Chủ nhật, 24/11/2024 09:39 [(GMT +7)]
Bình Gia với việc thực hiện các chính sách dân tộc
Thứ 2, 03/10/2011 | 09:42:00 [(GMT +7)] A A
Có thể thấy rằng, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là phù hợp với thực tế nông thôn miền núi hiện nay. Các chương trình, chính sách triển khai tại Bình Gia đã được đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện hưởng ứng thực hiện và đã cho thấy những đổi thay đáng kể. Tuy nhiên, với thực trạng tỷ lệ hộ nghèo hiện còn cao nhất tỉnh thì Bình Gia vẫn rất cần sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và tỉnh để có thể giảm hộ nghèo nhanh và bền vững.
LSO-Hiện nay, huyện Bình Gia có 14 xã đặc biệt khó khăn và 3 thôn đặc biệt khó khăn của xã vùng II. Trong số đó có 9 xã chưa có đường giao thông đến trung tâm xã đi được 4 mùa, 47 thôn chưa có điện lưới, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, chăm sóc sức khỏe cho người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn và hạn chế.
Học sinh trường THPT Pác Khuông, xã Thiện Thuật (Bình Gia) chăm chỉ tự học tại khu lán trọ gần trường |
Với đặc thù vị trí địa lý, trong những năm qua, huyện Bình Gia chủ yếu tập trung phát triển nông – lâm nghiệp còn công nghiệp và xây dựng chưa phát triển, thương mại và dịch vụ còn hạn chế. Tình hình sản xuất mang tính nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, thu nhập và đời sống của hầu hết nhân dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Theo số liệu chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện được xác định là cao nhất so với các địa phương trong tỉnh với 61,35%. Đây là một thực trạng đặt ra nhiều thách thức cho cấp ủy, chính quyền cũng như các ban ngành đoàn thể và nhân dân địa phương trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Ông Hoàng Đăng Tự, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bình Gia chia sẻ: được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, chính sách dân tộc cũng như các chương trình dự án được đầu tư, hỗ trợ trên địa bàn như chương trình 134, 135, chương trình vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm và một số chương trình mục tiêu quốc gia khác về y tế, văn hóa, giáo dục… đã phát huy hiệu quả tích cực. Kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng, các hoạt động văn hóa xã hội có điều kiện phát triển, con em đồng bào các dân tộc được đến trường với tỷ lệ cao, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm, hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Trong những chính sách dân tộc thực hiện trên địa bàn, chương trình 135 giai đoạn II được đánh giá là mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn của huyện Bình Gia.
Với ngân sách Trung ương đầu tư trên 87,8 tỷ đồng, Ban quản lý chương trình 135 các cấp đã vận động người dân vùng thụ hưởng công trình và địa phương xã đóng góp cho chương trình thông qua việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng như đất đai, ruộng, vườn, hoa màu, quy ra giá trị chiếm khoảng 5-7% giá trị từng công trình. Ngoài ra nhân dân còn tham gia xây dựng công trình bằng ngày công lao động để tăng thêm thu nhập. Với “ý Đảng, lòng dân” như vậy, kết quả chương trình 135 giai đoạn II đã tạo điều kiện cho 17.331 lượt hộ được hỗ trợ phát triển sản xuất, 97 công trình được đầu tư, 85km đường giao thông nông thôn được mở mới, 198 lớp đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng…
Cùng với chương trình 135 giai đoạn II, huyện Bình Gia còn lồng ghép thực hiện các chính sách khác như 134 hỗ trợ cho 2.746 hộ nghèo về nhà ở; các nguồn vốn về xây dựng trung tâm cụm xã, cho vay phát triển sản xuất, hỗ trợ người nghèo, chính sách trợ cước, trợ giá, các chính sách về phát triển y tế, văn hóa, xã hội, cấp phát báo, tạp chí không thu tiền, dự án phát triển đàn bò, trồng rừng… mang lại hiệu quả tích cực cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.
Trong 9 tháng đầu năm 2011, huyện Bình Gia tập trung tiếp tục thực hiện các chính sách dân tộc như chương trình 134 đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt Trung tâm xã và thôn Nà Lù (xã Thiện Long). Đối với chương trình 135, huyện được bổ sung trên 1 tỷ đồng, hiện nay đang chỉ đạo phân bổ kinh phí cho các đơn vị làm chủ đầu tư thanh toán các công trình đã hoàn thành trong năm 2010 và đầu tư xây dựng công trình mới khi nguồn vốn còn dư. Hiện nay, huyện đang thực hiện triển khai xây dựng công trình trung tâm cụm xã Pác Khuông, xã Thiện Thuật…
Có thể thấy rằng, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là phù hợp với thực tế nông thôn miền núi hiện nay. Các chương trình, chính sách triển khai tại Bình Gia đã được đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện hưởng ứng thực hiện và đã cho thấy những đổi thay đáng kể. Tuy nhiên, với thực trạng tỷ lệ hộ nghèo hiện còn cao nhất tỉnh thì Bình Gia vẫn rất cần sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và tỉnh để có thể giảm hộ nghèo nhanh và bền vững.
Thanh Huyền
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()