LSO- Tưởng chừng như bệnh tai xanh đã “ bỏ qua” Bình Gia khi mà một số địa phương trong tỉnh trong đó có huyện bên cạnh là Văn Quan đã công bố dịch từ nhiều ngày nay. Thế nhưng đến ngày 4/7/2012, ca nghi mắc bệnh tai xanh và phải tiêu hủy đầu tiên ở huyện đã xuất hiện tại khu 2, Thị trấn Bình Gia. Cho đến nay bệnh tai xanh đã lan ra thêm xã Hoàng Văn Thụ. Công tác phòng chống bệnh tai xanh đang được các cấp, các ngành chức năng của huyện triển khai nhanh chóng, với quyết tâm dập tắt mầm bệnh trên địa bàn. Tiêm phòng cho đàn lợnSau khi phát hiện và tổ chức tiêu hủy 10 con lợn mắc bệnh tại khu 2, Thị trấn Bình Gia chưa lâu thì tại khu 6b, thêm 8 con lợn nữa mắc bệnh và phải tiêu hủy. Cho đến ngày 11/7, 2 thôn Tòong Chu 1 và Tòong Chu 2 của xã Hoàng Văn Thụ cũng phát hiện và tổ chức tiêu hủy 12 con lợn mắc bệnh. Trước những diễn biến phức tạp của bệnh tai xanh, lãnh đạo huyện đã chỉ...
LSO- Tưởng chừng như bệnh tai xanh đã “ bỏ qua” Bình Gia khi mà một số địa phương trong tỉnh trong đó có huyện bên cạnh là Văn Quan đã công bố dịch từ nhiều ngày nay. Thế nhưng đến ngày 4/7/2012, ca nghi mắc bệnh tai xanh và phải tiêu hủy đầu tiên ở huyện đã xuất hiện tại khu 2, Thị trấn Bình Gia. Cho đến nay bệnh tai xanh đã lan ra thêm xã Hoàng Văn Thụ. Công tác phòng chống bệnh tai xanh đang được các cấp, các ngành chức năng của huyện triển khai nhanh chóng, với quyết tâm dập tắt mầm bệnh trên địa bàn.
Tiêm phòng cho đàn lợn
Sau khi phát hiện và tổ chức tiêu hủy 10 con lợn mắc bệnh tại khu 2, Thị trấn Bình Gia chưa lâu thì tại khu 6b, thêm 8 con lợn nữa mắc bệnh và phải tiêu hủy. Cho đến ngày 11/7, 2 thôn Tòong Chu 1 và Tòong Chu 2 của xã Hoàng Văn Thụ cũng phát hiện và tổ chức tiêu hủy 12 con lợn mắc bệnh. Trước những diễn biến phức tạp của bệnh tai xanh, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng nhanh chóng tìm các biện pháp nhằm khống chế bệnh hiệu quả nhất. Ông Nông Ngọc Chấn, Phó phòng Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn huyện Bình Gia cho biết: ngay từ khi dịch tai xanh chưa xuất hiện tại địa phương thì công tác phòng dịch cũng đã được triển khai ở một số xã, thị trấn. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh tới từng thôn bản về diễn biến dịch trên địa bàn toàn tỉnh và cách phòng bệnh tại mỗi hộ chăn nuôi. Chính vì vậy, ngay sau khi xuất hiện bệnh, Bình Gia đã phần nào khống chế và khoanh vùng kịp thời. Đến thời điểm trước ngày 16/7, toàn huyện đã phát hiện 30 con lợn mắc bệnh và được tiêu hủy. Công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng được đẩy mạnh, đặc biệt là khu vực xuất hiện bệnh và các xã xung quanh với tổng số 29 lít thuốc sát trùng và 540 kg vôi bột. Các đội phun tiêu độc khử trùng được thành lập và phát huy hết “ công suất” trong những ngày diễn ra dịch bệnh. Ngoài ra, thuốc sát trùng còn được sử dụng phun tập trung và phát cho các hộ dân các xã lân cận vùng dịch dưới sự hướng dẫn của cán bộ thú y với số lượng 178 lít. Tại hầu hết các xã, thị trấn trong huyện, công tác tiêm phòng cũng được triển khai và bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực khi số lượng lợn mắc dịch mới có chiều hướng giảm dần.
Là địa bàn đầu tiên trong huyện phát hiện trường hợp mắc bệnh tai xanh, thị trấn Bình Gia đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng ngăn chặn những diễn biến khó lường của bệnh, tuy nhiên công tác phòng chống bệnh vẫn còn gặp một số khó khăn. Ông Triệu Hùng Thủy, Chủ tịch UBND Thị trấn Bình Gia cho biết: địa bàn thị trấn là nơi tập trung buôn bán trong đó có cả lợn từ nhiều nơi mang đến, trong đó tuyến quốc lộ 1B chạy qua địa bàn cũng vô tình làm “ cầu nối” cho mầm bệnh lây lan. Trường hợp mắc bệnh ở khu 2 của thị trấn cũng đã phần nào cho thấy nguy cơ lây lan dịch bệnh từ chính hoạt động buôn bán gia súc, gia cầm mà cụ thể là lợn tại khu vực tập trung như chợ, ngã ba, ngã tư thị trấn. Thêm một khó khăn trong công tác phòng chống bệnh tai xanh trong thời điểm này chính là do đây đang là đợt cao điểm của thu hoạch vụ xuân cũng như chuẩn bị cho gieo trồng vụ đông. Chính vì vậy, nhiều hộ gia đình trong thị trấn chưa tập trung được nhiều vào việc tự phun tiêu độc khử trùng và theo dõi diễn biến của đàn lợn. Để phòng chống bệnh hiệu quả chính quyền địa phương cũng có những biện pháp hỗ trợ bà con như tăng cường tổ chức phun tiêu độc khử trùng, trực tiếp đến những hộ dân có nguy cơ mắc bệnh tuyên truyền về cách phòng chống, theo dõi và báo cáo kịp thời về diễn biến của lợn. Qua đó có biện pháp xử lý kịp thời, tránh lây lan, gây hậu quả xấu tới người chăn nuôi lợn khác.
Mặc dù bệnh tai xanh chưa lan ra diện rộng nhưng chính quyền và người dân Bình Gia cũng đang “ căng mình” theo diễn biến của bệnh. Bằng sự nỗ lực và quyết tâm chặn bệnh bằng được của các cấp, các ngành và ý thức tự giác của người dân được nâng cao, chắc rằng công tác phòng chống bệnh tai xanh trên địa bàn huyện Bình Gia sẽ đạt được những kết quả cao nhất.
Đình Quyết
Ý kiến ()