Bình Gia: Hướng đến liên kết, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp
(LSO) – Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, huyện Bình Gia đã tập trung vận động người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng liên kết, bao tiêu sản phẩm.
Một trong những mô hình liên kết sản xuất sản phẩm nông nghiệp mới khá tiêu biểu trên địa bàn huyện Bình Gia là mô hình liên kết trồng cây macca của HTX Nông lâm nghiệp Kéo Coong, xã Tân Văn. Đây là HTX trồng macca cho sản phẩm đầu tiên của Lạng Sơn với quy mô hơn 5.000 cây. Ông Nông Văn Viên, Giám đốc HTX cho biết: “Năm 2013, tôi bắt đầu đưa cây macca về trồng, ban đầu là 500 cây, đến năm 2017, khoảng 250 cây bắt đầu cho quả, sản lượng bình quân đạt hơn 1 tấn quả tươi/vụ, tương đương khoảng 4 tạ hạt thành phẩm, sản phẩm được bao tiêu đầu ra bởi Công ty Cổ phần Macca sachi Lạng Sơn với giá bình quân 30 nghìn đồng/kg quả tươi”.
Cây macca cho giá trị kinh tế cao, sản phẩm đầu ra lại được bao tiêu ổn định, đến năm 2018, các xã viên HTX Kéo Coong mở rộng diện tích trồng lên 15 ha. Đồng thời, qua tư vấn, hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, HTX đang hướng đến việc sản xuất, đóng gói hạt macca đã qua sơ chế có tem nhãn đầy đủ sau đó mới ký hợp đồng bán thành phẩm cho doanh nghiệp để đạt giá trị kinh tế cao hơn và hướng đến quảng bá rộng sản phẩm đến thị trường cả nước.
Người dân xã Thiện Hòa chăm sóc cây dược liệu mới trồng theo hình thức liên kết bao tiêu sản phẩm
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Gia, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện đã có một số xã thực hiện thành công các mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm như: liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm thuốc lá giữa người dân hai xã: Mông Ân, Tân Văn và Công ty Cổ phần thuốc lá Ngân Sơn với quy mô gần 20 ha; mô hình trồng khoai tây giữa người dân xã Hồng Thái và Viện Sinh học Nông nghiệp Hà Nội với quy mô 11 ha; mô hình chăn nuôi bò sinh sản tại các xã: Vĩnh Yên, Bình La, Hoàng Văn Thụ với Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Cửa Đông…
Ông Đào Thế Đông, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Gia cho biết: Các mô hình liên kết trên địa bàn huyện đang được triển khai với hình thức doanh nghiệp cung ứng cho người dân nguồn giống, phân bón đạt chất lượng cao theo kiểu “vay trả chậm” đến cuối vụ sản xuất, đồng thời cam kết, hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm đầu ra đối với vùng quy hoạch sản xuất. Điều này đã tạo điều kiện cho bà con nông dân được tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, hình thành tư duy sản xuất mới theo hướng hàng hóa.
Trong quá trình triển khai thực hiện các mô hình liên kết sản xuất từ năm 2018 đến nay, UBND huyện Bình Gia đã giao các cơ quan chuyên môn như: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực tiếp hướng dẫn kĩ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi; phối hợp mở các đợt tập huấn tại các xã để nâng cao trình độ sản xuất cho các hộ dân, đảm bảo quy trình sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm đáp ứng đúng can kết với doanh nghiệp, hạn chế để xảy ra trường hợp doanh nghiệp hủy hợp đồng gây thiệt hại cho cả 2 bên. Theo đó, từ năm 2018 đến nay, UBND huyện đã tổ chức 67 lớp tập huấn cho 3.779 học viên tại 17 xã đặc biệt khó khăn.
Năm 2020, từ nguồn vốn 135, UBND huyện Bình Gia tiếp tục hỗ trợ người dân triển khai mô hình trồng cây dược liệu gồm, cà gai leo, xạ đen, cát sâm tại một số xã: Hòa Bình, Yên Lỗ, Bình La, Thiên Hòa… với quy mô hơn 10 ha. Mô hình được triển khai theo hình thức Công ty TNHH MTV Dược liệu xanh Lạng Sơn cung cấp cây giống, phối hợp với các phòng chuyên mô của huyện để hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, thu hoạch và thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra. Hiện tại, các hộ dân tham gia mô hình đã nhận và trồng cây giống trên phần diện tích đất của mình.
Ông Bùi Hoàng Nam, Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Để thực hiện các mô hình liên kết sản xuất, thời gian tới, UBND huyện tiếp tục kết nối với các doanh nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp thực hiện khảo sát, lựa chọn cây, con giống phù hợp với từng xã, đồng thời vận động, hỗ trợ, hướng dẫn người dân dần thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, quy mô gia đình sang sản xuất hàng hóa tập trung, hướng đến mục tiêu mỗi xã có ít nhất một mô hình liên kết sản xuất hiệu quả.
Ý kiến ()