Bình ổn thị trường khi giá một số mặt hàng đặc biệt tăng cao
Từ đầu tháng 10 đến nay, việc Thành phố Hồ Chí Minh từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và mở cửa thị trường đã giúp hoạt động giao dịch thương mại khởi sắc sau thời gian dài tạm đóng cửa.
Trong khoảng một tháng nay, thị trường bán lẻ Thành phố Hồ Chí Minh đang trên đà trở lại hoạt động kinh doanh ở trạng thái bình thường mới và nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh tung khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, giá cả một số mặt hàng đặc biệt như xăng đang có xu thế tăng cao dẫn đến người tiêu dùng có tâm lý quan ngại hàng hóa lại tăng giá.
Dự báo thiết lập mặt bằng giá mới
Nhiều người tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay giãn cách xã hội kéo dài mấy tháng liên tục, khâu vận chuyển, phân phối, bán lẻ gặp khó khăn nên người dân phải mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu với giá tăng cao so với thời điểm bình thường. Hơn thế nữa, chuỗi cung ứng từ nguyên liệu sản xuất cho đến hoạt động kinh doanh, bán lẻ phát sinh hàng loạt chi phí cũng là nguyên nhân đẩy giá cả trên thị trường tiêu dùng.
Từ đầu tháng 10 đến nay, việc Thành phố Hồ Chí Minh từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và mở cửa thị trường đã giúp hoạt động giao dịch thương mại khởi sắc sau thời gian dài tạm đóng cửa. Cùng với đó, hầu hết doanh nghiệp, nhà bán lẻ đánh dấu tái mở cửa hoạt động trở lại bằng hàng loạt khuyến mãi, giảm giá đã mang lại chơ hội mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho người dân thành phố.
Nhờ đó, giá cả trên thị trường hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được kéo giảm xuống từng ngày và người tiêu dùng đã mua sắm dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vừa qua giá xăng lại tăng và có thể sẽ trở thành rào cản cho xu hướng kéo giảm giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và người dân vẫn phải chia sẻ thách thức bình ổn giá cả thị trường với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như đơn vị sản xuất kinh doanh.
Theo chị Thái Nguyên, ngụ tại quận Bình Thạnh, những ngày gần đây, gia đình tranh thủ thời gian mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, nhất là đổi cũ thay mới. Trước đó mấy tháng liên tục không có điều kiện mua sắm, còn hiện nay giá cả thị trường nhiều mặt hàng đang có xu hướng tăng giá nên phải tận dụng cơ hội săn hàng chất lượng với giá cả phù hợp.
Đồng quan điểm, chị Mai Trang, ngụ tại thành phố Thủ Đức cũng cho biết, vào thời điểm này, nhiều trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng… triển khai mạnh chương trình kích cầu đa dạng ngành hàng để bù đắp doanh số trong thời gian tạm đóng cửa vừa qua. Đồng thời, không chỉ doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh mà nhà bán lẻ cũng có nhu cầu giảm lượng hàng hóa tồn kho nên thực hiện giảm giá sâu và tạo điều kiện cho người tiêu dùng mua sắm.
“Dự kiến trong thời gian tới, khi đã thanh lý hết hàng hóa tồn kho và bắt đầu nhập hàng hóa mới thì thị trường hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cũng sẽ thiết lập mặt bằng giá mới. Trong số đó, những mặt hàng hóa đặc biệt, có tác động chi phối thị trường tăng giá như vàng, xăng… sẽ là một trong những nguyên nhân đẩy giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng theo,” chị Mai Trang phân tích thêm.
Không chỉ người tiêu dùng, ngay cả doanh nghiệp, nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất kinh doanh… cũng đang gặp thách thức không nhỏ trước bài toán “trở mình quay lại thị trường” sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay và tương lai gần phải “sống chung với dịch COVID-19” nên đòi hỏi toàn xã hội phải linh hoạt thích nghi với diễn biến thị trường.
Xu hướng tiêu dùng dẫn dắt thị trường
Liên quan đến thị trường hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, nhất là mùa mua sắm Tết năm 2022, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh, Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam cho biết Tết bao giờ cũng là một trong những thời điểm kinh doanh, bán buôn, mua sắm tưng bừng nhất ở thị trường Việt Nam, vì quan niệm Tết là sum túc và quan trọng nhất. Tuy vậy, sau đợt bùng phát dịch COVID-19 lần này, thói quen sinh hoạt, giải trí, kết nối… của người dân đã thay đổi; đồng thời, dẫn đến thay đổi hành vi tiêu dùng và ảnh hưởng nhất định đến thị trường Tết năm 2022.
Dẫn chứng cụ thể, bà Nguyễn Phương Nga chỉ ra rằng kết quả khảo sát mới nhất của Kantar Việt Nam cho thấy mọi hoạt động của người tiêu dùng đang chuyển sang số hóa nhiều hơn trong ăn uống, đi lại, kết nối, giải trí… Người tiêu dùng ngày càng lo lắng hơn về công việc, thu nhập và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ mua sắm, chi trả, cũng như sản phẩm mà họ lựa chọn.
Đặc biệt, ngay sau Tết thường là thời gian người tiêu dùng mua sắm trở lại và đây là cơ hội quan trọng của doanh nghiệp, nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất kinh doanh ở một số nhóm ngành hàng.
Theo thống kê của Kantar Việt Nam, hoạt động mua sắm Tết trong 4 tuần trước mùng 1 luôn rất cao, chiếm từ 70-80%, nhưng 2 tuần cuối cùng lại chiếm hơn một nửa số này. Thời điểm sau mùng 1 Tết vẫn cực kỳ quan trọng với đơn vị sản xuất kinh doanh nhiều ngành hàng nên cần chuẩn bị sẵn sàng từ phân phối, đơn hàng… nhất là nhóm hàng thực phẩm, đồ uống…
Trong khi đó, một số chuyên gia khác nhấn mạnh ngày nay, người mua hàng cũng không có thói quen tích trữ hàng mà đi mua sắm thường xuyên hơn và kết hợp với nhu cầu vui chơi, giải trí. Những năm gần đây, thời gian mua sắm Tết giảm và ngày càng ngắn đi, chỉ còn khoảng hai tuần “vàng”, trước đó là sáu tuần, tùy theo ngành hàng. Do đó, việc dự báo nhu cầu, điểm rơi trong bán hàng mùa Tết của doanh nghiệp, nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất kinh doanh có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Theo ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Unilever toàn cầu Gro 24/7, phụ trách chuỗi bán lẻ toàn cầu Unilever, doanh nghiệp phải chủ động trong quá trình “đọc-hiểu” thị trường, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng, nhất là ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Đồng thời, khả năng tùy biến phải linh hoạt, khai thác nguồn hàng, chuẩn bị nguồn lực, vận chuyển… để tác chiến của doanh nghiệp luôn có sự chuẩn bị sẵn sàng, kịp thời bắt nhịp diễn biến mới trên thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước.
Thị trường tiêu dùng Việt Nam ngày càng cá nhân hóa, không chỉ về chức năng, hình ảnh sản phẩm… mà hoạt động mua sắm cũng cá nhân hóa. Điển hình là mỗi người tiêu dùng sẽ thích mua một kiểu sản phẩm phù hợp với cá tính hoặc theo sở thích cá nhân.
Trong từng nhóm ngành hàng mà xu hướng cá nhân hóa của người tiêu dùng có sự thay đổi khác nhau. Xu hướng cá nhân hóa diễn ra mạnh ở một số nhóm ngành hàng như chăm sóc cá nhân, thực phẩm, ăn uống…/.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()