Bình ổn giá vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp
Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của các tỉnh phía nam bị tác động tiêu cực do dịch Covid-19 và giá vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) tăng cao. Ðể bình ổn giá vật tư, giảm chi phí sản xuất, nhiều giải pháp, khuyến cáo đã được đưa ra tại Diễn đàn Kết nối cung cầu vật tư đầu vào, thúc đẩy sản xuất vụ đông xuân do Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức sáng 13/11.
Theo Cục Trồng trọt, dự kiến vụ đông xuân 2021 – 2022, các tỉnh phía nam gieo cấy hơn 1,6 triệu ha. Ðây là vụ lúa chính, cho năng suất cao nhất và chất lượng tốt nhất. Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương tính toán số liệu chi tiết đến từng cánh đồng về nhu cầu các loại vật tư nông nghiệp cần sử dụng. Trên cơ sở đó, Cục sẽ hỗ trợ các địa phương, nông dân và doanh nghiệp cân đối, có phương án kết nối cung – cầu hợp lý, bảo đảm bình ổn giá thành.
Nỗi lo vật tư đầu vào
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết: Tại tỉnh Kiên Giang, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng từ 30 – 40% so với vụ trước, trong khi giá bán lúa không tăng. Vì vậy, cơ quan chức năng tỉnh đang siết chặt quản lý để giá bán vật tư đầu vào không tăng thêm. Ngay từ đầu vụ, tỉnh đã thanh tra, kiểm tra vật tư đầu vào. Trong đó, đối với phân bón, đã thanh tra, kiểm tra hơn 700 cơ sở kinh doanh. Theo đó, 61 cơ sở đã bị xử lý, 92 mẫu được lấy phân tích để bảo đảm chất lượng vật tư đầu vào. Ngoài ra, mỗi vụ tỉnh Kiên Giang có nhu cầu rất lớn về giống lúa (hơn 33.600 tấn/vụ), trong đó giống chất lượng cao chiếm 93,99%. Tuy nhiên, hiện nay nhiều đại lý giống lúa đóng bao bì không có nhãn mác, gây khó khăn cho công tác quản lý. Bên cạnh đó, giá bán giống lúa, nhất là những giống lúa bản quyền liên tục tăng. Trước đây giá bán trung bình 13.500 đồng/kg, hiện nay đã tăng lên khoảng 15.000 đồng/kg. Vì vậy, đề nghị các đơn vị sản xuất giống nghiên cứu việc chia sẻ bản quyền giống trên cơ sở thỏa thuận giá bán hợp lý, tạo thuận lợi cho nông dân tiếp cận những giống bản quyền, giống chất lượng cao với giá thành thấp nhất.
Cùng chung nỗi lo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Trương Kiến Thọ trao đổi: Hiện nay giá vật tư đầu vào, phân bón đang là rào cản lớn đối với lợi nhuận của người nông dân. Do đó, cần có các biện pháp bình ổn giá với các chính sách thích hợp. Về phía An Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh kiến nghị có chính sách tạo nguồn vốn cho hợp tác xã để hợp tác xã có thể mua được sản phẩm, vật tư nông nghiệp từ nhà máy, giảm chi phí trung gian cho người nông dân.
Khó khăn của vụ đông xuân sắp tới không chỉ là giá vật tư đầu vào mà còn là tình trạng phân bón giả, giống giả… gây thiệt hại cho người sản xuất. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng miền nam Nguyễn Quốc Phong cho biết: Hiện, giống lúa Ðài thơm 8 đang được người dân ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long sử dụng nhiều nhưng vừa qua có hiện tượng bán giống bao trắng, giống giả làm ảnh hưởng năng suất và chất lượng sản phẩm. Giống giả còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu của các đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh lúa gạo Việt Nam. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, có giải pháp để hạn chế hiện tượng đóng bao trắng, hàng giả trên thị trường.
Kết hợp nhiều giải pháp giảm chi phí sản xuất
Theo dự báo, giá lúa, gạo thời gian tới khó có thể tăng cao, cho nên nếu giá vật tư đầu vào tiếp tục tăng phi mã như hiện nay thì chắc chắn nông dân sẽ chịu thiệt thòi lớn, khó vực dậy đầu tư sản xuất lại, nhất là sau khi vừa chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 cả trong sản xuất và tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản. Giám đốc Marketing, Công ty cổ phần Phân bón Bình Ðiền, Phan Văn Tâm cho rằng: Hiện nay đang xảy ra tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất phân bón, ngay cả với Bình Ðiền thì việc tìm nguồn cung cũng đang gặp không ít khó khăn. Nguyên liệu nhập khẩu đều tăng giá mạnh kéo theo giá bán phân bón tăng cao. Các cơ quan chức năng cần có phương án giúp nông dân thích ứng và đối phó tình hình này. Ông Phan Văn Tâm cho rằng, trước mỗi mùa vụ cần có các diễn đàn thảo luận sâu về tình hình thị trường, đưa ra các dự báo về vật tư đầu vào trong giai đoạn đó. Từ đó đưa ra chiến lược sản xuất phù hợp, bảo đảm lợi nhuận cho người nông dân dù giá vật tư đầu vào có biến động.
Chia sẻ về cách làm để giảm bớt áp lực giá vật tư đầu vào tăng cao cho bà con nông dân, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời) Nguyễn Hữu Tho cho biết: Hiện nay Tập đoàn Lộc Trời đang triển khai ba mô hình sản xuất tại đồng bằng sông Cửu Long: Liên kết tiêu thụ; sản xuất theo hình thức truyền thống (có hỗ trợ); mô hình bao lợi nhuận. Trong vụ đông xuân 2021 – 2022, tập đoàn sẽ mở rộng mô hình bao lợi nhuận tại các tỉnh Ðồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ… với diện tích khoảng 30.000 ha. Với mô hình này, tập đoàn bao toàn bộ chi phí đầu vào sản xuất cho người dân (thuốc bảo vệ thực vật, phân bón…). Ngay từ đầu vụ, người dân sẽ ký thỏa thuận với tập đoàn mức năng suất và mức lợi nhuận cố định. Nếu sản xuất tốt, năng suất thu được cao hơn mức cam kết thì người dân sẽ được hưởng thêm phần tăng lên đó, tạo động lực rất lớn để tiếp tục chăm lo đồng ruộng. Cũng ngay từ đầu năm 2021, tập đoàn đã cam kết sẽ không tăng giá vật tư nông nghiệp trong cả năm 2021 để chung tay cùng người dân sản xuất và tiêu thụ lúa hiệu quả nhất.
Một số chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo giải pháp thay thế phân bón hóa học thông qua việc dùng men vi sinh xử lý rơm rạ. Bà Bùi Thị Hồng Hà, Trưởng phòng Vi sinh Nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp Hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) cho biết: Nếu nông dân để lại 100% rơm rạ tại ruộng và sạ thưa hơn thì có khả năng giảm được 50% lượng phân bón hóa học cần sử dụng. Lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm từ 30 – 50%, một số vùng có thói quen dùng đến chín lần thuốc/vụ lúa đã cắt giảm chỉ còn hai đến ba lần phun. Ðiều này vừa tránh lãng phí nguồn rơm rạ, vừa giảm áp lực lệ thuộc vào phân bón hóa học và các loại thuốc bảo vệ thực vật khác.
Ý kiến ()