Bình Gia: Phát triển mô hình trang trại
(LSO) – Hiện tại, hầu hết các xã của huyện Bình Gia đã xây dựng được các mô hình trang trại, cho thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm, mô hình nổi bật nhất năm 2018 đạt thu nhập hơn 500 triệu đồng.
Khai thác lợi thế đất đồi rừng, diện tích trồng cỏ lớn, từ năm 2015 đến nay, gia đình anh Lương Hoàng Thức, thôn Nam Tiến, xã Hồng Thái đã đã đầu tư thành công mô hình trang trại chăn nuôi trâu, bò sinh sản và lấy thịt, quy mô hơn 500m2 chuồng trại và hơn 100 con giống. Với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình chăm sóc, nguồn thức ăn phong phú hơn 1 ha cỏ voi và có bể chứa ủ chua cỏ nên con giống của trang trại phát triển tốt, được thị trường ưa chuộng, luôn trong tình trạng “cháy hàng”.
Anh Lương Hoàng Thức cho biết: “Bên cạnh chăn nuôi trâu, bò, gia đình tôi còn trồng 5 ha rừng bạch đàn và cây keo, đến thời điểm hiện nay, thu từ tiền bán gỗ rừng trồng theo chu kỳ khai thác được trên 100 triệu đồng. Thu từ đàn trâu, bò sinh sản và lấy thịt được hơn 400 triệu đồng/năm. Tổng thu nhập của gia đình tôi sau khi trừ chi phí được trên 500 triệu đồng mỗi năm. Hiện tại, huyện Bình Gia có hơn 20 mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng rừng quy mô trang trại trừ chi phí đạt trên 100 triệu đồng mỗi năm. Như mô hình chăn nuôi tổ hợp tác tại thôn Kéo Coong, xã Tân Văn với 60 con trâu, bò lấy thịt, cho sản lượng 2 tấn mỗi năm, đạt thu nhập hợp hơn 200 triệu đồng; mô hình trang trại nuôi cá giống của gia đình anh Lương Văn Triều, thôn Pàn Deng, xã Hưng Đạo, quy mô 8 ao cá rộng hơn 2 ha, mỗi năm thu hoạch 5 – 6 lứa cá với sản lượng trên 2 tấn, cho thu nhập bình quân 120 triệu đồng.
Bà Hoàng Thị Biện kiểm tra quả thanh long tại trang trại gia đình
Bên cạnh việc phát triển mô hình chăn nuôi, huyện Bình Gia đã tuyên truyền, hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả tập trung theo hướng hàng hóa. Thời gian gần đây là phát triển cây thanh long, chủ đạo là thanh long ruột đỏ. Hiện tại, diện tích thanh long của huyện đạt gần 11 ha, trong đó có 8,3 ha đã cho thu hoạch. Nhiều gia đình trồng thanh long quy mô trang trại đã có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Điển hình như mô hình trang trại thanh long của gia đình bà Hoàng Thị Biện, thôn Phai Lay, xã Tô Hiệu với quy mô hơn 100 cột thanh long các loại, mỗi năm cho thu hoạch từ 4 đến 5 vụ, đạt sản lượng từ 250 – 300 kg/vụ, trong 3 năm gần đây, riêng nguồn thu từ thanh long của gia đình đạt bình quân 110 triệu đồng/năm. Bà Biện cho biết: “Thanh long dễ trồng, dễ chăm sóc, không hay mất mùa nên cho hiệu quả kinh tế ổn định, gia đình tôi đang đầu tư thêm cột bê tông, ủ phân và cây giống đợi đến tháng 11, thời tiết thuận lợi là mở rộng quy mô thêm 50 gốc thanh long ruột đỏ.”
Phong trào phát triển kinh tế đang lan tỏa mạnh trên địa bàn huyện Bình Gia, trở thành phong trào thi đua giữa các thôn, xã. Mỗi xã đều phấn đấu xây dựng được mô hình mẫu phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên của xã như: xã Tân Văn phát triển các mô hình quýt, chăn nuôi; xã Tô Hiệu có mô hình cây ăn quả như: thanh long, nho đen; xã Mông Ân thành công với mô hình trồng chanh leo; xã Hồng Thái nổi bật với mô hình chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả… Đến nay, huyện có trên 40 mô hình phát triển kinh tế trang trại gia đình, trừ chi phí cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Ông Đào Thế Đông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Gia cho biết: Để khích lệ phong trào phát triển các mô hình kinh tế trang trại trên địa bàn, phòng đã tham mưu cho UBND huyện phát động thi đua sản xuất giữa các xã, thị trấn và có tổng kết, đánh giá, khen thưởng hằng năm; hỗ trợ, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, trình diễn các mô hình sản xuất điểm. Đặc biệt là tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất.
Hiệu quả từ phong trào thi đua sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế trang trại gia đình đã góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo trên địa bàn huyện Bình Gia. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 46,41% năm 2015 xuống còn 28,61% năm 2018. Đã có hàng trăm gia đình vươn lên khá giả từ chính mảnh đất quê hương.
ANH DŨNG
Ý kiến ()