Bình luận: Nhìn người nhìn ta
Ta đang ở đâu? Câu hỏi này lại vang lên sau khi U.23 Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ tại vòng chung kết Giải U.23 châu Á. Trong bối cảnh thất bát, lủng củng của các đội tuyển, hoàn thành nhiệm vụ đã là tốt rồi, song ai cũng mong bóng đá trẻ cũng như tuyển quốc gia phải làm được hơn thế. Phải bắt đầu từ đâu là những câu chuyện dài, trước hết hãy nhìn người, nhìn mình.
Xem bóng đá Indonesia thi đấu thành công, chúng ta nhìn ra nguyên nhân không chỉ từ chiến dịch nhập tịch ồ ạt của họ, mà còn ở cách đầu tư quyết liệt nhiều năm để có một lứa U.23 rất đẹp. Chính lứa này, mà tiêu biểu là thủ môn Ari cùng những cái tên như Ferdinan, Arhan... hợp cùng các cầu thủ trở về từ châu Âu, đã tạo nên một đội bóng gắn kết, giàu sức chiến đấu.
Khi tuyển Indonesia thắng tuyển Việt Nam 1-0 tại lượt đi vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á thì ta còn cho là đội nhà không may mắn. Ở lượt về, thua đậm 0-3, nhiều ý kiến chỉ xoáy vào đổ lỗi cho huấn luyện viên Philippe Troussier không biết dụng quân, không có lối chơi chiến thuật phù hợp. Phải đến giải U.23 châu Á, U.23 xứ vạn đảo đánh bại U.23 Jordan, U.23 Australia và đặc biệt là vượt qua U.23 Hàn Quốc trên chấm luân lưu, thì họ thực sự đã khẳng định tầm vóc mới đứng đầu khu vực và đủ sức đương cự với các thế lực mạnh của châu lục. Ngay trong trận tranh hạng ba và để thua Iraq 1-2, đội bóng trẻ xứ vạn đảo cũng chơi ăn miếng trả miếng khá sòng phẳng với đối thủ đã từng quen có mặt ở các kỳ Olympic. Xem Indonesia ở Asian Cup rồi giải U.23 châu Á, người hâm mộ Việt Nam và Đông Nam Á đều mừng vì đã có thêm nhân tố mới vươn lên, buộc các đối thủ ở châu lục phải nhìn bóng đá “vùng trũng” bằng con mắt khác, tôn trọng hơn. Bên cạnh đó là nỗi lo mới xuất hiện khi cuộc cạnh tranh vị trí số 1 khu vực, ngôi đầu tại SEA Games hay thứ hạng tại AFF Cup, Asian Cup tới đây chắc chắn sẽ diễn ra quyết liệt hơn.
Đối thủ đi lên trong khi ta tụt xuống, tụt xuống không chỉ về kết quả mà còn về cả lối chơi, chất lượng cầu thủ. Đó là thực trạng cần nhìn thẳng, nói rõ để tất cả những người có trách nhiệm và đông đảo công chúng cùng chung lòng, chung sức tạo dựng chu kỳ phát triển mới cho bóng đá nước nhà. Điều dễ thấy là những ngộ nhận, ảo tưởng đã tan. Thực tế là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đâu có đặt mục tiêu dự World Cup ngay trong kỳ 2026 mà chỉ hướng đến được tham dự vào năm 2030. Ngay như thế đã là quá xa vời, nhưng sự nôn nóng trong dư luận đã tạo nên chiếc bánh vẽ World Cup đầy kỳ vọng rồi thất vọng nặng nề. Còn nhớ, ngay trong quá trình vòng loại World Cup 2026 đang diễn ra, chúng ta đã thấy rõ về khoảng cách đẳng cấp của bóng đá nước nhà so với cả hơn chục nền bóng đá hàng đầu châu lục, vậy nhưng chúng ta vẫn cứ nuôi ảo vọng. Chúng ta lầm tưởng trong việc áp đặt lối chơi tấn công, lầm tưởng về một thế hệ cầu thủ trẻ được đầu tư nhiều công sức sẽ sớm tăng cường sức mạnh, hiệu quả cho đội tuyển. Và nữa, than trách việc các câu lạc bộ không đưa cầu thủ trẻ ra sân V-League, kêu ca giải đấu cao nhất phụ thuộc vào ngoại binh... Chúng ta đã nói nhiều về không thể “đi tắt”, nhưng sự nông nóng “ăn ngay” đã làm sự quan tâm nghiêng lệch về các đội tuyển so với bóng đá câu lạc bộ. Sự nghiêng lệch đó không thể đưa bầu không khí xã hội bứt thoát khỏi tâm thái “xây nhà từ nóc”. Chúng ta trách nhau nhiều về việc các doanh nghiệp, doanh nhân thao túng các câu lạc bộ, đầu tư bóng đá “ăn xổi ở thì” mà cố tình quên đi nền tảng kinh tế, xã hội còn hạn chế, nhất là giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành. Rồi những cuộc khai trương rầm rộ của các trung tâm đào tạo trẻ trôi vào kỷ niệm.
Bây giờ thì mọi sự dường như đã được điều chỉnh. Bóng đá câu lạc bộ dần được quan tâm như phải có để làm nền tảng, đào tạo trẻ dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng duy trì... Và lúc này đây, tân huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam và U.23 quốc gia vừa được công bố-ông Kim Sang Sik sẽ được giao nhiệm vụ, mục tiêu vừa sức, phù hợp với thực tế, thực lực của bóng đá nước nhà.
Ý kiến ()