Bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán
Tháng 11 và tháng 12-2017, Bộ Tài chính, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị bình ổn thị trường Tết, Bộ Giao thông vận tải cũng có Công điện số 76/CÐ-BGTVT ngày 12-12-2017 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết. Bên cạnh đó, Bộ Công thương đã chủ trì tổ chức đoàn công tác liên ngành (Công thương – Tài chính – Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm việc tại một số địa phương ở ba miền bắc, trung, nam về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết. Kết quả cho thấy, nguồn cung hàng hóa chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 khá dồi dào, đa dạng với mức giá hợp lý, các doanh nghiệp (DN) đã có sự chủ động dự trữ hàng hóa và kết nối tiêu thụ hàng nông sản giữa các vùng, miền trong cả nước, thực hiện các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo.
Thông lệ hằng năm, càng gần đến Tết Nguyên đán, nhu cầu mua hàng, dịch vụ tăng cao, sẽ khiến giá cả thị trường biến động. Bộ Tài chính cho biết, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả để kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật; đề xuất kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia theo quy định cho người dân vùng gặp thiên tai, lũ lụt, cứu đói cho dân trong thời kỳ giáp hạt và trong dịp Tết theo đúng đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí; kiểm tra, giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm. Không chỉ triển khai hiệu quả công tác phối hợp chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết mà cần tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phục vụ công tác chuẩn bị nguồn hàng. Việc chú trọng kiểm soát giá các hàng hóa dịch vụ có nhu cầu tăng cao như vận tải, du lịch tại điểm vui chơi, tham quan, lễ hội sẽ phải song song với đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn người dân đến các địa điểm bán hàng sạch, hàng bình ổn giá, đẩy mạnh tuyên truyền chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. DN cần chủ động bố trí kế hoạch sản xuất, kinh doanh và trực Tết để bảo đảm các hoạt động thông suốt trong dịp Tết Nguyên đán.
Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, năm 2018 tuy chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tương đương với năm 2017 nhưng công tác quản lý điều hành giá trong năm nay dự báo vẫn cần hết sức thận trọng. Lạm phát năm 2018 được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố chủ yếu, trong đó có giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý như giá dịch vụ khám, chữa bệnh, dịch vụ giáo dục. Ðối với giá dịch vụ khám, chữa bệnh, Bộ Tài chính cho biết, hiện còn khoảng 18 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa tăng giá dịch vụ cho người không có bảo hiểm y tế, ước tổng tác động vào CPI khoảng 0,17%. Việc điều chỉnh mức lương cơ sở trong tính toán giá dịch vụ y tế sẽ tác động làm giá dịch vụ y tế tăng khoảng 4%, tác động vào CPI khoảng 0,14%. Bên cạnh đó, nếu không giãn lộ trình điều chỉnh theo Nghị định số 16/2015/NÐ-CP, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh sẽ tính thêm chi phí quản lý vào giá trong năm 2018.
Bên cạnh đó, giá nhóm dịch vụ giáo dục sẽ tiếp tục tăng 8 đến 10%, tác động khoảng 0,3% vào CPI chung của năm 2018. Giá điện tăng 6,08% từ ngày 1-12-2017 dự kiến sẽ tác động lên mặt bằng giá làm tăng CPI khoảng 0,1%. Ngoài ra, việc tăng giá điện cũng sẽ tác động gián tiếp tới giá thành các mặt hàng khác sử dụng điện là chi phí đầu vào. Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng và mức lương cơ sở năm 2018 dự kiến làm tăng giá khoảng 5% đối với một số loại dịch vụ như sửa chữa đồ dùng gia đình, bảo dưỡng nhà ở, điện nước, thuê người giúp việc. Ðáng lưu ý là giá các dịch vụ chuyển từ phí sang giá theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí đối với một số dịch vụ không được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cũng sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá. Chính vì vậy, việc điều hành giá các dịch vụ do nhà nước quản lý nêu trên cần chặt chẽ, có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc kiểm soát mức tăng và lựa chọn thời điểm tăng phù hợp nhằm hạn chế tác động tăng đột biến tới mức tăng CPI bình quân chung, nhất là trong thời điểm Tết Nguyên đán.
Ý kiến ()