Bình Gia còn nhiều bất cập
LSO-Tháng 1/2014, Bình Gia đã phải căng mình dập ổ bệnh lở mồm long móng tại thôn Bản Hoay, xã Hồng Thái và cúm gia cầm ở thôn Thuần Như, xã Hoàng Văn Thụ. Cũng may là các ổ bệnh trên đều phát hiện sớm và đều được khống chế ngay trong diện hẹp. Đằng sau những ổ bệnh này là câu chuyện lớn hơn, câu chuyện về ý thức và phương thức chăn nuôi của người dân.
Anh Hà Mạnh Hồ, thôn Thuần Như (Hoàng Văn Thụ, Bình Gia) vệ sinh chuồng trại, chuẩn bị tái đàn |
Là một huyện nghèo, cơ sở hạ tầng ở khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế, vì vậy ở Bình Gia không có nhiều mô hình chăn nuôi tập trung. Sản phẩm chăn nuôi chưa cung cấp đủ nhu cầu về thịt thương phẩm cho thị trường nội huyện, con giống hầu như phải nhập từ nơi khác. Ở Bình Gia có 3 con đường chính vận chuyển con giống đó là theo con đường từ Thái Nguyên lên, trục thứ 2 từ thành phố Lạng Sơn qua Văn Quan và kể từ khi con đường từ Hữu Liên của Hữu Lũng được cứng hóa thông sang Trấn Yên của Bắc Sơn, thì người Bình Gia cũng bắt đầu nhập con giống từ dưới xuôi qua tuyến này.
Phân tích như vậy để thấy rằng, ngay từ khâu nhập con giống, Bình Gia đã phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, năm 2010, gia đình chị Trần Thị Thùy, thôn Thuần Như, xã Hoàng Văn Thụ đã quyết định đầu tư chăn nuôi gia cầm với quy mô tương đối lớn, đồng thời đầu tư cả máy ấp trứng để góp phần giải quyết nhu cầu giống tại chỗ cho nhân dân trên địa bàn. Kỹ thuật chăn nuôi, quy trình phòng dịch bệnh… có lẽ không phải bàn nhiều bởi cả 2 vợ chồng chị Thùy đều là thú y viên cơ sở. Anh Hà Mạnh Hồ, chồng chị Thùy tâm sự: để đảm bảo chất lượng và an toàn, gia đình nhập gà giống tại Trung tâm giống quốc gia và cả nguồn trứng cho máy ấp cũng nhập từ Trung tâm uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Với quy mô hơn 500 con mỗi lứa và công suất máy ấp trứng khoảng 1.000 quả/chu kỳ ấp, mô hình chăn nuôi này được coi là khá điển hình của Bình Gia.
Thế nhưng đầu tháng 1/2014, khi đàn gia cầm đã chuẩn bị được xuất chuồng thì cúm gia cầm xuất hiện tại mô hình chăn nuôi đầy triển vọng này, tổng số chết và tiêu hủy lên đến hơn 500 con, tổng trọng lượng trên 1,2 tấn. Anh Hà Mạnh Hồ kể lại: năm nay gia đình đầu tư nuôi thêm vịt và quây nhốt tập trung ở đoạn suối nhỏ cạnh nhà. Theo người dân thì con suối này bắt nguồn từ đèo Khau Ra, chảy qua 5 thôn của xã Hoàng Văn Thụ. Và cũng theo phản ánh của nhân dân thì hiện tượng vứt xác gia cầm ra suối vẫn tương đối phổ biến, người dân trong vùng thỉnh thoảng lại phải vớt xác gia cầm đem chôn để đảm bảo vệ sinh, còn chuyện ai vứt và ở khu vực nào trôi dạt về thì chưa phát hiện được. Trở lại câu chuyện của anh Hà Mạnh Hồ, thời điểm ấy khi phát hiện xác gia cầm chết tại khu vực quây nhốt vịt của gia đình, anh đã cảnh giác lùa vịt về, nhưng chỉ hôm sau vịt đã chết hàng loạt và lan sang cả đàn gà. Mẫu bệnh phẩm nhanh chóng cho kết quả dương tính với vi rút cúm A H5N1.
Ông Đặng Minh Viễn, Trạm trưởng Trạm thú y Bình Gia cho biết: thôn Thuần Như chưa từng phát sinh bệnh nguy hiểm trên gia cầm, nguyên nhân ban đầu được xác định là do xâm nhiễm và nguy cơ cao là từ xác gia cầm vứt bên suối. Rất may, người chăn nuôi cũng là thú y viên nên thông tin kịp thời, các biện pháp triển khai cũng triệt để, nên ổ bệnh nhanh chóng được khống chế. Thế nhưng hiện tượng vứt xác gia cầm chết ra suối vẫn tiếp diễn. Anh Hà Mạnh Hồ bức xúc: ngay sau khi tiêu hủy đàn gia cầm, mình ra suối kiểm tra, vệ sinh thì vẫn lại thấy xác gia cầm chết trôi dạt về, rõ ràng là ý thức của một số hộ chăn nuôi còn rất kém.
Theo ông Đặng Minh Viễn, việc tuyên truyền, vận động nhân dân chú trọng tới các biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi gặp khá nhiều khó khăn. Bởi hầu hết là chăn nuôi nhỏ lẻ với tập quán thả rông nên nhiều hộ gia đình chủ quan. Không chỉ vẫn còn tồn tại tình trạng vứt xác gia cầm ra môi trường xung quanh mà ngay cả tỷ lệ tiêm phòng dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở Bình Gia cũng còn thấp. Thời điểm này, các cơ quan hữu quan trên địa bàn huyện Bình Gia đang khẩn trương triển khai chuẩn bị cho tháng tiêu độc khử trùng và các biện pháp phòng dịch bệnh trên gia súc, gia cầm theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Thế nhưng ngoài các biện pháp trên, việc nâng cao nhận thức và đổi mới phương thức chăn nuôi cho nhân dân trên địa bàn là một trong những giải pháp cấp bách và lâu dài để Bình Gia có thể phát triển chăn nuôi bền vững, an toàn và hiệu quả.
NHƯ PHONG
Ý kiến ()