Bình Gia: Hiệu quả từ mô hình trồng hồi hữu cơ
– Những năm gần đây, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới và hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt của phòng chuyên môn, huyện Bình Gia đã phát triển thành công mô hình trồng hồi hữu cơ, qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân trên địa bàn.
Ông Vy Văn Tài, khối Yên Bình, thị trấn Bình Gia cho biết: Trước đây, gia đình tôi trồng hồi theo hướng truyền thống, cây hồi kém phát triển, năng suất không cao, thu nhập từ cây hồi thấp. Từ năm 2019, được sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, tôi trồng và chăm sóc hồi theo hướng hữu cơ với tổng số 1.000 cây. Nhờ đó, năng suất hồi tăng và ổn định hơn, mang lại thu nhập cho gia đình tôi trên 200 triệu đồng/năm.
Người dân xã Hoàng Văn Thụ thăm rừng, kiểm tra sâu bệnh trên cây hồi
Qua trao đổi với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Bình Gia, chúng tôi được biết: năm 2019, phòng đã xây dựng mô hình thí điểm trồng hồi theo hướng sản xuất hữu cơ tại thị trấn Bình Gia với diện tích 60 ha, 60 hộ tham gia. Theo đó, người dân tham gia mô hình được hỗ trợ phân bón hữu cơ, một số chế phẩm sinh học và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, trị bệnh cho cây hồi. Qua hai năm triển khai, năng suất hồi trồng theo hướng hữu cơ đạt 10 tấn/ha, gấp đôi so với trồng và chăm sóc theo các biện pháp truyền thống.
Ông Hà Minh Lợi, Chủ tịch UBND thị trấn Bình Gia cho biết: Hiện nay, đối với những hộ tham gia mô hình trồng hồi hữu cơ phát triển tốt, bước đầu mang lại hiệu quả, chúng tôi hỗ trợ, hướng dẫn bà con mở rộng quy mô. Cùng với đó, UBND thị trấn vận động thành lập và phát triển các tổ hợp tác, tăng cường kết nối giữa người dân với các đơn vị, doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, có trên 40 hộ dân tham gia mô hình hồi hữu cơ đều có thu nhập từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng/năm.
Với hiệu quả của mô hình, đến năm 2020, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Bình Gia tiếp tục triển khai mô hình sản xuất hồi hữu cơ tại 2 xã: Hoàng Văn Thụ và Quang Trung. Mô hình được triển khai với diện tích 71 ha, kinh phí gần 1,4 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Nhà nước 800 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của 71 hộ tham gia. Theo đó, các hộ tham gia mô hình đều được chuyển giao quy trình trồng, chăm sóc cây hồi và được hỗ trợ hơn 50 tấn phân bón hữu cơ.
Tham gia mô hình hồi hữu cơ, gia đình ông Lưu Văn Thắng, thôn Bản Quần, xã Quang Trung được tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ 8 tạ phân bón để chăm sóc hồi. Ông Thắng cho biết: So với phương thức truyền thống, tôi thấy cây hồi được trồng theo hướng hữu cơ phát triển tốt hơn, ít bị nhiễm bệnh. Đồng thời, sản lượng hồi đều cao hơn cả vào vụ chính và vụ tứ quý so với trước đây. Năm 2020, sau khi áp dụng các biện pháp chăm sóc hồi theo hướng hữu cơ, gia đình tôi thu nhập trên 200 triệu đồng từ bán hồi, cao hơn 50 triệu đồng so với những năm trước.
Đến nay, tổng diện tích hồi hữu cơ trên địa bàn huyện Bình Gia là 131 ha, hiệu quả tăng gấp đôi so với trồng hồi truyền thống. Ông Đào Thế Đông, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Thời gian tới, để khuyến khích người dân phát triển cây hồi, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức tập huấn cho bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng bệnh cho cây hồi. Cùng đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chủ động phát triển hồi theo hướng hữu cơ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Hồi là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Bình Gia với tổng diện tích gần 8.400 ha. Trong những năm qua, nhiều người dân trên địa bàn huyện đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ cây hồi. Tuy nhiên, năng suất, sản lượng hồi trên địa bàn vẫn còn bấp bênh do kỹ thuật canh tác lạc hậu, việc triển khai thành công mô hình trồng hồi hữu cơ sẽ là tiền đề để Bình Gia ngày càng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm hồi trên địa bàn.
Trồng hồi hưu cơ là phương pháp trồng với quy mô an toàn cao, sạch, bón toàn bộ 100% phân hữu cơ, được sử dụng các thuốc trị bệnh an toàn, liều lượng đủ nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, nâng cao năng suất sản lượng cây trồng. |
Ý kiến ()