Bình Gia cần lắm những cây cầu
LSO-Toàn huyện Bình Gia có hơn 200 vị trí cầu trên các tuyến đường tỉnh, qua sông, suối có quy mô khác nhau, trong đó có tới 154 vị trí cầu tạm do nhóm hộ dân tự làm và quản lý có kết cấu giản đơn, tạm bợ.
Trong những năm qua, bằng các nguồn vốn đầu tư khác nhau, Bình Gia đã không ngừng củng cố hệ thống cầu đường bộ trên địa bàn nhưng kết quả đạt được hết sức khiêm tốn. Hàng ngày còn hàng nghìn hộ dân tại các xã vùng đặc biệt khó khăn của Bình Gia đang phải qua sông, suối trên các vị trí cầu tạm, dây neo, bè mảng thô sơ rất mất an toàn.
Một cầu tạm bắc qua suối ở xã Hồng Thái, huyện Bình Gia |
Gần 800 nhân khẩu thuộc các thôn Khuổi Ngành, Nà Kéo xã Quý Hòa hàng ngày vẫn qua sông Bắc Giang bằng những bè mảng và dây neo hết sức thô sơ. Ông Lý Văn Thạch trú tại thôn Nà Kéo cho biết: thôn bị dòng sông Bắc Giang chia làm đôi, một nửa hộ dân sống ở bên kia sông, điều kiện đi lại vô cùng khó khăn phức tạp. Đặc biệt mỗi khi bước vào năm học mới, vấn đề đi lại của con em bên kia sông lại là mối lo thường trực trong mỗi gia đình. Rất may từ nhiều năm nay trên địa bàn chưa có thiệt hại về người do đuối nước khi đi qua sông nhưng thiệt hại về tài sản của người dân cũng đã xảy ra. Mong muốn lớn nhất của bà con nơi đây là được nhà nước quan tâm đầu tư một cây cầu để 50% số hộ dân bên kia sông Bắc Giang được đi lại thuận tiện và an toàn.
Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, để qua sông người dân trong thôn đã dùng dây cáp neo chặt với các cây to hai bên bờ sông, sau đó sử dụng bè mảng và bám chặt cáp treo để vận chuyển người và phương tiện vượt qua khúc sông rộng khoảng 50m. Theo số liệu thống kê của huyện Bình Gia đến năm 2014, trong số 154 vị trí cầu tạm điều kiện đi lại đặc biệt khó khăn thì có 21 vị trí cầu cần đầu tư xây dựng ngay trong thời gian tới. Các vị trí cầu này nằm ở các vị trí xung yếu qua các đoạn sông, suối thuộc 12 xã vùng đặc biệt khó khăn với gần 11 nghìn người dân đang phải qua sông hàng ngày rất mất an toàn. Ông Hoàng Văn Hướng, Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Bình Gia cho biết: việc đầu tư xây dựng các vị trí cầu xung yếu biết là rất cấp thiết, nhưng do nguồn lực của Bình Gia rất hạn chế nên công tác củng cố hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gặp không ít khó khăn. Do vậy, hàng năm thông qua các chương trình phát triển kinh tế vùng khó gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện đều lồng ghép các nguồn vốn và huy động sức dân để khắc phục điều kiện đi lại tại các vị trí ngăn sông cách đò trên địa bàn. Theo tính toán sơ bộ của phòng Kinh tế – Hạ tầng, với 21 vị trí cầu xung yếu, huyện cần khoản kinh phí khoảng trên 100 tỷ đồng cho xây lắp. Trong khi đó tổng kế hoạch vốn đầu tư các công trình thuộc tất cả các lĩnh vực trên địa bàn mỗi năm cũng chỉ được trung ương và tỉnh bố trí đạt khoảng 50 tỷ đồng.
Để bảo đảm an toàn giao thông đi qua các đoạn sông có các vị trí bến khách hoặc cầu tạm, huyện đã yêu cầu các xã tập trung tuyên truyền người dân chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa gắn với thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. Ngoài ra, tại các vị trí cầu tạm, bến khách, cơ quan chức năng còn tổ chức cắm biển báo, quy định về điều kiện bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông, hướng dẫn các chủ đò, người quản lý các cây cầu thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()