Bình Gia phát huy thế mạnh cây hồi
LSO - Những năm qua, cây hồi đã giúp cho nhiều hộ dân huyện Bình Gia tăng thêm thu nhập, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên địa bàn huyện.
![]() |
Người dân xã Quang Trung chăm sóc hồi |
Ông Lương Trương Đạt, Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Với diện tích đồi rừng lớn, huyện có nhiều điều kiện để phát triển lâm nghiệp, trong đó cây hồi là một trong những cây trồng thế mạnh. Từ đó, phát triển cây hồi cũng chính là một trong những định hướng trong phát triển kinh tế của huyện.
Thực tế tìm hiểu tại một số xã trong huyện có thể thấy, cây hồi đã thực sự đem lại hiệu quả kinh tế ngày một rõ rệt cho người dân. Ông Vương Văn Son, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết: Hồi được trồng trên địa bàn xã khoảng hơn 20 năm nay. Cây hồi trồng từ 8 – 10 năm cho thu hoạch. Chỉ từ một vài héc ta ban đầu, đến nay, toàn xã đã trồng được 326 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 100 ha. Có hộ cũng thu về cả trăm triệu đồng/năm từ hồi.
Ví dụ như hộ gia đình ông Hoàng Văn Thìn ở thôn Kim Đồng. Gia đình ông có 500 cây hồi, trong đó khoảng 400 cây cho thu hoạch. Năm nào được mùa, mỗi cây cho thu trung bình 50 kg. Với giá từ 18-20 nghìn đồng/kg, có lúc giá lên 25 nghìn đồng/kg mỗi vụ hồi cũng đem lại cho gia đình khoản thu nhập trên 300 triệu đồng.
Chủ tịch UBND xã Hồng Phong khẳng định: Từ hiệu quả thực tiễn cộng với diện tích đất đồi rừng còn lớn, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, tạo điều kiện để các hộ dân phát triển cây hồi, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp người dân giảm nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
Ngoài Hồng Phong, cây hồi còn được trồng ở hầu hết các xã khác trong huyện. Ông Hoàng Cẩm Bình, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Gia cho biết: Thấy hiệu quả kinh tế nên những năm gần đây, người dân ở hầu hết các xã đều trồng hồi. Từ đầu năm 2016 đến nay, toàn huyện trồng mới được 48,31 ha hồi, tập trung chủ yếu ở các xã: Hoàng Văn Thụ, Tô Hiệu, Hồng Phong, Tân Văn…
Hiện nay, toàn huyện có khoảng 8.340 ha hồi. Trong đó số diện tích rừng hồi đang cho thu hoạch là trên 6.000 ha. Sản lượng trung bình ước đạt trên 6.200 tấn. Không chỉ có diện tích lớn mà cây hồi được trồng ở Bình Gia còn được ngành chức năng đánh giá là có chất lượng tinh dầu cao so với nhiều nơi khác. Chính vì vậy, cây hồi được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của huyện, có khả năng phát triển trong thời gian tới.
Theo đó, định hướng phát triển cây hồi là duy trì ổn định diện tích khoảng 8.700 ha. Quy hoạch vùng sản xuất cây hồi chất lượng cao tại 4 xã: Hoàng Văn Thụ, Minh Khai, Hồng Phong và Hồng Thái. Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây hồi, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng trong tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế sản phẩm hồi. Đồng thời xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm.
Với hiệu quả kinh tế mà cây hồi mang lại cộng với những giải pháp cụ thể của huyện đưa ra, cây hồi hoàn toàn có thể phát triển và trở thành một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện.
Bài, ảnh: Tân An
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()