Bình Gia: Dồn lực phát triển hạ tầng giao thông nông thôn
– Bình Gia là huyện nghèo của tỉnh, do đó, huyện xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phải đi trước một bước để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững. Vì vậy, trong những năm qua, huyện đã tập trung huy động mọi nguồn lực để xây dựng, cứng hoá các tuyến đường giao thông trên địa bàn.
Nhân dân xã Hoa Thám, huyện Bình Gia tham gia làm đường giao thông nông thôn
Nhà nước và Nhân dân cùng làm
Theo thống kê, đến hết năm 2020, toàn huyện Bình Gia có tổng chiều dài đường giao thông nông thôn là 1.253 km; trong đó, đường huyện có chiều dài 87,8 km; đường trục xã có 80 tuyến với chiều dài 353,6 km; trục thôn 98,7 km; đường ngõ xóm 625,6 km và đường nội đồng 6,98 km. Các tuyến đường nêu trên có tỷ lệ cứng hoá thấp nhất tỉnh, cụ thể gồm: đường huyện cứng hoá được 26,7%; đường trục xã cứng hoá đạt 29,6%; đường trục thôn cứng hoá đạt 29,36%; đường ngõ xóm cứng hoá được 37,46% và đường nội đồng cứng hoá được 84,7%.
“Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn xã Hồng Thái được triển khai tuyến đường Tân Văn – Hồng Thái – Bình La do tỉnh làm chủ đầu tư dài gần 10 km, đây là công trình đường giao thông nông thôn quan trọng đối với xã. Trong đó, đoạn đi qua địa bàn xã dài 7 km, có 3/6 thôn, bản với 125 hộ bị ảnh hưởng. Để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng công trình, xã đã vận động, tuyên truyền rộng được 12 cuộc tại 3 thôn với 125 lượt hộ tham gia và tổ chức tuyên truyền sâu, cá biệt được 6 cuộc để giải thích cho người bị thu hồi đất hiểu rõ cơ chế, chính sách của nhà nước về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, từ đó tự giác chấp hành nhận tiền bàn giao mặt bằng. Nhờ đó đến cuối năm 2022, 100% bà con đã ủng hộ và bàn giao mặt bằng đúng hạn để chủ đầu tư và nhà thầu thi công các hạng mục. Đến nay công trình đã hoàn thành 97% khối lượng, giao thông được cải thiện, bà con rất phấn khởi”. |
Từ thực tế hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn vừa thiếu, vừa yếu, bước sang giai đoạn 2021-2025, cấp ủy, chính quyền huyện Bình Gia đã xác định chương trình phát triển giao thông nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm của cả giai đoạn. Cụ thể, huyện phấn đấu: đường huyện cứng hoá đạt 100%; đường trục xã cứng hoá đạt 61,26%, đường trục thôn cứng hoá đạt 75,91%; đường ngõ xóm cứng hoá đạt 48,82%.
Để thực hiện chỉ tiêu này, huyện Bình Gia đã xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức rà soát các nguồn lực để bố trí cho chương trình. Trong đó, huyện tập trung ưu tiên hỗ trợ xi măng, ống cống, sắt thép cho các xã để đẩy mạnh cứng hoá các tuyến đường giao thông trục thôn, ngõ xóm theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân tự làm”; “Nhà nước đầu tư, Nhân dân chung sức”.
Xã Hồng Phong là một trong những đơn vị điển hình trong thực hiện phát triển giao thông nông thôn theo phương thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Nếu như hết năm 2020, tỷ lệ đường trục xã của Hồng Phong mới cứng hoá được 6/23 km tương đương đạt 26%; đường trục thôn có chiều dài 1,41 km nhưng là đường đất và đường ngõ xóm có chiều dài 52 km nhưng mới cứng hoá được 20,3 km tương đương 39% thì với sự đồng thuận cao của Nhân dân và sự quan tâm hỗ trợ của huyện, tỷ lệ cứng hoá các tuyến đường giao thông nông thôn của Hồng Phong đã tăng lên đáng kể.
Theo số liệu thống kê từ năm 2021 đến hết tháng 7/2023, toàn xã Hồng Phong đã cứng hoá được 23,2 km đường giao thông nông thôn. Trong đó, đường trục xã đã cứng hoá được 17 km, luỹ kế tuyến đường trục xã đã cứng hoá được 23/23 km, đạt 100%; đường trục thôn cứng hoá được 1,2/1,4km, đạt 91,1%; đường ngõ xóm cứng hoá được 5 km, luỹ kế đã cứng hoá được 25,3/52 km, đạt 48,31%. Để làm đường, Nhân dân đã hiến hơn 10 ha đất và hơn 2.000 ngày công lao động và đóng góp tiền mặt được hơn 300 triệu đồng.
Ông Vương Văn Son, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết: Nhờ sự quan tâm ưu tiên nguồn lực của huyện 100% chiều dài các tuyến đường trục xã đã cứng hoá và nhận được sự ủng hộ hiến đất rất lớn của Nhân dân góp phần phát triển giao thông kết nối trên địa bàn xã ngày càng thuận lợi. Chủ trương Nhà nước đầu tư, nhân dân chung sức đã phát huy hiệu quả và đạt được mục tiêu đề ra.
Không chỉ riêng xã Hồng Phong, phong trào làm đường giao thông nông thôn diễn ra sôi nổi trong toàn huyện, theo số liệu thống kê của Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện, từ năm 2021 đến hết tháng 7/2023, tỷ lệ đường trục xã của huyện được cứng hóa đã đạt 41%; đường ngõ xóm đã cứng hoá đạt 45% và đường trục thôn cứng hoá đạt 34%. Tổng nguồn lực nhân dân đối ứng để làm đường đạt 5,5 tỷ đồng (năm 2021, góp 2 tỷ đồng; 2022 góp 2,5 tỷ đồng và 7 tháng đầu năm 2023 góp 1 tỷ đồng) và hơn 30 nghìn ngày công lao động; Nhân dân hiến hơn 16 ha đất để làm đường.
Đẩy mạnh đầu tư xây dựng các tuyến đường kết nối liên xã
Ngoài việc đẩy mạnh phong trào phát triển giao thông nông thôn theo phương thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm, từ năm 2021 đến nay, huyện Bình Gia còn ưu tiên nguồn lực để đầu tư các tuyến đường kết nối liên xã.
“Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền vận động cộng đồng dân cư cùng chung tay xây dựng các công trình giao thông nông thôn. Theo đó, với phương châm tuyên truyền “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, từ năm 2021 đến nay, ban công tác mặt trận các thôn, bản đã thực hiện tuyên truyền, vận động được hơn 400 cuộc, thu hút khoảng 8 nghìn lượt người dân tham gia. Nội dung tuyên truyền tập trung vào mục tiêu, ý nghĩa của việc xây dựng công trình giao thông, thông tin công khai về danh mục công trình, cơ chế, chính sách của nhà nước triển khai các công trình dự án… Từ đó, giúp nhân dân hiểu rõ và tự nguyện hiến đất cũng như chấp hành quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Nhờ đó, từ năm 2021 đến nay, các hộ dân đã hiến và bàn giao mặt bằng thực hiện các công trình giao thông, dự án hạ tầng giao thông được trên 80 ha”. Ông Hoàng Xuân Đình, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện Bình Gia |
Đồng chí Lương Trương Đạt, Bí thư Huyện uỷ Bình Gia cho biết: Từ năm 2020 trở về trước, mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối liên xã chỉ chiếm khoảng 20%, điều này gây khó khăn rất lớn cho việc thúc đẩy giao thương giữa các xã. Do đó, trong giai đoạn 2021-2025, huyện đặt mục tiêu phải khắc phục ngay điểm yếu này bằng cách ưu tiên nguồn lực để đầu tư các công trình giao thông kết nối liên xã. Theo đó, trên cơ sở nguồn lực trung ương và tỉnh phân bổ để thực hiện nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng thì huyện ưu tiên khoảng 50% kinh phí cấp trên phân bổ để đầu tư các công trình giao thông kết nối liên xã.
Theo thống kê của UBND huyện Bình Gia, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 7/2023, trên cơ sở nguồn vốn trung ương và tỉnh phân bổ đầu tư cho huyện nghèo 30a; vốn đầu tư thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, vốn thực hiện đề án giao thông nông thôn của tỉnh, huyện Bình Gia đã bố trí khoảng 120 tỷ đồng để đầu tư 45 công trình giao thông nông thôn kết nối với tổng chiều dài hơn 98 km. Đến nay, huyện đã hoàn thành đầu tư 30 công trình với tổng chiều dài 79,6 km và đang triển khai thi công 15 công trình với tổng chiều dài 19,6 km.
Nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, đến nay, hệ thống hạ tầng giao thông liên xã đã được khắc phục cơ bản. Hiện toàn huyện chỉ còn tuyến đường từ xã Yên Lỗ sang xã Quang Trung và Quý Hoà chưa được kết nối, còn lại các xã đều có thể kết nối liên thông với nhau.
Ông Lương Văn Chuyên, Chủ tịch UBND xã Quang Trung cho biết: Trước đây, khi huyện chưa thực hiện đầu tư tuyến đường Nà Nát (xã Quang Trung)-Pác Giắm (xã Hồng Phong) thì bà con có hàng nông sản không thể sang chợ Văn Mịch để bán, các loại sản phẩm nếu có bán được thì giá thấp hơn so với khu vực có đường giao thông thuận lợi. Tuy nhiên, từ năm 2021, huyện thực hiện đầu tư con đường và đưa vào khai thác đã giúp cho bà con xã Quang Trung sang xã Hồng Phong rất thuận tiện, phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Sau hơn 2 năm tập trung thực hiện chương trình phát triển giao thông nông thôn, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của huyện Bình Gia đã có những thay đổi về cả chất và lượng. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục ưu tiên nguồn lực để cứng hoá các tuyến đường giao thông theo mục tiêu kế hoạch đề ra. Các tuyến đường được đầu tư đã và đang phát huy hiệu quả, qua đó góp phần quan trọng để huyện Bình Gia thực hiện thắng lợi chương trình phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho Nhân dân.
Ý kiến ()