Bình Gia: Nỗ lực xây dựng chính quyền số
– Trong thời gian qua, UBND huyện Bình Gia đã tập trung xây dựng chính quyền số, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo điều hành, hiệu quả công việc và phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Người dân theo dõi thông tin xử lý hồ sơ tại bộ phận một cửa xã Hồng Thái
Đến xã Hồng Thái, huyện Bình Gia trong những ngày đầu tháng 11/2023, tại đây chúng tôi bất ngờ trước không gian, phong cách phục vụ người dân rất chuyên nghiệp của công chức bộ phận “một cửa” tại đây. Mặc dù có khá đông người dân đến giải quyết các thủ tục hành chính nhưng công việc, thủ tục được xử lý rất nhanh. Đặc biệt, khu vực này còn bố trí màn hình máy tính để người dân tiện theo dõi quá trình công chức tiếp dân xử lý thủ tục mà mình yêu cầu.
Ông Lương Hoàng Đựng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết: Khi bộ phận một cửa xã có nhiều người dân cùng yêu cầu giải quyết các thủ tục hành chính thì các công chức tại đây sẽ hỗ trợ nhau giải quyết để người dân không phải chờ đợi lâu. Do đó, các thủ tục hành chính mà người dân yêu cầu đều được giải quyết nhanh, người dân không phải đi lại nhiều lần, mất nhiều thời gian công sức.
Đây chỉ là 1 trong 11 xã trên địa bàn huyện đang thực hiện mô hình chính quyền thân thiện, điểm nhấn của huyện Bình Gia trong xây dựng chính quyền điện tử.
Ông Lèo Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Bình Gia là huyện có điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ số còn nhiều khó khăn, tuy nhiên chúng tôi xác định muốn chuyển đổi số thì trước tiên phải làm tốt việc xây dựng chính quyền số. Từ năm 2022 đến nay, UBND huyện chủ động tham mưu với cấp ủy, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc; đồng thời, ban hành các kế hoạch, văn bản theo chỉ đạo của trung ương và của tỉnh, theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện…
Để xây dựng chính quyền điện tử, UBND huyện chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, huyện đã bố trí 2 công chức chuyên trách về công nghệ thông tin theo dõi hệ thống văn phòng điện tử, đảm bảo an ninh mạng; quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống mạng nội bộ, Internet, Hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Tại cấp xã có 19 công chức được phân công kiêm nhiệm công tác chuyển đổi số. Huyện cũng thành lập và duy trì hoạt động tổ công nghệ số cộng đồng ở các thôn, khối phố để thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai nền tảng Công dân số Xứ Lạng và phát triển tài khoản thanh toán điện tử. Cùng đó, thường xuyên tạo điều kiện cho cán bộ, công chức phụ trách công nghệ thông tin, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn về ứng dụng công nghệ thông tin; đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin; sử dụng các ứng dụng số nhằm phát huy hiệu quả công tác xây dựng chính quyền số trên địa bàn huyện.
Cùng đó, UBND huyện triển khai ứng dựng phần mềm quản lý văn bản và điều hành vào xử lý công việc, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức đều được cấp tài khoản. Bên cạnh đó, chữ ký số, chứng thư số cũng được cấp cho lãnh đạo cấp xã, cấp huyện để ứng dụng vào quá trình xử lý văn bản. Đến nay, 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng và gửi lên trục liên thông. Nhờ đó cán bộ, công chức, viên chức giải quyết công việc nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí và đạt hiệu quả cao trong công việc. UBND huyện cũng đầu tư xây dựng hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến với các trang thiết bị hiện đại như: Màn hình, camera, micro, máy tính, đường truyền internet… kết nối điểm cầu cấp huyện với 19 điểm cầu xã, thị trấn. Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay toàn huyện đã tổ chức 41 cuộc họp trực tuyến, rút ngắn 75% thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu và chi phí di chuyển so với hình thức họp trực tiếp tập trung.
Cán bộ Công an huyện Bình Gia hướng dẫn người dân sử dụng định danh điện tử
Xác định các trang thông tin điện tử cấp xã, cấp huyện là công cụ giao tiếp 2 chiều giữa các cơ quan, đơn vị của huyện với các tổ chức, cá nhân, UBND huyện đã thành lập và chỉ đạo triển khai xây dựng trang thông tin điện tử của huyện và 19/19 trang thông tin điện tử các xã, thị trấn trên địa bàn. Các trang đều có ban biên tập, kịp thời đăng tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giới thiệu về văn hóa, di tích lịch sử, danh thắng, quảng bá đặc sản…
Cùng với đó, cổng dịch vụ công trực tuyến được quan tâm chú trọng, huyện đã công bố 251 thủ tục hành chính cấp huyện, 110 thủ tục hành chính cấp xã lên cổng dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử cấp huyện. Người dân và doanh nghiệp được hỗ trợ giải đáp thắc mắc về giải quyết thủ tục hành chính bất cứ khi nào cần.
Bà Lành Thị Khính, khối Pác Nàng, thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia cho biết: Tôi đến bộ phận “một cửa” UBND huyện để cài đặt tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Lúc đầu tôi nghĩ đến đây sẽ phải kê khai nhiều giấy tờ mà tuổi tôi đã cao, mắt kém nên rất ngại. Khi đến bộ phận làm thủ tục, tôi được cán bộ công an tại đây hướng dẫn rất tận tình, từ cài đặt, khai báo các thông tin đều được hỗ trợ nên chỉ vài phút tôi đã hoàn thành.
Việc triển khai xây dựng chính quyền số đồng bộ trên địa bàn toàn huyện đã góp phần đẩy nhanh quá trình giải quyết công việc theo chỉ đạo, điều hành của cấp trên, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính. Từ năm 2022 đến nay, nhờ đưa các ứng dụng số vào áp dụng mà tốc độ xử lý công việc tại các cơ quan nhà nước được nâng lên đáng kể, hồ sơ công việc, chỉ đạo, điều hành được thực hiện trên môi trường mạng. Cụ thể, 30% báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trực tuyến; 50% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 30% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 50% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất; các hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý… Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, huyện đã xử lý trực tuyến 17.235/17.403 hồ sơ thủ tục hành chính đạt 99%. Các kết quả trên đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch về chuyển đổi số mà huyện đã đề ra.
Chính quyền số là một trong những trụ cột chính của chuyển đổi số, làm tốt công tác này chính là xây dựng nền tảng phát triển xã hội số và kinh tế số. Tuy mới triển khai, nhưng cơ sở hạ tầng của chính quyền số đã hỗ trợ tích cực cho chính quyền huyện Bình Gia, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Tin rằng thời gian tới, huyện Bình Gia sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xây dựng chính quyền số cũng như chuyển đổi số trên địa bàn huyện.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()