Bình Gia: Tập trung phát triển rừng gỗ lớn
(LSO) – Bình Gia có hơn 94.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó, hơn 84.000 ha diện tích đất có rừng. Với lợi thế đó, các cấp, ngành trên địa bàn huyện đã quan tâm, định hướng người dân chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn để nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đến xã Hưng Đạo trong một ngày cuối tháng 6/2020, chúng tôi được chứng kiến ở đây có nhiều cánh rừng được bao phủ màu xanh ngút ngàn của các loại cây lấy gỗ gồm: quế, mỡ, keo và lát hoa. Khác so với trước đây, những cánh rừng gỗ lớn này đã thay thế cho những diện tích rừng trọc hoặc rừng trồng manh mún của chục năm về trước. Ông Hoàng Văn Y, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Đạo cho biết: Toàn xã hiện có khoảng 200 ha rừng trồng cây lấy gỗ. Trong đó có 70 ha rừng mỡ và 130 ha rừng trồng quế, keo, lát hoa. Trong số các loại cây này, cây mỡ rất hợp với điều kiện tự nhiên của xã, đạt tỷ lệ cây sống tới 100%, do đó, cấp ủy, chính quyền xã định hướng cho người dân mở rộng diện tích. Dự tính trong những năm tới, diện tích trồng rừng cây gỗ lớn nhất là trồng cây mỡ sẽ tiếp tục tăng.
Người dân xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia chăm sóc vườn keo
Được biết, từ trồng các loại cây lấy gỗ, những năm gần đây, người dân ở Hưng Đạo đã có nguồn thu nhập ổn định. Thấy hiệu quả, nhiều hộ đã tăng diện tích. Trường hợp gia đình ông Hoàng Văn Thượng, thôn Bản Chu, xã Hưng Đạo là một ví dụ. Ông Thượng cho biết: Cách đây 10 năm, gia đình tôi đăng ký với UBND xã để tham gia dự án trồng rừng. Khi đó, gia đình tôi được hỗ trợ toàn bộ giống cây mỡ để trồng 4 ha. Những năm gần đây, rừng mỡ đã cho khai thác gỗ, tính trung bình đạt hơn 100 triệu đồng/ha, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình tôi. Sau khai thác, gia đình trồng dặm và gần đây vừa trồng mới 5 ha. Hiện tại 9 ha rừng mỡ của gia đình tôi sinh trưởng, phát triển tốt.
Không riêng tại xã Hưng Đạo, những năm gần đây, tại hầu hết các xã ở huyện Bình Gia đều xuất hiện nhiều diện tích trồng rừng gỗ lớn chủ yếu trồng các loại cây: hồi, quế, mỡ, keo, lát hoa… Theo số liệu từ cơ quan chức năng, toàn huyện hiện có 8.900 ha rừng trồng. Trong đó bao gồm: 1.600 ha quế, 1.800 ha mỡ, 1.000 ha lát hoa và 3.000 ha keo, còn lại là rừng trồng các cây lâm nghiệp khác. Các xã có diện tích rừng trồng cây gỗ lớn nhiều như: Mông Ân, Hưng Đạo, Thiện Thuật, Thiện Long, Hoa Thám, Vĩnh Yên… Ông Đào Thế Đông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết: Việc phát triển rừng gỗ lớn có ý nghĩa quan trọng là tăng tỷ lệ che phủ rừng, giảm xói mòn và rửa trôi đất, góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Qua đây cũng tạo sinh kế cho các hộ gia đình, nâng cao đời sống người dân và phát huy tính bền vững trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp tại địa phương. Do đó, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành chức năng trên địa bàn huyện đã tích cực chỉ đạo, định hướng, khuyến khích và tạo điều kiện, hỗ trợ người dân phát triển rừng, tăng diện tích trồng rừng gỗ lớn. Sau khi triển khai thực hiện cho thấy, ý thức trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng của người dân được nâng lên. Trong giai đoạn 2015-2020, mỗi năm người dân trên địa bàn huyện trồng mới hơn 1.000 ha rừng trong đó phần lớn là cây gỗ lớn. Từ trồng rừng gỗ lớn, các hộ dân đã có thu nhập ổn định, góp phần đưa tỷ lệ giảm nghèo hằng năm trên địa bàn huyện trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 đạt 5,9%/năm.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên nhìn vào thực tế có thể so sánh, với hơn 84.000 ha diện tích đất có rừng trong khi diện tích rừng trồng cây gỗ lớn toàn huyện mới có 8.900 ha, chỉ chiếm 10,6% là tương đối thấp. Như vậy có thể thấy, việc phát triển rừng trồng gỗ lớn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Thời gian tới, Bình Gia xác định sẽ đưa cây keo và cây mỡ trở thành những cây trồng chủ lực của huyện. Giai đoạn 2021 – 2025, huyện sẽ tập trung phát triển và duy trì ổn định hơn 4.000 ha các cây trồng này. Các cấp, ngành trong huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho bà con về phát triển rừng gỗ lớn kết hợp trồng xen canh cây dược liệu để nâng cao thu nhập; tranh thủ các nguồn vốn để hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng rừng cho người dân.
Ý kiến ()