Bình Gia: Đổi thay từ những công trình 135
LSO- Bình Gia là một trong trong những huyện khó khăn nhất trên địa bàn tỉnh, huyện có 20 xã, thị trấn thì có đến 17 xã vùng 3 và 148 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Những năm qua, Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dành cho các xã miền núi, vùng sâu vùng xa (gọi tắt là Chương trình 135) được thực hiện đã góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc nơi đây.
Chúng tôi có dịp đến thăm xã Thiện Hòa, một xã vùng 3 với 100% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Ông Hoàng Văn Hó, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thiện Hòa ngày hôm nay so với 4 – 5 năm về trước đã thay đổi nhiều lắm. Trước đây, cuộc sống bà con trong xã quanh năm chỉ gắn với ánh đèn dầu, đường giao thông đi lại khó khăn, cản trở sự phát triển kinh tế của địa phương, các công trình trường học xuống cấp khiến việc học tập của học sinh không được đảm bảo. Được sự quan tâm của Nhà nước, Chương trình 135 với nguồn hỗ trợ hằng năm từ 700 triệu đồng – 1,5 tỷ đồng đã giúp xây mới hàng chục công trình đường giao thông, điện và nước sinh hoạt, nhà văn hóa thôn… Đến nay, toàn xã có 95% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, 85% hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh, 100% số thôn có đường ô tô đi đến trung tâm, đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 50%.
Sửa chữa, nâng cấp đường tại xã Thiện Thuật
Bà Chu Thị Hải, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bình Gia cho biết: Trên cơ sở xác định các xã vùng ĐBKK còn nhiều, với nguồn vốn được phân bổ, huyện đã đầu tư xây dựng các công trình, dự án có trọng tâm, trọng điểm. Từ năm 2009 đến nay, toàn xã có 71 công trình được xây mới từ nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn II với tổng giá trị trên 42,3 tỷ đồng. Gồm 39 đường giao thông, 16 trường học, 5 công trình nước sinh hoạt, 4 công trình điện cùng nhiều công trình xây dựng khác như trạm y tế, nhà văn hóa, trụ sở ủy ban… Theo phản ánh của nhân dân, nhiều công trình điện – đường – trường – trạm sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng đã phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân tại vùng khó khăn.
Điển hình nhất trong các dự án được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135 phải kể đến giao thông nông thôn. Từ năm 2009 – 2015, toàn huyện đầu tư vào làm đường giao thông với tổng nguồn vốn gần 26,4 tỷ đồng, tăng thêm 62,6 km đường phục vụ sản xuất và dân sinh, đến nay có 20/20 xã, thị trấn có đường ô tô đi lại đến trung tâm. Đường giao thông đi lại thuận lợi đã mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế, hình thành nhiều vùng chuyên canh sản xuất cho giá trị kinh tế cao như hồi, quế, thạch đen, chăn nuôi, trồng rừng… Ông Lương Văn Lạng, thôn Bản Pìn, xã Hoa Thám chia sẻ: trước đây, đường vào thôn xấu và khó đi khiến gia đình tôi khó khăn trong phát triển kinh tế, nông sản làm ra đều không được giá cao so với thị trường. Từ khi có con đường mới để đi lại, việc mua bán, trao đổi hàng hóa với các xã khác trở nên thuận lợi hơn. Hiện nay, gia đình tôi đã phát triển mô hình kinh tế tổng hợp với đàn gia súc gồm 16 con bò, 15 con trâu, trên 4,3 ha hồi và cây thạch đen.
Mặc dù so với nhu cầu của các xã ĐBKK, việc đầu tư từ Chương trình 135 vẫn chưa đồng bộ nhưng hệ thống cơ sở vật chất đã và đang thay đổi đáng kể đến diện mạo nông thôn. Cơ cấu kinh tế của huyện có sự chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng được đầu tư, 11/20 xã có đường ô tô đi lại được 4 mùa, 85% số hộ được sử dụng điện, 70% số hộ được sử dụng nước. Từ đó đã rút ngắn khoảng cách giữa các xã trong huyện, đồng thời góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS.
Bài, ảnh: KHÁNH TRANG
Ý kiến ()