Bình Nghi: Nhà xuồng còng lưng gánh nợ
LSO - Bến Bình Nghi xã Đào Viên huyện Tràng Định có trên bốn chục chiếc xuồng kinh doanh vận chuyển hàng hoá qua biên giới. Vào thời điểm nhiều hàng xuất, nhà xuồng làm không hết việc, người dân thấy chạy xuồng có hiệu quả vay mượn để đóng xuồng. Thế nhưng từ tháng 7/2013 đến nay, do không có hàng, 43 chiếc xuồng phải nằm bến, và gánh nặng nợ nần lại đè lên vai các chủ xuồng nông dân.
LSO – Bến Bình Nghi xã Đào Viên huyện Tràng Định có trên bốn chục chiếc xuồng kinh doanh vận chuyển hàng hoá qua biên giới. Vào thời điểm nhiều hàng xuất, nhà xuồng làm không hết việc, người dân thấy chạy xuồng có hiệu quả vay mượn để đóng xuồng. Thế nhưng từ tháng 7/2013 đến nay, do không có hàng, 43 chiếc xuồng phải nằm bến, và gánh nặng nợ nần lại đè lên vai các chủ xuồng nông dân.
Những chiếc xuồng chờ hàng trên Bến Bình Nghi
Chúng tôi đến bến Bình Nghi thuộc xã Đào Viên huyện Tràng Định một trưa đầu đông. Vào thời điểm này vài tháng trước nơi đây thuyền, xe ra vào tấp nập, có ngày toàn bến đón tới 30 xe tải chở nông sản xuất khẩu. Các nhà thuyền làm không hết việc, thậm chí là chủ hàng còn phải cậy nhờ, hàng mới chuyển xuống bến nhanh. Có hàng xuất khẩu, nhân dân xã Đào Viên và các vùng lân cận đổ về bốc xếp hàng hoá, tạo nên một hệ thống dịch vụ phục vụ những chiếc xuồng chở hàng bằng đường sông qua nước bạn. Nhận thấy chở hàng bằng xuồng hiệu quả, rất nhiều hộ dân ở Đào Viên đã thuê đóng xuồng. Chỉ trong vòng 3 năm số xuồng ở Bình Nghi đã tăng từ 25 chiếc lên tới 43 chiếc. Những tưởng đây là bước đi tắt đón đầu của những người nông dân thời dịch vụ. Thế nhưng tại thời điểm hiện nay họ chưa may mắn vì nguồn hàng ở Bình Nghi đột ngột giảm, thế là 43 chiếc xuồng phải nằm phơi bến.
Mấy ngày hôm nay anh Vi Văn Dũng đứng ngồi không yên. Hết chạy ra bến rồi quay lại chiếc lán gia đình anh dùng để bán hàng. Nhìn ra bãi xe vắng hoe anh tâm sự, nhà có 2 chiếc xuồng, trong đó một chiếc đã trả hết nợ, còn một chiếc gia đình nợ đến mấy chục triệu, không có hàng thế này biết bao giờ mới trả hết nợ? Để đóng một chiếc xuồng 10 tấn, người dân phải chi phí hết tầm 150 đến 170 triệu, với những người dân nông thôn đây là một khoản tiền lớn. Thiếu tiền họ phải bán ruộng, vay ngân hàng, vay anh em, trả chậm chủ đóng xuồng. Toàn bộ những khoản thu để trả nợ chỉ trông vào hàng hoá xuất khẩu. Giá hiện tại mỗi chuyến xuồng hàng sang nước bạn chủ xuồng được hưởng 8 trăm ngàn, trừ chi phí chỉ còn được 3 trăm. Thời điểm có hàng, trung bình mỗi xuồng một ngày thu được 1 triệu. Thế nhưng những ngày ấy quá ngắn ngủi. Anh Trương Văn Huy, chủ xuồng tâm sự, cứ phải chờ ở đây để xem có hàng gì không, đã 1 tuần nay mới thấy có 2 xe chở dừa xuất khẩu, mà 2 xe nghĩa là 4 chiếc xuồng có việc làm. Trong khi đó nhà anh còn nợ tới 30 triêụ đồng vay đóng xuồng, mấy người bạn của anh cũng nợ tầm ấy. Nghĩa là những chiếc xuồng dưới sông kia đều gánh gánh nặng nợ nần. Hàng chục chủ xuồng cứ ngày ngày ra bến, họ như đứng trên đống lửa chờ đợi hàng. Họ bỏ bê cả đồng ruộng ngóng mà chưa thấy hàng đâu.
Khác với trước đây rất ít xuồng đỗ bến, còn hiện nay cả trên 4 chục chiếc xuồng nằm dài trên bến, có lẽ không có hàng nên các chủ xuồng cũng chỉ còn biết neo xuồng để tìm việc khác. Và cứ thế 43 chiêc xuồng đã phơi mưa nắng suốt 3 tháng trời. Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Đỗ Văn Thoan, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bình Nghi cho biết, hiện nay người dân đang thiếu việc làm, các khoản nợ từ đóng xuồng khá lớn, hầu như các chủ xuồng đều rơi vào cảnh nợ nần. Để tránh gây tâm lý hoang mang cho bà con, cán bộ Biên phòng đã chủ động trấn an dư luận, động viên các chủ hàng vào Bình Nghi để bà con có việc làm. Đặc biệt bộ đội và chính quyền đã đánh số xuồng để tiện theo dõi, trong lúc này hơn bao giờ hết là đảm bảo an ninh trật tự tại bến.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân không có hàng khiến trên 40 chiếc xuồng phải phơi mình tại bến là do các điểm nhận hàng của nước bạn thay đổi. Một phần do đường vào Bình Nghi đang sửa chữa nên các phương tiện rất khó lưu thông, và như vậy rất có thể những con xuồng trên bến sẽ còn phải chờ đợi dài dài. Trong khi đó những khoản nợ, những món lãi phải trả của người dân đầu tư xuồng cứ lớn dần lên.
Bài, ảnh: Nguyễn Đông Bắc
Ý kiến ()