Bình Phước: Các trang trại thu hút gần 16 nghìn lao động
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, toàn tỉnh này hiện có 1.356 trang trại. Trong số đó có 1.237 trang trại trồng trọt, 110 trang trại chăn nuôi và 9 trang trại sản xuất kinh doanh tổng hợp.
Tổng diện tích đất đang sử dụng của các trang trại trên địa bàn tỉnh Bình Phước là trên 31 nghìn ha, đạt trung bình 23 ha/ trang trại. Từ các trang trại này, đã thu hút được 15.695 lao động có việc làm thường xuyên và làm theo thời vụ. Có thể thấy, sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 2/2/2000 của Chính phủ, kinh tế trang trại của tỉnh Bình Phước đã có những bước phát triển, đa dạng về hình thức tổ chức sản xuất, góp phần chuyển dịch nhanh nền kinh tế sang sản xuất hàng hoá, tập trung và theo hướng chuyên canh, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, khai thác các tiềm năng và thế mạnh của địa phương này.
Nhìn chung, các trang trại trên địa bàn tỉnh Bình Phước đều sử dụng diện tích đất có hiệu quả, đất đai không bỏ hoang, khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của đất dẫn đến đạt hiệu quả khá cao về năng suất, sản lượng trên mỗi đơn vị diện tích so với đất nông hộ và cá nhân quản lý. Các trang trại chăn nuôi của Bình Phước đại đa số đều hợp tác với các công ty để sản xuất theo hình thức trang trại bỏ vốn xây dựng cơ sở hạ tầng như: Chuồng trại, điện nước, hệ thống xử lý nước thải… Phần con giống, thức ăn, đầu ra do các công ty đảm nhiệm. Với phương thức chăn nuôi này, các trang trại giảm được chi phí đầu tư cũng như hạn chế được rủi ro về thị trường tiêu thụ khi có sự biến động về giá cả. Lợi nhuận thu được từ phương thức chăn nuôi này trung bình mỗi trang trại đạt 120 triệu đồng – 150 triệu đồng/năm.
Sự phát triển của các trang trại trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả đáng kể cho sự phát triển kinh tế – xã hội như: Tạo công ăn việc làm cho một lực lượng lao động lớn ở nông thôn, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình chủ trang trại, sử dụng ngày càng hiệu quả đất đai, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững. Các chính sách hỗ trợ ưu đãi về vốn của Nhà nước phần nào đã tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất. Cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản ở một số vùng thuận lợi cho quá trình giao thông, vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, các chủ trang trại ngày càng quan tâm đến khoa học – kỹ thuật; công tác khuyến nông được phổ biến kịp thời; áp dụng nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, thúc đẩy các mô hình khác phát triển. Các địa phương có trên 100 trang trại như: Huyện Hớn Quản, huyện Chơn Thành, huyện Bù Gia Mập, huyện Đồng Phú và thị xã Đồng Xoài.
Để kinh tế trang trại phát triển ổn định, bền vững, trong năm 2015, các ngành chức năng, các địa phương và chủ trang trại ở Bình Phước sẽ tích cực giải quyết những khó khăn mà kinh tế trang trại đang gặp phải, đó là: Sự liên kết bao tiêu sản phẩm của trang trại còn hạn chế; không chủ động được nơi tiêu thụ và không quản lý chặt chẽ giá bán; trình độ quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất kinh doanh của các chủ trang trại đa phần dựa vào kinh nghiệm; lao động làm việc tại trang trại chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề, từ đó, dẫn đến khó khăn cho việc áp dụng các thành tựu khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh của trang trại.
Theo CPV
Ý kiến ()