Bình Gia: Ứng dụng kỹ thuật phục hồi và cải tạo cây quýt
– Để phục hồi và cải tạo cây quýt trên địa bàn huyện, từ tháng 8/2022, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Gia đã phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật triển khai mô hình ứng dụng một số biện pháp kỹ thuật trên cây quýt tại xã Hoàng Văn Thụ, xã Tân Văn và thị trấn Bình Gia. Qua đó, góp phần bảo vệ diện tích quýt đang có, tăng năng suất, chất lượng quả, nâng cao thu nhập cho người trồng quýt trên địa bàn.
Theo số liệu thống kê, toàn huyện Bình Gia hiện có khoảng 160 ha quýt, tập trung chủ yếu tại xã Hoàng Văn Thụ, xã Tân Văn và thị trấn Bình Gia… Năng suất quýt trung bình đạt 5,2 tấn/ha, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều diện tích cây quýt của bà con trên địa bàn huyện bị sâu bệnh, thoái hóa, trung bình mỗi năm, diện tích quýt trên địa bàn huyện giảm khoảng 10 ha. Nguyên nhân chủ yếu là do cây quýt đã được trồng lâu năm; người dân không thường xuyên kiểm tra, thăm vườn dẫn đến chậm phát hiện sâu, bệnh gây hại. Ngoài ra, người dân cũng chưa chú trọng chăm sóc vườn quýt của gia đình theo đúng quy trình kỹ thuật.
Người dân tham gia mô hình tại xã Tân Văn kiểm tra, thăm vườn và chăm sóc vườn quýt
Mô hình được triển khai với quy mô 400 cây quýt với sự tham gia của 4 hộ dân; tổng kinh phí thực hiện trên 116 triệu đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp huyện; thời gian thực hiện từ tháng 8/2022 đến hết tháng 12/2022.
Tiến sỹ Bùi Văn Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện cây trồng, Viện Bảo vệ thực vật – đơn vị phối hợp triển khai mô hình cho biết: Theo kết quả điều tra cho thấy, trên cây quýt tại địa bàn huyện Bình Gia có 17 loài sâu hại và 4 loại bệnh gây hại. Trong đó, có một số loại bệnh gây hại nguy hiểm như: bệnh chảy gôm, bệnh vàng lá, thối rễ… Để phục hồi, cải tạo và phát triển cây quýt, nhóm nghiên cứu đã hướng dẫn các hộ dân tham gia mô hình khơi thông thoát nước, bón phân hữu cơ theo tỷ lệ để tăng chất dinh dưỡng, bôi vôi phần thân cây, phun tưới thuốc tại rễ và lá để kích thích sự phát triển trên 3 mẫu thí nghiệm đối chứng gồm: cây nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ (mức độ nhẹ), cây nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ (mức độ nặng) và cây đang phát triển bình thường.
Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ trên 2,2 tấn phân hữu cơ, 600 kg phân kali, vôi bột và các loại thuốc kích thích ra rễ, phòng trừ bệnh vàng lá, thối rễ… Ngoài ra, người dân được tham gia lớp tập huấn, được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và ứng dụng một số biện pháp kỹ thuật phòng, trừ sâu bệnh hại trên cây quýt.
Ông Hoàng Văn Luân, khối Tân Yên, thị trấn Bình Gia cho biết: Gia đình tôi có vườn quýt khoảng 150 gốc, trồng từ năm 2011 đã cho thu hoạch nhiều năm nay. Tuy nhiên, từ cuối năm 2021, nhiều cây quýt xuất hiện tình trạng vàng lá, thối rễ, cây yếu dần và sau đó chết. Để xử lý tình trạng này, gia đình đã chủ động mua thuốc phun trị bệnh tại các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện. Tuy nhiên, tình trạng cây quýt bị vàng lá, thối rễ vẫn tái diễn. Tháng 8/2022, gia đình được các kỹ sư nông nghiệp, cán bộ chuyên môn huyện hướng dẫn ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để phục hồi và cải tạo cây quýt. Theo đó, gia đình được hỗ trợ 500 kg phân bón, vôi bột, các loại thuốc tưới gốc và phun trên lá… Đến nay, những cây bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ ở mức độ nhẹ đã bắt đầu ra lá non, cây dần được phục hồi. Riêng đối với những cây trước đó phát triển bình thường, sau khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật, cây xanh tốt hơn, quả to ngọt và mọng nước hơn. Vụ quýt năm 2022, gia đình thu được 2 tấn quả, tăng 500 kg so với trước khi thực hiện áp dụng các biện pháp kỹ thuật.
Tương tự hộ gia đình ông Luân, tại diện tích vườn quýt của các hộ dân tham gia mô hình cũng bước đầu được phục hồi, phát triển sau khi triển khai ứng dụng các biện pháp kỹ thuật. Những cây quýt bị nhiễm bệnh mức độ nhẹ bắt đầu ra chồi non, rễ bắt đầu sinh trưởng; còn những cây phát triển bình thường cho quả đều, đẹp và năng suất tăng khoảng 10% so với mùa vụ trước. Cùng đó, chất lượng quả mọng và ngọt hơn so với trước khi triển khai áp dụng các biện pháp kỹ thuật.
Bà Triệu Thị Anh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Qua tổng kết mô hình bước đầu đánh giá diện tích cây quýt bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ đã dần được phục hồi; cây dần sạch sâu bệnh; năng suất, chất lượng quả tăng lên. Với những kết quả tích cực từ mô hình, thời gian tới, phòng sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện, UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật, hướng dẫn các hộ dân trồng quýt trên địa bàn áp dụng quy trình kỹ thuật vào chăm sóc, đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng đó, thực hiện bàn giao quy trình chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh hại trên cây quýt cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, phổ biến đến khuyến nông viên tại các xã, thị trấn để triển khai, nhân rộng thực hiện.
Việc triển khai ứng dụng một số giải pháp kỹ thuật trên cây quýt huyện Bình Gia đã góp phần phục hồi, cải tạo, phòng, trừ sâu bệnh hiệu quả, từ đó, nâng cao năng suất, chất lượng quả quýt, tăng thu nhập cho người dân.
LIỄU CHANG
Ý kiến ()