Bình Gia: Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc
Người Dao tại điểm du lịch cộng đồng thôn Lân Luông, xã Thiện Hòa giới thiệu công dụng của lá thuốc cho du khách
– Bình Gia là huyện có nhiều dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc lại có bản sắc văn hóa riêng, độc đáo. Phát huy lợi thế này, huyện đã và đang tập trung các giải pháp phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Có dịp đến trải nghiệm tại điểm DLCĐ thôn Lân Luông, xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia, anh Phạm Xuân Tân, du khách đến từ quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: Được hòa mình cùng những điệu hát Páo Dung và thưởng thức những món ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc Dao Lù Đạng như: bánh cuốn lá dong, cá nướng, xôi nếp cẩm… trong chính không gian nhà sàn truyền thống người Dao đã giúp chúng tôi cảm nhận được sự phong phú, đa dạng về bản sắc văn hóa của người dân nơi đây. Tôi sẽ tiếp tục đưa nhiều đoàn khách tới đây trải nghiệm.
Được biết, hiện nay, huyện Bình Gia đã phát triển DLCĐ tại 2 xã: Mông Ân và Thiện Hòa. Theo đó, điểm DLCĐ xã Mông Ân gồm có 6 hộ làm du lịch tại 2 thôn: Cốc Mặn và Nà Vường; điểm DLCĐ thôn Lân Luông có 5 hộ làm du lịch tại 2 thôn: Lân Luông và Nà Tàn. Để chủ trương gắn kết giữa phát triển DLCĐ với bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc được thực hiện có hiệu quả, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Theo đó, từ cuối năm 2018 đến nay, huyện đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn 1 đến 2 cuộc/năm cho các hộ dân đăng ký làm DLCĐ, hướng dẫn bà con bảo tồn và phát huy bản sắc vốn có như: kiến trúc nhà cửa, trang phục… chỉ đạo các điểm DLCĐ thành lập các CLB bảo tồn dân ca.
Đặc biệt, năm 2019, UBND huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ một phần trang thiết bị phục vụ DLCĐ tại Mông Ân với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng. Để du lịch của huyện từng bước phát triển bền vững, từ cuối năm 2020, UBND huyện đã triển khai xây dựng thêm làng văn hóa DLCĐ tại xã Thiện Hòa, nơi có trên 95% đồng bào Dao sinh sống.
Ông Ma Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Thiện Hòa cho biết: Từ cuối năm 2020, chúng tôi đã đưa các hộ dân tại 2 thôn: Nà Tàn và Lân Luông học tập kinh nghiệm tại các làng DLCĐ Hữu Liên, Hữu Lũng và Quỳnh Sơn, Bắc Sơn; đồng thời, vận động bà con trong thôn cải tạo cảnh quan môi trường, xây dựng đường hoa với số vốn xã hội hóa trên 30 triệu đồng, khuyến khích thành lập đội văn nghệ của người Dao, và mời gọi doanh nghiệp đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch tại điểm DLCĐ”.
Mặt khác, huyện chú trọng quảng bá các sản phẩm DLCĐ tại các hội chợ triển lãm, sự kiện do tỉnh tổ chức. Khuyến khích, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở, hạ tầng du lịch tại các địa bàn phát triển DLCĐ, gắn kết các điểm DLCĐ với các điểm du lịch sinh thái khác trên địa bàn.
Nhờ đó, ý thức làm du lịch của bà con được nâng lên. Những giá trị văn hóa vốn bị phai nhạt nay đã được phục hồi; bản sắc văn hoá dân tộc Tày, Nùng, Dao với ngôn ngữ, phong tục tập quán được gìn giữ, phát huy… Là một trong 5 hộ tham gia mô hình DLCĐ, gia đình chị Triệu Thị Bảy, thôn Lân Luông, xã Thiện Hòa cho biết: “Nhờ được tuyên truyền, bà con trong bản ai cũng tích cực giữ gìn những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Riêng gia đình tôi vẫn lưu giữ những bộ trang phục truyền thống của người Dao phục vụ du khách chụp ảnh, trải nghiệm. Một số bài thuốc truyền thống cũng được gia đình tôi gìn giữ và cung cấp khi có nhu cầu. Nhờ đó, tuy chưa chính thức đón khách nhưng gia đình tôi đã có một số đoàn khách tới gia đình tham quan, trải nghiệm”.
Bà Đỗ Thanh Mùi, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bình Gia cho biết: Để khai thác lợi thế về bản sắc văn hóa và phát triển DLCĐ, năm 2021, phòng đã tham mưu cho UBND huyện đưa nội dung phát triển DLCĐ vào kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phát triển du lịch huyện Bình Gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, đề ra một số giải pháp cụ thể như: xây dựng nội dung giới thiệu, diễn giải thông tin về các đặc trưng văn hóa cho hướng dẫn viên địa phương; hỗ trợ phục hồi và duy trì hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống, hoạt động sản xuất truyền thống (dệt thổ cẩm, làm nông, trồng cây đặc sản quế, hồi)…
Với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng lòng của người dân, tin rằng thời gian tới, các điểm DLCĐ tại Bình Gia sẽ tiếp tục phát triển và là điểm dừng chân lý tưởng của du khách bốn phương.
Việc gắn phát triển du lịch cộng đồng với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc đã và đang tạo đà cho sự phát triển ổn định, hiệu quả của ngành du lịch huyện. Tiêu biểu trong 10 tháng năm 2021, lượng khách du lịch đến Bình Gia đạt 11.500 lượt (tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2020); trong đó, 70% khách du lịch đến các điểm DLCĐ của huyện. |
Ý kiến ()