Bình Phúc: Triển vọng từ mô hình nuôi gà dưới tán hồi
(LSO) – Xuất phát từ những lợi ích kép mang lại, mô hình nuôi gà dưới tán hồi đã bước đầu được nhân rộng ra nhiều hộ dân trên địa bàn xã Bình Phúc, huyện Văn Quan.
Nhận thấy trên địa bàn xã có hơn 700 ha đất trồng hồi, ở nhiều thôn, đất hồi tập trung gần khu dân cư như: Bản Cưởm, Bản Dạ, Khòn Khẻ… là điều kiện thuận lợi để triển khai mô hình nuôi gà dưới tán hồi, năm 2019, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của huyện, UBND xã Bình Phúc đã lựa chọn 10 hộ gia đình tại thôn Bản Cưởm Trên và Bản Cưởm Dưới để triển khai thực hiện mô hình nuôi gà dưới tán hồi. Theo đó, mỗi hộ được hỗ trợ 500 con gà Tiên Yên. Sau 5 tháng chăm sóc, các hộ đã xuất chuồng, thu về từ 30 đến 40 triệu đồng/lứa đầu tiên. Từ nguồn vốn này, các hộ đã tiếp tục duy trì và phát triển mô hình với giống gà bản địa (gà ta), đem lại hiệu quả kinh tế. Ông Hoàng Văn Hinh, thôn Bản Cưởm, xã Bình Phúc cho biết: Giữa năm 2019, được sự hộ trợ của UBND xã, gia đình tôi đầu tư thực hiện mô hình nuôi gà dưới tán hồi với 500 con gà Tiên Yên và 50 con gà ta. So với việc nuôi gà tại nhà thì chăn thả gà tại rừng hồi có lợi nhất là không tốn kém chi phí xây dựng chuồng trại và mua thức ăn cho gà. Với mô hình của nhà tôi, sau khi nuôi được 5 tháng, tôi cho xuất chuồng, mỗi con gà đạt từ 2 kg đến 3 kg, bán ra thị trường được mức giá khá cao: trung bình từ 90.000 đồng/kg gà Tiên Yên và từ 140.000 đồng/kg gà ta. Thấy hiệu quả nên gia đình tôi đang tập trung chăn thả thêm gà ta dưới tán hồi để bán trong dịp Tết Nguyên đán tới.
Mô hình nuôi gà dưới tán hồi đã góp phần nâng cao thu nhập cho bà con thôn Bản Cưởm Dưới, xã Bình Phúc, huyện Văn Quan
Theo đánh giá của UBND xã Bình Phúc, sau một thời gian triển khai thực hiện mô hình chăn thả gà dưới tán hồi đã mang lại lợi ích kép cho người dân. Đó là, khi chăn thả dưới rừng hồi, ngoài nguồn thức ăn từ thóc, ngô, cám, gà còn được bổ sung một số chất dinh dưỡng khác từ thiên nhiên, rừng hồi mang lại; gà có không gian rộng để hoạt động, phát triển nên chất lượng thịt cao hơn. Hơn nữa, gà được nuôi riêng biệt trong rừng hồi, cách xa khu dân cư, bà con còn tận dụng quả hồi để nghiền, trộn với cám làm thức ăn cho gà nhằm tăng cường sức đề kháng, gà ít bị dịch, bệnh. Ngoài ra, mô hình còn góp phần cải tạo đất, nâng cao năng suất, chất lượng hồi. Bà Triệu Thị Miền, thôn Bản Cưởm cho biết: Khi được lựa chọn để thực hiện mô hình nuôi gà dưới tán hồi, gia đình đã chủ động phát quang rừng hồi, quây chuồng tại rừng, đảm bảo điều kiện cho việc chăn thả. Qua triển khai mô hình, chúng tôi nhận thấy, đất rừng tơi xốp, cây hồi cũng sai quả hơn từ 15% đến 20%, quả hồi cũng to, đều và mọng hơn. Gia đình tiếp tục chăn gà bản địa nhằm cung cấp nguồn thức ăn tại chỗ và cung ứng ra thị trường.
Với hiệu quả bước đầu đem lại, từ 10 hộ thí điểm đến nay, mô hình nuôi gà dưới tán hồi ở xã Bình Phúc đã được nhân rộng lên 50 hộ, trung bình mỗi hộ nuôi từ 50 đến 200 con. Các hộ đều lựa chọn giống gà bản địa để phù hợp với điều kiện khí hậu, tập quán chăm sóc của bà con, đồng thời đáp ứng nhu cầu thị trường tại địa phương. Bà Hoàng Thị Thỏa, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phúc cho biết: Qua triển khai, chúng tôi nhận thấy mô hình nuôi gà dưới tán hồi mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Mỗi hộ thu nhập thêm từ 15 triệu đồng đến 40 triệu đồng từ chăn nuôi gà dưới tán hồi, qua đó góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ đây có thể thấy, mô hình đã mở ra một hướng đi mới trong việc khai thác, tận dụng lợi thế địa phương để phát triển kinh tế. Hiện nay, chúng tôi đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ bà con vay vốn, tư vấn kỹ thuật nuôi gà dưới tán hồi để nhân rộng mô hình ra toàn xã.
Ý kiến ()