua các chợ tại xã biên giới hầu như không diễn ra, nguyên nhân là do điều kiện về mặt địa lý, giao thông đi lại khó khăn. Mặt khác, do mật độ cư dân sinh sống tại khu vực giáp biên giữa tỉnh Bình Phước và phía Campuchia còn thưa thớt, vị trí các chợ xã biên giới nằm sâu trong nội địa, cách xa đường biên, do đó chưa khai thác và phát triển tương xứng so với tiềm năng của nó.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có chợ biên giới của cửa khẩu Hoa Lư đang hoạt động với quy mô nhỏ, hàng hóa trao đổi mua bán tại đây còn nhỏ lẻ, chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như bột giặt, nước rửa bát đũa, đồ nhựa, mì ăn liền, trái cây, sắn lát, than củi.v.v…
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển thương mại biên giới, vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã có văn bản chấp thuận chủ trương cho phép mở ba lối mở là khu vực mũi Chiu Riu thuộc xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh; khu vực D3 thuộc xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh và khu vực ngầm Bá Lan thuộc xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp. Văn bản này hiện đang chờ ý kiến của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, sau đó sẽ triển khai các bước tiếp theo.
Ngoài ra, các ngành chức năng trong tỉnh Bình Phước phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch, các cơ quan thông tin đại chúng có mặt trên địa bàn tỉnh triển khai, phổ biến truyên truyền các Hiệp định thương mại song phương đã được ký kết giữa hai Nhà nước Việt Nam và Campuchia. Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại ở khu vực biên giới hai nước như tổ chức Hội chợ triển lãm, đưa hàng hóa sản xuất trong nước, hàng Việt chất lượng cao tiếp cận với dân cư biên giới để tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với đó sẽ phối hợp, liên kết vùng Đông Nam bộ, Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công thương tham gia và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại tại khu vực biên giới cũng như thị trường các địa phương của Campuchia, đồng thời tăng cường hỗ trợ cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá tiếp thị xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp. Với chủ trương của Trung ương và tỉnh Bình Phước, ngành công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển thương mại biên giới trong thời gian tới./..
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()