Bình Gia: Nâng cao giá trị cây thạch đen
– Thời gian qua, các cơ quan chuyên môn của huyện Bình Gia đã triển khai nhiều giải pháp trong quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản cây thạch đen nhằm nâng cao chất lượng, giá trị cây thạch đen của huyện.
Xã Hồng Phong có hơn 800 hộ dân thì có đến hơn 600 hộ trồng cây thạch đen. Trong đó, cây thạch được trồng nhiều nhất ở 3 thôn: Nhất Tiến, Vằng Phya, Nà Sla và trở thành cây trồng chính đem lại thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, trước đây người dân chưa quan tâm đến khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, trong quá trình trồng vẫn còn sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật, khi thu hoạch vẫn còn lẫn bùn đất ở trong thạch… làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Người dân xã Hồng Phong, huyện Bình Gia trồng cây thạch đen tại đất ruộng
Để nâng cao chất lượng cây thạch, từ năm 2020 đến nay, UBND xã Hồng Phong đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức 3 lớp tập huấn về quy trình trồng, chăm sóc cây thạch đen cho bà con. Cùng đó, UBND xã đã chỉ đạo theo dõi, hướng dẫn người dân trong quá trình trồng, chăm sóc, bảo quản thạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2021, toàn xã trồng được 52,3 ha thạch đen, tăng 8 ha so với năm 2020.
Vụ xuân năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Châm, thôn Nhất Tiến, xã Hồng Phong trồng được 8 sào thạch ruộng, tăng 3 sào so với năm 2020. Bà Châm cho biết: Được tham gia tập huấn cũng như được tuyên truyền, tôi đã quan tâm hơn đến việc chọn cây giống thạch khỏe, không bị sâu bệnh để trồng, trong quá trình trồng, tôi phủ rơm rạ lên luống để hạn chế cỏ mọc nhiều. Tôi cũng không phun thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc diệt cỏ để đảm bảo chất lượng của thạch. Chính vì vậy, năng suất năm nay cao hơn mọi năm, mỗi sào thu được 2,3 tạ, cao hơn 20 kg/sào so với năm 2020.
Được biết, cây thạch đen được người dân huyện Bình Gia trồng từ những năm 1980. Qua thời gian, cây thạch đen chứng tỏ được hiệu quả kinh tế thiết thực nên trong 5 năm trở lại đây, người dân đưa vào trồng ngày càng nhiều. Thạch đen được trồng tại 14 xã của huyện, trong đó trồng nhiều ở các xã: Hưng Đạo, Hoa Thám, Thiện Hòa, Hồng Phong, Yên Lỗ, Vĩnh Yên.
Để nâng cao chất lượng, giá trị cây thạch, thời gian qua, cơ quan chuyên môn của huyện đã quan tâm mở các lớp tập huấn cho bà con. Tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh mở được 6 lớp tập huấn về trồng, chăm sóc, bảo quản thạch cho người dân. Ngoài ra, nhân viên khuyến nông tại các xã cũng thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng và chăm sóc cây thạch đen.
Cùng với đó, huyện Bình Gia cũng đã quan tâm, liên kết với một số doanh nghiệp để tiêu thụ thạch trên địa bàn. Hiện toàn huyện có 2 công ty đăng ký thu mua thạch gồm Công ty TNHH MTV Nông nghiệp VIGA, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Nông lâm sản Đông Bắc. Từ năm 2020 đến nay, chính quyền huyện Bình Gia cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai cấp mã số vùng trồng thạch. Hiện nay, toàn huyện đã được cấp 16 mã số vùng trồng thạch đen tại ruộng với diện tích 61 ha.
Ông Đào Thế Đông, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Gia cho biết: Việc cấp mã số vùng trồng thạch đen là điều kiện, cơ hội để đưa sản phẩm thạch của huyện xuất khẩu. Không chỉ vậy, hiện trên địa bàn huyện đã có hộ ông Vi Văn Trung, xã Tân Văn chế biến thạch thành phẩm. Trong năm 2021, sản phẩm đã được cấp có thẩm quyền công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để thạch đen Bình Gia phát triển thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.
Với việc triển khai những giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị cây thạch đen, năm 2021, người dân của huyện đã mở rộng diện tích trồng nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu. Vụ xuân năm 2021, toàn huyện trồng được 589 ha, tăng 130 ha so với năm 2019, với trên 2.700 hộ trồng. Năng suất thạch đen năm nay ước đạt từ 5 tấn đến 5,5 tấn/ha, tăng khoảng 7,2 tạ/ha so với năm 2020. Giá thu mua thạch năm nay từ 30.000 đến 32.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với năm 2020. Doanh thu thạch đen năm nay ước đạt 96 tỷ đồng, tăng 10 tỷ đồng so với năm 2020.
Thời gian tới, các ngành chức năng của huyện Bình Gia tiếp tục tuyên truyền người dân tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, sản xuất thạch an toàn. Đồng thời, xây dựng quy trình chế biến sản phẩm từ cây thạch đen để đưa ra thị trường nhằm nâng cao giá trị thạch đen của huyện.
Ý kiến ()