Bình Gia: Nâng cao giá trị cây thanh long
– Thời gian qua, phong trào trồng cây thanh long trên địa bàn huyện Bình Gia phát triển khá mạnh. Không chỉ mở rộng về diện tích, với sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, các hộ trồng thanh long còn chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Trung tuần tháng 7/2021, được sự giới thiệu của cán bộ UBND huyện, chúng tôi tìm đến mô hình trồng thanh long của gia đình ông Hoàng Văn Nguyễn, thôn Phai Danh, xã Hoàng Văn Thụ. Ông Nguyễn chia sẻ: Năm 2014, gia đình tôi mua 100 gốc thanh long về trồng thử nghiệm. Sau 2 năm thì cây cho thu hoạch, tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên cây cho quả rất ít. Năm 2020, được Nhà nước hỗ trợ 56 cột để trồng thanh long, tôi đã trồng thêm 100 gốc. Đồng thời, gia đình được cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn về kỹ thuật và hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm tại vườn. Nhờ đó, năng suất, sản lượng quả tăng đáng kể. Đến nay, từ trồng thanh long, gia đình tôi thu nhập hơn 60 triệu đồng/năm, gấp đôi so với trước kia.
Người dân xã Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia chăm sóc thanh long
Ông Hoàng Đình Uyên, thôn Nà Vước, xã Tân Văn cũng là một trong những hộ có thu nhập ổn định từ trồng thanh long. Ông Uyên cho biết: Năm 2016, tôi trồng 200 gốc thanh long ruột đỏ, đến năm 2018 bắt đầu cho thu hoạch. Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ còn bấp bênh nên giá bán chỉ từ 15.000 đến 17.000 đồng/kg. Năm 2020, được Nhà nước hỗ trợ tem mác, bao bì cho sản phẩm quả thanh long, thị trường tiêu thụ ổn định hơn. Nếu như trước đây, thu hoạch quả xong đều phải mang ra chợ bán thì giờ đây, gia đình tôi chỉ việc đóng gói để giao cho các thương lái từ thành phố Lạng Sơn, Hà Nội… đến thu mua với giá bán từ 20.000 đến 35.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi hơn 40 triệu đồng/năm.
Hiện nay, toàn huyện Bình Gia có trên 16 ha thanh long với gần 200 hộ trồng. Trong đó, có hơn 10 ha đã cho thu hoạch, tập trung tại thị trấn Bình Gia và các xã: Tân Văn, Hoàng Văn Thụ, sản lượng trung bình đạt 150 tấn/năm. Năm 2019, từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã hỗ trợ 1.249 cột trụ cho các hộ trồng thanh long để nhân rộng diện tích. Từ năm 2020 đến nay, từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã hỗ trợ 3.796 cột trụ và lắp đặt 3 hệ thống tưới tiết kiệm cho bà con trồng thanh long. Riêng trong năm 2021, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai dự án mở rộng diện tích trồng thanh long và sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng.
Ông Đào Thế Đông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thanh long tuy không phải cây bản địa song đã được người dân trồng và chăm sóc, thuần hóa nên cây sinh trưởng, phát triển tốt và cho quả có chất lượng cao không thua kém gì thanh long Bình Thuận. Khoảng 3 năm trở lại đây, phòng đã tham mưu cho UBND huyện quan tâm, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, hình thành các vườn chuyên canh thanh long. Năm 2020, sản phẩm thanh long Bình Gia được công nhận nhãn hiệu tập thể. Đây là bước ngoặt mở ra triển vọng cho thanh long Bình Gia, tạo niềm tin để người dân đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh sự chủ động học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây thanh long của người dân, hằng năm, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện tổ chức từ 1 đến 2 lớp tập huấn; cấp phát 200 bộ tài liệu về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây để người dân áp dụng vào sản xuất.
Để cây thanh long phát triển mạnh hơn nữa, có đầu ra ổn định, gia tăng giá trị, từ đầu năm 2021, cơ quan chuyên môn của huyện đã vận động thành lập các tổ hợp tác trồng thanh long nhằm hình thành vùng chuyên canh cây thanh long, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Theo định hướng của huyện, đến năm 2025, diện tích trồng thanh long trên địa bàn huyện Bình Gia sẽ tăng lên khoảng 50 ha.
MAI LINH
Ý kiến ()