Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số tăng giá tiêu dùng chín tháng qua tăng 6,46% so tháng 12-2009 và tăng 8,92% so cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng chín tháng qua tăng do nhiều nguyên nhân tác động như giá thế giới tăng, các yếu tố tài chính, tiền tệ, cung cầu… trong nước và có những đặc điểm riêng biệt là tăng cao trong các tháng đầu năm (tháng 1: 1,36%; tháng 2: 1,96%; tháng 3: 0,76%), giảm tốc độ tăng ở các tháng tiếp sau đó (tháng 4: 0,14%, tháng 5: 0,27%, tháng 6: 0,22%, tháng 7: 0,06%, tháng 8: 0,23%). Đến tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng lại tăng cao: 1,31%. Đây là mức tăng cao hơn so mức tăng của tháng 9 cùng kỳ một số năm trước (2005: 0,8%, 2006: 0,3%, 2007: 0,51%, 2008: 0,18%, 2009: 0,62%). Sở dĩ chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng cao hơn các tháng trước liền kề chủ yếu do có hai nhóm hàng giá tăng khá cao, đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, đó là: Nhóm giáo dục tăng 12% và nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 0,79%. Hai nhóm hàng này đã đóng góp vào mức tăng của chỉ số tăng giá chung 1,31% của tháng 9 là 1,003% (chiếm 76,56%).
Chỉ số nhóm giáo dục tăng, tăng cao hơn các tháng khác trong năm (tháng 8-2010 chỉ tăng 1,29%) và tăng cao hơn so mức tăng của tháng 9 cùng kỳ từ năm 2005 đến năm 2009 (1,31%; 0,7%; 0,39%; 1,40%; 4,33%), mang tính đột biến, không phải do bản thân thị trường tự điều chỉnh mà chính là do nhiều tỉnh, thành phố chủ động thực hiện lộ trình xã hội hóa, điều chỉnh tăng học phí ở mức khá cao. Bên cạnh đó, đáng chú ý là nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống với sự điều chỉnh của thị trường đã tăng khá cao, gấp ba lần mức tăng của tháng trước (0,79%/0,27%). Trong đó, nổi lên là giá lương thực sau khi tăng 0,67% trong tháng 8, đến tháng 9 tăng tới 2,32%… Như vậy, nếu loại trừ 'yếu tố chủ động xã hội hóa' của nhóm giáo dục, chấp nhận toàn bộ sự tăng giá tự điều chỉnh của thị trường thì chỉ số giá tiêu dùng tháng 9-2010 chỉ tăng khoảng 0,7%. Đây là vấn đề cần hết sức chú ý trong điều hành bình ổn giá nói chung và điều hành giá những mặt hàng Nhà nước còn định giá trong những tháng cuối năm nói riêng.
Ba tháng còn lại của năm 2010, tuy có những nhân tố tác động kiềm chế tốc độ tăng giá nhưng cũng có khá nhiều nhân tố tác động gây sức ép đẩy mặt bằng giá tăng. Cụ thể như kinh tế thế giới được đánh giá khả năng phục hồi khá hơn vì vậy nhu cầu nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất tăng, nhu cầu tăng đẩy giá tăng ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, cần hết sức chú ý đến những diễn biến phức tạp trên thị trường thế giới sẽ tác động mạnh vào thị trường trong nước như: chính sách nới lỏng tiền tệ của một số nước lớn để phục hồi nền kinh tế, biến động của giá vàng, giá xăng, dầu và giá của các đồng tiền chủ chốt. Về kinh tế trong nước, sản xuất đã đạt mức tăng trưởng vượt dự báo nhưng còn gặp nhiều khó khăn về vốn cho sản xuất, cung ứng điện cho nền kinh tế. Thiên tai, dịch bệnh gia súc, gia cầm, cây trồng vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn những yếu tố bất ổn… ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa, dịch vụ và tác động làm tăng chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm. Cuối năm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa dịch vụ phục vụ lễ hội, Tết Nguyên đán, Tết dương lịch tăng. Lượng tiền cung ứng ra lưu thông tăng hơn những tháng bình thường.
Để giảm thiểu những tác động gây bất lợi đến nền kinh tế nói chung, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương, các DN thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh sản xuất đã được đề ra tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 6-4-2010 của Chính phủ. Năm giải pháp thực hiện kế hoạch kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn thị trường mà Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo tại Hội nghị giao ban trực tuyến ngày 6-10 về các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường với 22 địa phương, bộ, ngành và năm tổng công ty chuyên cung ứng các mặt hàng thiết yếu trong nước đã cụ thể hóa bằng những việc cần làm. Các bộ, ngành, các địa phương cần thực hiện ngay, có hiệu quả những nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phân công tại Chỉ thị số 1875/CT-TTg, ngày 11-10-2010 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả, thị trường những tháng cuối năm 2010. Trong đó, tập trung xử lý những biện pháp 'từ gốc' của việc bình ổn giá là: Áp dụng ngay các biện pháp tháo gỡ khó khăn để các DN khai thác, đẩy mạnh năng lực sản xuất, nắm chắc nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu; tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm. Giữ vững các cân đối kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối cung – cầu hàng hóa, dịch vụ giữa các vùng, miền trong cả nước. Hoàn thành và công bố trong quý IV-2010 quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối các sản phẩm chủ yếu: xăng dầu, phân bón, thép xây dựng, xi-măng, lương thực, thuốc chữa bệnh. Khuyến khích các DN thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá. Hỗ trợ vốn, lãi suất cho các DN kinh doanh các hàng hóa dịch vụ thiết yếu chiếm thị phần lớn, dự trữ hàng hóa. Tiếp tục kiểm soát nhập siêu ở mức khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu. Kiểm soát chi ngân sách, ngừng các khoản chi chưa thật sự cấp bách, không thiết thực. Điều hành từng bước giảm lãi suất tín dụng; điều hành tỷ giá ngoại tệ linh hoạt; áp dụng các biện pháp cho phép các ngân hàng thương mại có thể rút nhanh tiền ra khỏi lưu thông… Trong công tác quản lý, điều hành giá, tiếp tục thực hiện các biện pháp sau:
Thứ nhất , điều hành giữ ổn định một số giá hàng hóa, dịch vụ đầu vào cơ bản của nền kinh tế như: giá điện, giá than (bán cho bốn ngành tiêu thụ than lớn: xi-măng, điện, giấy, phân bón), giá nước sạch cho sinh hoạt, cước vận tải hành khách bằng xe buýt, bằng đường hàng không; giá vé vận tải hành khách bằng ghế ngồi cứng trên phương tiện đường sắt…; sử dụng linh hoạt công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn giá để bình ổn giá xăng dầu ở mức phù hợp. Rà soát, cắt giảm các chi phí không hợp lý để giảm đến mức thấp nhất việc tăng giá các sản phẩm độc quyền, các hàng hóa dịch vụ Nhà nước còn định giá.
Thứ hai , kiểm soát chặt chẽ chi tiêu ngân sách Nhà nước chi cho các phương án giá, mức giá hàng dự trữ quốc gia; hàng hóa, dịch vụ Nhà nước đặt hàng; hàng hóa còn được trợ cước, trợ giá; hàng hóa, dịch vụ thực hiện chính sách xã hội… hạn chế cao nhất trường hợp vượt mức dự toán, ứng vốn.
Thứ ba, kiểm soát việc đăng ký giá, kê khai giá khi DN đăng ký thay đổi mức giá đối với 17 mặt hàng thuộc diện phải đăng ký giá như: xi-măng, thép xây dựng, gas, than, phân bón hóa học, đường ăn, sữa bột cho trẻ em dưới sáu tuổi… và sáu mặt hàng phải kê khai giá như: thuốc phòng, chữa bệnh cho người, cước vận tải bằng ô-tô, dịch vụ tại cảng hàng không.
Thứ tư, chủ động áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, tăng cường kiểm soát thuế, kiểm soát siêu lợi nhuận gắn liền với kiểm tra giá, chống liên kết độc quyền nâng giá và đầu cơ trái pháp luật. Kiểm soát việc chấp hành pháp luật Nhà nước về giá.
Trên cơ sở những giải pháp nói trên, nếu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện kiên quyết, đồng bộ thì chỉ số giá tiêu dùng ba tháng còn lại của năm 2010 có thể chỉ tăng khoảng 1,5% và cả năm có thể kiểm soát được ở mức tăng khoảng 8%.
Ý kiến ()