Bình ổn thị trường rau xanh tại Hà Nội
Thu mua rau, quả tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội). Vài ngày gần đây, mặc dù lượng rau cung cấp cho thị trường vẫn tương đối ổn định nhưng giá bán lẻ các loại rau trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tục tăng cao.Chị Phạm Thu Hà, ở phố Hàng Điếu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thường đi chợ mua thực phẩm tại chợ Hàng Da. Chị cho biết, khoảng bốn, năm ngày gần đây giá các loại rau tăng cao. Tiền mua rau hằng ngày tương đương tiền mua thịt, cá, ảnh hưởng đến chi tiêu của gia đình. Chủ cửa hàng giải thích nguyên nhân giá rau xanh tăng nhanh là do trời rét đậm, nguồn hàng thiếu hụt nghiêm trọng... Thậm chí họ dự báo, nếu rét đậm kéo dài, giá các loại rau tiếp tục tăng.Không chỉ riêng chợ Hàng Da, tại nhiều chợ khác ở Hà Nội như Thành Công, Ngọc Lâm..., giá các loại rau đều tăng mạnh, trung bình từ 40% đến 50% so với trước đợt rét đậm. Giá su hào từ năm, sáu nghìn tăng lên tám đến mười nghìn đồng/củ, súp-lơ từ mười nghìn tăng lên...
Thu mua rau, quả tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội). |
Vài ngày gần đây, mặc dù lượng rau cung cấp cho thị trường vẫn tương đối ổn định nhưng giá bán lẻ các loại rau trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tục tăng cao.
Chị Phạm Thu Hà, ở phố Hàng Điếu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thường đi chợ mua thực phẩm tại chợ Hàng Da. Chị cho biết, khoảng bốn, năm ngày gần đây giá các loại rau tăng cao. Tiền mua rau hằng ngày tương đương tiền mua thịt, cá, ảnh hưởng đến chi tiêu của gia đình. Chủ cửa hàng giải thích nguyên nhân giá rau xanh tăng nhanh là do trời rét đậm, nguồn hàng thiếu hụt nghiêm trọng… Thậm chí họ dự báo, nếu rét đậm kéo dài, giá các loại rau tiếp tục tăng.
Không chỉ riêng chợ Hàng Da, tại nhiều chợ khác ở Hà Nội như Thành Công, Ngọc Lâm…, giá các loại rau đều tăng mạnh, trung bình từ 40% đến 50% so với trước đợt rét đậm. Giá su hào từ năm, sáu nghìn tăng lên tám đến mười nghìn đồng/củ, súp-lơ từ mười nghìn tăng lên 15 nghìn đến 20 nghìn đồng/cái, bắp cải tăng từ mười nghìn lên 14 nghìn đồng đến 16 nghìn đồng/kg, cà chua tăng lên 15 nghìn đồng đến 17 nghìn đồng/kg… Đặc biệt, các loại rau muống, rau cần, cải xanh, cải xoong, cải cúc… giá tăng gần gấp hai lần. Một mớ rau cần loại nhỏ có giá từ tám đến mười nghìn đồng, cải cúc từ sáu đến tám nghìn đồng/mớ… Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, lượng rau tại các chợ vẫn dồi dào và không xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn cung.
Tại huyện Thanh Trì, vùng trồng rau lớn của Hà Nội, khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 15oC- ngưỡng nhiệt độ ảnh hưởng đến sự phát triển đối với cây trồng, Trạm bảo vệ thực vật huyện đã thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật xuống các xã như Duyên Hà, Yên Mỹ… nắm bắt tình hình sản xuất rau của nông dân. Theo đánh giá của cán bộ kỹ thuật, đối với các loại rau đang trong giai đoạn phát triển, thời tiết giá rét, mưa phùn, không có khả năng làm chết cây, mà chỉ làm cho cây phát triển chậm lại. Với độ ẩm cao, chỉ cần nắng nhẹ, nhiệt độ ngoài trời trên 15oC thì cây sẽ phát triển mạnh trở lại. Riêng đối với các loại rau mới trồng, mặc dù cây giống được ươm trong nhà, nhưng khi mang ra trồng ngoài đồng ruộng thì khả năng bén rễ sẽ chậm hơn, kéo dài thời gian thu hoạch. Trạm trưởng Trạm bảo vệ thực vật huyện Thanh Trì (Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội) Phạm Thị Xuân cho biết, phần lớn các loại rau vụ đông trên địa bàn huyện đang bước vào vụ thu hoạch, cho nên không chịu ảnh hưởng nhiều của thời tiết.
Tại xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, vùng trồng rau lâu đời với hơn 52 ha đất bãi sông Hồng màu mỡ, Chủ nhiệm HTX kinh doanh dịch vụ-thương mại tổng hợp Đại Lan, Đặng Bá Thắng cho biết, việc thu hoạch rau của bà con vẫn diễn ra bình thường. Các loại rau thế mạnh của địa phương như bắp cải, súp lơ, cà chua… đang bước vào giai đoạn thu hoạch, cho nên không chịu ảnh hưởng của thời tiết. Giá bán rau chỉ tăng nhẹ. Giá bán lẻ cà chua tại đầu ruộng từ chín đến 11 nghìn đồng/kg, bắp cải khoảng mười nghìn đồng/kg, súp lơ khoảng mười nghìn đồng/cái. Đối với những khách hàng mua buôn thường xuyên, giá bán các loại rau chỉ tăng khoảng 5 đến 10% so với trước đợt rét…
Tại các vùng trồng rau lớn khác của thành phố như Văn Đức, Đông Dư (huyện Gia Lâm), Thụy Hương (huyện Chương Mỹ), Vân Nội (huyện Đông Anh), Tráng Việt (huyện Mê Linh)…, lượng rau cung cấp cho thị trường nội thành vẫn ổn định với giá cả ít biến động. Riêng các loại rau gieo hạt, ăn lá, thời gian sinh trưởng ngắn như cải cúc, cải xanh, cải chíp… chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết, cho nên sản lượng giảm sút. Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, với hơn 13 nghìn ha sản xuất rau vụ đông trên địa bàn thành phố và nguồn rau từ các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc…, nguồn cung cấp rau trên thị trường Hà Nội khá dồi dào. Nguyên nhân giá rau tăng cao trong những ngày qua chủ yếu là do các tiểu thương lợi dụng tình hình thời tiết để ép giá người tiêu dùng.
Theo dự báo, trong những ngày tới, thời tiết miền bắc còn diễn biến phức tạp, có thể có thêm đợt rét đậm, rét hại, nhiều khả năng các tiểu thương lợi dụng điều này để tăng giá các loại rau xanh, “chặt chém” người tiêu dùng. Để ngăn chặn tình trạng này, thành phố Hà Nội cần chỉ đạo các đơn vị chức năng có biện pháp quản lý, bình ổn giá đối với mặt hàng rau; thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết để kịp thời có phương án đối phó. Bên cạnh đó, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương cần tiếp tục mở rộng các điểm phân phối rau an toàn tại khu dân cư để người tiêu dùng được tiếp cận nguồn hàng bảo đảm với giá hợp lý.
Theo Nhandan
Ý kiến ()