LSO-Năm 2012, tình hình kinh tế trong nước có nhiều biến động. Việc điều chỉnh giá xăng dầu, thay đổi cơ chế quản lý việc kinh doanh vàng, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và huy động vốn đầu tư… đã tác động không nhỏ đến giá cả thị trường. Trước thực trạng đó, chương trình bình ổn giá được UBND tỉnh và các cấp, ngành chức năng quan tâm chỉ đạo thực hiện đã góp phần tạo tâm lý yên tâm đối với người dân Lạng Sơn. Người dân chọn mua hàng tại Hội chợ thương mại Lạng SơnChương trình bình ổn giá năm 2012 được thực hiện ngay từ những ngày đầu năm, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn. Tổng trị giá hàng hóa tổ chức kinh doanh trong chương trình bình ổn theo đăng ký của doanh nghiệp là 164 tỷ đồng, các doanh nghiệp được vay vốn tham gia bình ổn là 20 tỷ đồng để tổ chức kinh doanh, dự trữ luân chuyển hàng hóa, chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối như: Công ty Cổ phần (CP) Thành...
LSO-Năm 2012, tình hình kinh tế trong nước có nhiều biến động. Việc điều chỉnh giá xăng dầu, thay đổi cơ chế quản lý việc kinh doanh vàng, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và huy động vốn đầu tư… đã tác động không nhỏ đến giá cả thị trường. Trước thực trạng đó, chương trình bình ổn giá được UBND tỉnh và các cấp, ngành chức năng quan tâm chỉ đạo thực hiện đã góp phần tạo tâm lý yên tâm đối với người dân Lạng Sơn.
Người dân chọn mua hàng tại Hội chợ thương mại Lạng Sơn
Chương trình bình ổn giá năm 2012 được thực hiện ngay từ những ngày đầu năm, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn. Tổng trị giá hàng hóa tổ chức kinh doanh trong chương trình bình ổn theo đăng ký của doanh nghiệp là 164 tỷ đồng, các doanh nghiệp được vay vốn tham gia bình ổn là 20 tỷ đồng để tổ chức kinh doanh, dự trữ luân chuyển hàng hóa, chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối như: Công ty Cổ phần (CP) Thành Đô 8 tỷ đồng; Doanh nghiệp tư nhân Trần Lệnh Thương 5 tỷ đồng; Công ty CP Thương mại 3 tỷ đồng; Công ty CP Du lịch và xuất nhập khẩu 4 tỷ đồng. Trong đó các mặt hàng tham gia bình ổn gồm các mặt hàng thiết yếu như: dầu hỏa, muối iốt, đường sữa, dầu ăn, gạo các loại, nước mắm, thực phẩm công nghệ, đậu xanh… Theo chương trình, giá cả những mặt hàng tham gia bình ổn được các doanh nghiệp cam kết bán thấp hơn giá bình quân trên thị trường từ 5-10%. Ngoài nguồn vốn được UBND tỉnh hỗ trợ để tạm trữ một số mặt hàng thiết yếu, các doanh nghiệp đã chủ động các nguồn vốn khác để dự trữ hàng hóa, tổng trị giá các mặt hàng được doanh nghiệp thực hiện kinh doanh, dự trữ luân chuyển trong chương trình tăng 1 tỷ đồng so với đăng ký, đạt trên 165 tỷ đồng. Do các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm dự trữ hàng hóa phục vụ tết từ những năm trước nên về cơ bản lượng hàng hóa đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Nhờ đó, giá cả hàng hóa không có biến động lớn, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Đặc biệt trong những đợt giá xăng dầu tăng không xảy ra tình trạng các hộ kinh doanh “tát nước theo mưa” tăng giá hàng hóa theo giá xăng dầu; không xảy ra khan hiếm chủng loại hàng hóa trong những đợt lễ, tết nên tạo tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng. Chương trình bán hàng bình ổn của tỉnh đã trở thành một kênh phân phối hàng hóa hiệu quả. Ngoài việc tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm do Việt Nam sản xuất, Chương trình còn giúp cho doanh nghiệp an tâm đầu tư mạnh hơn vào khâu phân phối, mở rộng mạng lưới tiêu thụ đến vùng sâu, vùng xa đồng thời tích cực tham gia tuyên truyền vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đến một số huyện, xã vùng nông thôn theo kế hoạch hoạt động của Sở Công Thương, tích cực chủ động đưa hàng về nông thôn thông qua các cơ sở, đại lý bán lẻ và tổ chức bán hàng lưu động. Bên cạnh những mặt đã làm được, Chương trình bình ổn giá vẫn tồn tại một số hạn chế như: công tác bình ổn giá mới chỉ được tập trung thực hiện ở các khu vực trung tâm, khu vực thành thị, nơi đông dân cư, chưa triển khai rộng khắp tới các xã vùng sâu, vùng xa nên bà con nông dân chưa được hưởng lợi từ các hoạt động của chương trình. Nguyên nhân là do việc đưa hàng bình ổn giá về các xã vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn bởi giao thông không thuận lợi, chi phí vận chuyển cao…Công tác tuyên truyền, quảng bá chưa sâu rộng, danh mục mặt hàng bình ổn chưa niêm yết công khai tại khu vực bán hàng nên nhiều bà con chưa nắm được. Việc giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với hoạt động của doanh nghiệp trong thực hiện Chương trình vẫn chưa sâu sát, cụ thể. Do vậy chưa kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và kiến nghị xử lý các tồn tại, khuyết điểm, vi phạm, vẫn còn để xảy ra tình trạng doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn phục vụ công tác bình ổn giá sai mục đích.
Ông Bùi Gia Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: thời gian qua, các chương trình bình ổn giá đều được sự thống nhất cao của các cơ quan quản lý nhà nước và các cấp chính quyền, được sự tham gia tích cực và có hiệu quả của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để việc bình ổn giá đạt hiệu quả cao hơn, thiết thực hơn cần tập trung làm tốt việc triển khai mở rộng danh mục các mặt hàng bình ổn giá, tăng thêm lượng vốn vay để công tác triển khai bình ổn giá được thực hiện rộng khắp trên các khu vực dân cư, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu. Cần quản lý chặt chẽ nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân sách phục vụ hoạt động tham gia Chương trình của doanh nghiệp theo nguyên tắc: không chuyển vốn vay ưu đãi vào tài khoản của doanh nghiệp mà thực hiện thanh toán trực tiếp từ Kho bạc Nhà nước theo hợp đồng mua bán (trong định mức vay) của doanh nghiệp đối với các loại hàng hoá trong danh mục đã được đăng ký cho doanh nghiệp tham gia Chương trình, nhất là chuẩn bị chương trình cụ thể, hiệu quả cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Anh Dũng
Ý kiến ()