LSO-Theo ước tính của Phòng NN&PTNT huyện Bình Gia, vụ hè thu năm nay, lúa mùa bị thiệt hại do rét cuối vụ lên đến 1.100 ha trên tổng số hơn 2.600ha. Chính vì vậy ngay từ thời điểm này, công tác chỉ đạo sản xuất đông xuân 2011-2012 đã và đang được toàn huyện tích cực triển khai thực hiện với phương châm lấy đông xuân bù hè thu.Nông dân huyện Bình Gia khẩn trương thu hoạch lúa mùa, giải phóng đất sản xuất vụ đông xuânDo ảnh hưởng của rét cuối vụ, gần 5 sào lúa mùa của gia đình anh Lương Văn Hải, thôn Cốc Kẻo, xã Hoàng Văn Thụ năm nay coi như mất trắng. Gánh gánh lúa lép nhẹ tênh, anh Hải cười buồn: Mất mùa, nhưng vẫn phải thu hoạch chứ, lúa lép thì dùng để dự trữ cho trâu, bò qua đông, còn đất phải giải phóng nhanh để trồng vụ mới, cố gắng để bù lại vụ mùa. Không phải riêng gia đình anh Hải, mà vụ mùa năm nay, theo ông Nông Sỹ Dũng, Phó phòng NN&PTNT huyện Bình Gia thì trong tổng số hơn 2.600 ha lúa mùa, sơ bộ...
LSO-Theo ước tính của Phòng NN&PTNT huyện Bình Gia, vụ hè thu năm nay, lúa mùa bị thiệt hại do rét cuối vụ lên đến 1.100 ha trên tổng số hơn 2.600ha. Chính vì vậy ngay từ thời điểm này, công tác chỉ đạo sản xuất đông xuân 2011-2012 đã và đang được toàn huyện tích cực triển khai thực hiện với phương châm lấy đông xuân bù hè thu.
|
Nông dân huyện Bình Gia khẩn trương thu hoạch lúa mùa, giải phóng đất sản xuất vụ đông xuân |
Do ảnh hưởng của rét cuối vụ, gần 5 sào lúa mùa của gia đình anh Lương Văn Hải, thôn Cốc Kẻo, xã Hoàng Văn Thụ năm nay coi như mất trắng. Gánh gánh lúa lép nhẹ tênh, anh Hải cười buồn: Mất mùa, nhưng vẫn phải thu hoạch chứ, lúa lép thì dùng để dự trữ cho trâu, bò qua đông, còn đất phải giải phóng nhanh để trồng vụ mới, cố gắng để bù lại vụ mùa. Không phải riêng gia đình anh Hải, mà vụ mùa năm nay, theo ông Nông Sỹ Dũng, Phó phòng NN&PTNT huyện Bình Gia thì trong tổng số hơn 2.600 ha lúa mùa, sơ bộ có tới 1.100 ha bị ảnh hưởng nặng nề bởi rét cuối vụ, số còn lại nhẹ hơn, nhưng chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng tới năng suất.
Hiện nay, một mặt phòng chuyên môn đang khẩn trương cùng với chính quyền các địa phương thống kê, rà soát các diện tích để có con số đánh giá thiệt hại một cách chính xác nhất, mặt khác đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và định hướng cho bà con nông dân trong vụ sản xuất đông xuân sắp tới, trong đó trước mắt là tập trung vào vụ đông.
Theo dự kiến của phòng chuyên môn, diện tích vụ đông năm nay trên địa bàn huyện Bình Gia có thể lên đến 400 ha. So với các huyện có truyền thống sản xuất vụ 3 thì diện tích đó chẳng nhiều nhặn gì, nhưng đối với Bình Gia đó là con số vượt bậc. Ông Hoàng Đăng Phù, Chủ tịch UBND xã Tô Hiệu cho biết: Hiện nay xã đã liên hệ với một số doanh nghiệp để triển khai chương trình trồng khoai tây giống mới trên địa bàn với diện tích khoảng 15 ha, đầu ra được đảm bảo chắc chắn thông qua hợp đồng tiêu thụ, đến nay xã cũng đã dự kiến hợp đồng với doanh nghiệp khoảng 100 tấn sản phẩm.
Nói về vấn đề này, ông Lương Trương Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Không riêng Tô Hiệu, trong vụ đông năm nay, khoai tây được xác định là loại cây trồng chủ lực, hiện nay cơ quan chuyên môn đã liên hệ với khá nhiều các doanh nghiệp cung ứng giống liên kết sản xuất với nông dân và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng để bảo đảm chắc chắn về đầu ra, nâng cao hiệu quả kinh tế, bù đắp lại những thiệt hại trong vụ mùa.
Công tác thuỷ lợi phục vụ sản xuất tiếp tục được đẩy mạnh. Đến thời điểm này, toàn huyện đã huy động được hơn 11 nghìn ngày công lao động, tiếp nhận hơn 240 tấn xi măng hỗ trợ của tỉnh tiến hành nạo vét hơn 30 nghìn mét mương; sửa chữa, tu bổ 125 phai, đập nhỏ, 23 guồng cọn và kiên cố hoá 3,8 nghìn mét kênh mương nội đồng. Trong khi đó, từ nguồn vốn sự nghiệp thuỷ lợi, hiện nay công trình mương Bây Bắc, xã Hoàng Văn Thụ; kênh Ngọc Trí, xã Tô Hiệu và tuyến mương chính Nà Gộc – Lùng Nọi, thị trấn Bình Gia… đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, tăng diện tích tưới chủ động lên đáng kể. Trên cơ sở đó tổng diện tích gieo trồng trong vụ đông xuân của toàn huyện trong năm nay dự kiến sẽ ở mức 3.890ha, tăng 1,1% so với cùng kỳ.
Nếu như khoai tây được xác định là loại cây trồng chủ lực trong vụ đông, thì ở vụ xuân với 830 ha ngô và 1.400ha lúa xuân, với các loại giống và biện pháp canh tác mới, thì Bình Gia đảm bảo an ninh lương thực. Số diện tích còn lại dành cho các loại cây mũi nhọn có hiệu quả kinh tế cao như rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Phân tích kỹ những đặc điểm, tình hình của địa phương, Bình Gia đã và đang đưa ra những định hướng, giải pháp phù hợp nhất cho người nông dân. Gác lại những nỗi niềm, nông dân huyện Bình Gia đang bước vào vụ mới với quyết tâm bù lại những thiệt hại trong vụ mùa vừa qua.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()