LSO-“5.000 không được đâu, ít nhất phải 7.000 đồng một suất mới bán được, thịt thăn từ 55.000 đồng/1kg hôm kia đã lên 70.000 đồng/1kg hôm nay rồi. Mà giá thực phẩm, thứ nào cũng tăng vùn vụt” - chị Hạnh, người bán cháo dinh dưỡng cho trẻ em gần khách sạn Kim Sơn, Thành phố Lạng Sơn phân trần với mấy phụ nữ. Với những người ít quan tâm đến lĩnh vực giá cả thị trường, câu chuyện trên không mấy giá trị. Thế nhưng, với người nắm giữ việc chi tiêu gia đình, đây lại là vấn đề rất hệ trọng bởi nó có ý nghĩa rằng, từ nay sẽ phải nói không với nhiều thứ hơn. Không còn là nỗi lo nữa, một đợt tăng giá cuối năm gần như mang tính quy luật đang xuất hiện, mặc dù Chính phủ cũng như các cấp, ngành chức năng của tỉnh đang thực hiện nhiều biện pháp để bình ổn thị trường.Giá cả biến động, nhiều người dân phải thắt chặt hơn trong chi tiêu gia đìnhMỗi ngày bình thường tôi bán được 3 con lợn quay, nhưng từ 2 tuần nay, giá lợn hơi tăng nhanh quá,...
LSO-“5.000 không được đâu, ít nhất phải 7.000 đồng một suất mới bán được, thịt thăn từ 55.000 đồng/1kg hôm kia đã lên 70.000 đồng/1kg hôm nay rồi. Mà giá thực phẩm, thứ nào cũng tăng vùn vụt” – chị Hạnh, người bán cháo dinh dưỡng cho trẻ em gần khách sạn Kim Sơn, Thành phố Lạng Sơn phân trần với mấy phụ nữ.
Với những người ít quan tâm đến lĩnh vực giá cả thị trường, câu chuyện trên không mấy giá trị. Thế nhưng, với người nắm giữ việc chi tiêu gia đình, đây lại là vấn đề rất hệ trọng bởi nó có ý nghĩa rằng, từ nay sẽ phải nói không với nhiều thứ hơn. Không còn là nỗi lo nữa, một đợt tăng giá cuối năm gần như mang tính quy luật đang xuất hiện, mặc dù Chính phủ cũng như các cấp, ngành chức năng của tỉnh đang thực hiện nhiều biện pháp để bình ổn thị trường.
|
Giá cả biến động, nhiều người dân phải thắt chặt hơn trong chi tiêu gia đình |
Mỗi ngày bình thường tôi bán được 3 con lợn quay, nhưng từ 2 tuần nay, giá lợn hơi tăng nhanh quá, từ 27 – 28.000 đồng/1kg lên đến 36.000 đồng/1kg chiều hôm qua (22/10). Khách mua nếu biết giá cả đang lên thì còn thông cảm cho chúng tôi, nếu không thì rất khó, chúng tôi cũng chỉ muốn giá cả ổn định để làm ăn thuận lợi thôi. Giá lên thế này, chỉ có người tiêu dùng là chịu thiệt. Anh Đang, một người bán thịt lợn quay ở đầu đường Lê Đại Hành, Thành phố Lạng Sơn nói với vẻ lo âu. Tại các chợ trung tâm như chợ Giếng Vuông, Kỳ Lừa, Đông Kinh (Thành phố Lạng Sơn), giá các mặt hàng thực phẩm đang có sự biến động tăng khá rõ rệt. Từ giữa tháng 9 đến nay, giá thịt gà công nghiệp, gà Tam Hoàng, gà ta đã tăng thêm từ 7.000 – 12.000 đồng/kg, giá thịt lợn cũng vậy. Gạo – mặt hàng thiết yếu cũng tăng trên dưới 1.000 đồng/1kg tùy loại. Một số mặt hàng như: dầu ăn, bột ngọt, nước mắm… trên thị trường cũng vừa tăng giá bán với mức tăng khoảng 5%. Vào đầu giờ sáng hoặc cuối giờ chiều, dạo qua khu vực bán thực phẩm có thể nghe những phụ nữ nội trợ râm ran bàn tán, than phiền về việc giá cả leo thang. Không chỉ giá lương thực, thực phẩm có sự biến động, giá nhiều nhóm hàng khác như vật tư nông nghiệp, hàng tiêu dùng cũng dò dẫm tìm đường tiến lên. Đáng chú ý là giá vàng liên tục tăng trong thời gian qua cũng khiến người tiêu dùng lo ngại và vô hình trở thành điểm tựa cho tâm lý muốn tăng giá của những người bán hàng.
Ông Trần Thế Kiên, Giám đốc siêu thị Thành Đô cho biết, từ tháng 9 đến nay, một số nhà cung cấp hàng hóa đã gửi thông báo tăng giá bán ở nhiều nhóm hàng, nhất là một số mặt hàng như sữa, dầu ăn có mức giá từ 15 – 20%. Nguyên nhân được các nhà cung cấp giải thích là do tỷ giá USD tăng dẫn đến giá nguyên liệu đầu vào tăng. Tuy vậy, do đã chủ động dự trữ được một lượng hàng lớn từ trước nên đến thời điểm hiện nay, Thành Đô vẫn duy trì được giá bán ổn định của phần lớn các mặt hàng. Theo thông lệ, những tháng cuối năm nhu cầu mua sắm hàng hóa sử dụng trong dịp lễ, tết tăng cao và thường các chỉ số giá cũng tăng về cuối năm khiến cho nhiều người tiêu dùng không khỏi lo lắng. Bởi vậy, những quy định kiểm soát giá mới từ Thông tư 122 của Bộ Tài chính đang được trông đợi với các yêu cầu khắt khe về kê khai, đăng ký giá đối với những mặt hàng thiết yếu như : xi măng, thép xây dựng, khí hóa lỏng, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, muối, đường ăn, thóc gạo, sữa… Với xăng dầu, tất cả các đầu mối kinh doanh đều phải đăng ký. Theo đó, các mặt hàng tăng giá bất hợp lý sẽ bị đình chỉ mức giá mới và yêu cầu thực hiện giá cũ liền kề trước khi tăng, nặng hơn là phạt cảnh cáo, phạt tiền, tước giấy phép kinh doanh… Đối với tỉnh Lạng Sơn, hiện nay, công tác quản lý nhà nước về giá đang thực hiện theo Quyết định số 01/2006/QĐ – UBND ngày 18/01/2006 của UBND tỉnh được ban hành theo trên cơ sở Nghị định số 170/NĐ – CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn số 15/2004/TT – BTC ngày 25/12/2004 của Bộ Tài chính. Đến nay đã có nghị định của Chính phủ sửa đổi và thông tư hướng dẫn mới của Bộ Tài chính. Do vậy, các ngành chức năng đang trình UBND tỉnh ban hành danh mục và điều kiện áp dụng các biện pháp thực hiện bình ổn giá trên địa bàn.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, từ nay đến cuối năm, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các cấp, ngành chức năng phải tập trung thực hiện cho tốt, đó là : tăng cường công tác quản lý thị trường, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát giá, chống đầu cơ nâng giá. Vì vậy, khi cơn “bão” giá đang có dấu hiệu nhen nhóm như hiện nay, việc tập trung sức mạnh, sự đồng bộ của các cấp, ngành chức năng để có thể bình ổn thị trường, góp phần thực hiện an sinh xã hội là hết sức quan trọng.
Hoàng Thái
Ý kiến ()