Bình Gia: Đánh thức tiềm năng du lịch
(LSO) – Là huyện có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với hệ thống di chỉ khảo cổ, danh lam thắng cảnh, các lễ hội văn hóa và ẩm thực độc đáo, thời gian gần đây, huyện Bình Gia đã tích cực thực hiện các đề án, chương trình nhằm khai thác thế mạnh về du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Bình Gia có vị trí địa lý thuận lợi khi chỉ cách thành phố Lạng Sơn 75 km theo hướng Tây Bắc, huyện có tuyến quốc lộ 1B đi từ thành phố Lạng Sơn sang thành phố Thái Nguyên và tuyến tỉnh lộ 226, 279 nối liền với các huyện, tỉnh bạn. Đặc biệt, với vị trí tiếp giáp huyện Bắc Sơn, địa bàn nằm trong quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh đã tạo nên một vùng, không gian với các điểm đến, là yếu tố rất thuận lợi cho huyện trong việc phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, huyện có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất đa dạng, phong phú với 34 di tích lịch sử văn hóa cùng nhiều danh thắng hồ, thác nước hữu tình giàu tiềm năng du lịch như: hồ Phai Danh (xã Hoàng Văn Thụ), thác Đăng Mò (nơi tiếp giáp 3 xã: Mông Ân, Thiện Thuật và Hoàng Văn Thụ)… Huyện còn là nơi sinh sống và giao thoa văn hóa của 5 dân tộc anh em: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Hoa, tạo nên nhiều di sản văn hóa như: hát then, sli, nhuộm vải chàm, múa sư tử… và 82 lễ hội dân gian đậm đà bản sắc dân tộc.
Du khách tham quan tại Khu du lịch sinh thái thác Đăng Mò
Nhận thấy rõ những tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, từ năm 2016 đến nay, cấp ủy, chính quyền huyện đã có những động thái tích cực trong chỉ đạo tuyên truyền, quảng bá, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến khảo sát. Điển hình, năm 2017, danh thắng thác Đăng Mò đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch thành khu du lịch sinh thái. Theo đó, Công ty TNHH Minh Hợp (Bắc Ninh) sẽ là nhà đầu tư chính cho dự án. Đáng chú ý, từ đầu năm 2018 đến nay, UBND huyện đã phối hợp với ngành chức năng mở được 5 lớp tập huấn, học tập các nội dung về du lịch cho các cán bộ, chủ hộ các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn…
Ngoài ra, để phát triển du lịch hiệu quả, UBND huyện đã chú trọng khuyến khích đồng bào các dân tộc giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống lâu đời như: tục dệt vải, nhuộm áo chàm của người Tày, Nùng, các làn điệu then, sli, lượn… Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, huyện đã phục dựng 17 lễ hội truyền thống. Đồng thời chú trọng việc nâng cao chất lượng dịch vụ tại 5 điểm lưu trú du lịch (trong đó có 25 buồng với 33 giường nghỉ). Phối hợp với Trung tâm xúc tiến Du lịch tỉnh quảng bá các sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của huyện tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh.
Với những nỗ lực đó, năm 2017, lượng khách du lịch đến với Bình Gia đạt 72.000 lượt, (tăng gần 10% so với năm 2016). Đặc biệt, nếu như trong những tháng cao điểm dịp hè của năm 2016 trở về trước, lượng khách du lịch đến với thác Đăng Mò chỉ đạt 100 – 200 lượt người/ngày thì từ năm 2017 đến nay, lượng khách đã đạt khoảng 400 lượt người/ngày .
Ông Lèo Văn Hiệp, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bình Gia cho biết: Hiện nay, phòng đang xây dựng dự thảo kế hoạch tham mưu cho UBND huyện về phát triển du lịch. Trong đó, trọng tâm là phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển du lịch xây dựng Đề án phát triển Du lịch huyện Bình Gia giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến năm 2025. Tập trung vào các tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tới huyện đầu tư; thí điểm thực hiện xây dựng mô hình “Làng văn hóa du lịch cộng đồng” xã Mông Ân, liên kết với các doanh nghiệp lữ hành kết nối tour – tuyến khi các điều kiện về đón khách du lịch đáp ứng yêu cầu…
Ý kiến ()