Bình ổn giá sữa - từ chính sách đến thị trường
Đó là chủ đề buổi giao lưu trực tuyến do Báo Hải quan tổ chức vào sáng nay 2/6, tại Hà Nội. Tại buổi giao lưu ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã có những trao đổi về những vướng mắc khó khăn và giải pháp tháo gỡ trong quản lý và bình ổn giá sữa trên thị trường.
Vừa qua, Chính phủ đã thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính về việc tiếp tục bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bằng biện pháp xác định giá tối đa từ 1-6-2015 đến hết ngày 31-12- 2016.
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) |
Những kết quả bước đầu
Quá trình thực hiện bình ổn giá sữa thời gian qua đã có sự đồng thuận của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý có liên quan từ Trung ương đến địa phương, giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được giữ ổn định liên tục trong 12 tháng. Giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm từ 0,1- 34% thời điểm sau khi thực hiện bình ổn giá. Điều này cho thấy chủ trương bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của Chính phủ là hết sức đúng đắn.
Mặc dù bước đầu đã có những hiệu quả nhất định, tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận kết quả bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi vẫn còn chưa chắc chắn và tiềm ẩn nhiều dấu hiệu biến động bất thường. Trong đó đáng chú ý nhất là giá nguyên liệu thế giới giảm nhưng giá sữa thành phẩm tiêu thụ trong nước không giảm hoặc giảm ít; giá bán trung bình trên kg của các sản phẩm sữa công thức cho trẻ dưới 6 tuổi bước 1 – bước 4 (tất cả các nhãn hàng) của Việt Nam đang cao hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á.
Theo quy định tại Quyết định số 1079/QĐ-BTC ngày 20-5-2014 về việc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi, thời hạn áp dụng giá tối đa bắt đầu từ ngày 1-6-2014 và kết thúc vào ngày 31-5-2015, nhưng tiếp tục thực hiện bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi vẫn luôn là đòi hỏi chính đáng của cả xã hội.
Do đó, Chính phủ đã thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính về việc tiếp tục bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bằng biện pháp xác định giá tối đa từ ngày 1-6-2015 đến hết 31-12-2016.
5 năm doanh nghiệp thực hiện kê khai giá tại Bộ Tài chính đã thực hiện kê khai giá lại của 50 sản phẩm sữa (Công ty TNHH MeadJohnson Nutrition Việt Nam, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam, Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A và Công ty TNHH Tiên Tiến – nhà phân phối của Công ty TNHH MeadJohnson Nutrition Việt Nam).
Trong 5 doanh nghiệp kê khai nêu trên có Công ty TNHH Tiên Tiến có thực hiện bán lẻ. Doanh nghiệp này đã thực hiện giảm giá bán lẻ từ ngày 20-4-2015.
Sau khi các doanh nghiệp thực hiện kê khai lại mức giá bán buôn của 50 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ Tài chính đã rà soát và đăng công khai mức giá trên trang thông tin điện tử để các cơ quan quản lý, người tiêu dùng biết. Mức giá có hiệu lực từ ngày 20-4. Tuy nhiên, do các công ty thực hiện kê khai giá tại Bộ Tài chính chỉ thực hiện khâu bán buôn, không bán lẻ, vì vậy, mức giá kê khai có hiệu lực từ ngày 20-4-2015 là mức giá bán buôn.
Qua báo cáo của cơ quan quản lý giá tại địa phương, 2 doanh nghiệp gồm Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam và Công ty TNHH Danone Việt Nam đã kê khai giảm giá đối với 17 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi. Sau khi rà soát, cơ quan quản lý giá địa phương đã công bố giá bán buôn tối đa và giá bán lẻ tối đa mới của 2 doanh nghiệp nêu trên. Mức giá có hiệu lực từ ngày 20-4-2015.
Tuy nhiên, việc triển khai đến khâu bán lẻ có độ trễ do các công ty thực hiện thông báo, điều chỉnh hệ thống. Tại Quyết định số 1079/QĐ-BTC ngày 20-4-2014 của Bộ Tài chính về áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi có quy định mức giá bán lẻ có hiệu lực thi hành chậm nhất 20 ngày sau khi mức giá bán buôn có hiệu lực.
Hiện nay, qua nắm bắt thông tin và báo cáo của các địa phương, mức giá bán lẻ của một số sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi trên thị trường đã giảm so với mức giá trước đó với tỷ lệ giảm giá 1-5,5%.
Những khó khăn vướng mắc
Có ý kiến cho rằng, công tác quản lý nhà nước đối với sữa – mặt hàng nằm trong danh mục bình ổn giá – còn nhiều bất cập, dẫn đến một số doanh nghiệp có biểu hiện “nhờn luật”, “lách luật”. Trước nhận định này ông Tuấn cho biết: Thực hiện theo quy định của Luật Giá, Danh mục sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc danh mục bình ổn giá không phải chỉ tất cả các mặt hàng sữa mà dưới sự tác động của thị trường sữa Việt Nam so với thị trường sữa một số nước trong khu vực cho thấy còn nhiều điểm chưa hợp lý, do vậy Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thanh tra tài chính kiểm tra 5 doanh nghiệp kinh doanh sữa có thị phần lớn trên thị trường.
Qua kết quả thanh tra, các doanh nghiệp đã chi mức quảng cáo tương đối cao, tác động đến giá bán cao, do vậy Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 29 thực hiện bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi bằng hai biện pháp đăng ký giá và xác định giá tối đa.
Theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản quản lý giá sữa theo Nghị quyết của Chính phủ và đưa sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi vào tầm kiểm soát. Mặc dù không ít vướng mắc trong quá trình thực hiện bình ổn giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi nhưng các doanh nghiệp và người tiêu dùng đều đồng thuận với chủ trương bình ổn giá của Chính phủ và Bộ Tài chính.
Người tiêu dùng đã được hưởng giá giảm và mặt bằng giá sữa ổn định trong 12 tháng liền. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng khẳng định vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, như: Thứ nhất, nguồn nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước và sản phẩm sữa thành phẩm phần lớn đều nhập từ nước ngoài do các đối tác nước ngoài chỉ định, do đó gặp rất nhiều khó khăn trong xác định yếu tố đầu vào để sản xuất và phân phối sản phẩm sữa; Thứ hai, thông tin so sánh sản phẩm sữa cùng loại tại các thị trường trong khu vực ASEAN còn hạn chế do chính sách bán hàng của các doanh nghiệp đối với các nước có khác nhau; Thứ ba, đây là lần đầu tiên áp dụng giá tối đa đối với mặt hàng có nhiều chủng loại, chất lượng khác nhau dẫn đến giá cả khác nhau nên việc triển khai xác định giá tối đa khi thực hiện đến khâu bán lẻ là rất phức tạp.
Đề cập đến những khó khăn mà cơ quan quản lý gặp phải trong quá trình bình ổn giá sữa, ông Nguyễn Anh Tuấn nhận định: Qua 1 năm thực hiện bình ổn giá, cơ quan quản lý giá đã công bố giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai của 708 dòng sản phẩm, mức giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm từ 0,1-34% và giữ ổn định liên tục trong 12 tháng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chúng tôi vẫn còn gặp một số khó khăn như: Nguồn nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước và sản phẩm sữa thành phẩm phần lớn đều được nhập khẩu do đối tác nước ngoài trực tiếp chỉ định và có biểu hiện thao túng, chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào Việt Nam do đó gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát, xác định yếu tố đầu vào của sản xuất, phân phối sản phẩm sữa.
Ngoài ra, thông tin để so sánh sản phẩm cùng loại tại các thị trường trong khu vực ASEAN còn rất hạn chế; việc phân phối của các hãng sữa vào các nước trong khu vực có những mức giá nào, mức giá của các nước trong khu vực so với Việt Nam có thấp hơn hay không? Qua khảo sát cho thấy luôn có mức giá thấp hơn mức giá tại thị trường Việt Nam. Vì vậy, kiến nghị các công ty sữa phân phối các sản phẩm của mình tại Việt Nam có mức giá ổn định, phù hợp với mặt bằng chung và đề nghị cung cấp thông tin về mức giá của sản phẩm sữa của các nước trong khu vực cho cơ quan quản lý.
Phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành để quản lý giá sữa hiệu quả hơn
Để bảo đảm chính sách ban hành được thực thi có hiệu quả ông Tuấn cho biết, đối với công tác quản lý giá sữa, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Y tế để rà soát các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi khi lưu hành trên thị trường phải xác định giá tối đa trên thị trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Bên canh đó, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường thường xuyên tăng cường kiểm tra tuân thủ pháp luật về giá, chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái, gian lận thương mại đối với sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Cùng với đó, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường tuyên truyền chủ trương của Chính phủ và Bộ Tài chính để các doanh nghiệp biết, thực hiện chủ trương này, người tiêu dùng giám sát và phản hồi các thông tin về cơ quan quản lý để tăng tính tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Sở Tài chính các tỉnh, thành phố thực hiện quản lý giá sữa trên địa bàn, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng phối hợp chặt chẽ quản lý giá sữa trên địa bàn…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()