Bình Gia: Bảo tồn và phát huy hiệu quả các làn điệu dân ca
– Bình Gia là một trong những “cái nôi” của các làn điệu dân ca đặc sắc của tỉnh. Những năm qua, việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca được các cấp, ngành, người dân trong huyện chú trọng và thực hiện hiệu quả. Qua đó, góp phần phục hồi, khơi dậy và phát triển phong trào hát dân ca trên địa bàn nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
Bà Đỗ Thị Thanh Mùi, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bình Gia cho biết: Để bảo tồn và phát huy giá trị các làn điệu dân ca, những năm qua, phòng tích cực tham mưu UBND huyện chỉ đạo, triển khai các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị dân ca; tích cực phối hợp với UBND các xã, thị trấn tìm kiếm, tập hợp những hạt nhân yêu thích các làn điệu dân ca để thành lập CLB dân ca. Cùng đó, phòng phối hợp với chính quyền một số xã, thị trấn đưa hát dân ca vào cộng đồng bằng hình thức như biểu diễn tại các lễ hội, sự kiện của địa phương, phục hồi hát dân ca tại các phiên chợ…
Hội viên CLB Sli Thiện Thuật hát sli tại đám cưới người Nùng trên địa bàn xã (tháng 3/2021)
Bằng những việc làm cụ thể, những năm qua, chính quyền các cấp ở huyện Bình Gia đã tích cực củng cố, thành lập tổ chức bảo tồn dân cao, câu lạc bộ dân ca. Cụ thể, năm 2010, UBND huyện quyết định thành lập Chi hội Bảo tồn dân ca (BTDC). Từ năm 2010 đến nay, UBND cấp xã thành lập được 11 CLB dân ca, nâng tổng số CLB dân ca trong toàn huyện lên 14 đơn vị tại 9 xã, thị trấn với gần 200 hội viên, bao gồm CLB: hát sli, then, lượn, ví, phong slư, cỏ lẩu, quan làng… Trong số này, một số CLB do đích thân lãnh đạo, cán bộ UBND cấp xã hoặc ở thôn làm chủ nhiệm. Trong quá trình tham gia, điều hành CLB, các lãnh đạo xã, thôn kịp thời tuyên truyền, đôn đốc CLB thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy các giá trị làn điệu dân ca.
Cùng với việc củng cố, thành lập tổ chức, CLB như trên, những năm qua, các tổ chức liên quan ở huyện tích cực khuyến khích các CLB tham gia biểu diễn các làn điệu dân ca. Qua đó, nhiều chương trình, hoạt động biểu diễn đã được diễn ra bằng các hình thức khác nhau. Đơn cử từ năm 2016 đến nay, các CLB dân ca trong huyện đã tham gia biểu diễn được trên 300 cuộc tại các dịp lễ, tết, hội làng, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc và các sự kiện tại địa phương. Chính quyền, cơ quan chức năng, Chi hội BTDC và các CLB dân ca trong huyện còn tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương và địa phương thực hiện được 12 chương trình, chuyên mục, phóng sự về dân ca tại Bình Gia. Không chỉ có thế, 5 năm qua, các CLB sli đã phục hồi nét đẹp truyền thống hát sli tại hơn 60 đám cưới, sinh nhật của người dân tộc Nùng. Tại đây, các hội viên là khách mời đã khởi xướng, hát các bài sli nguyên bản sử dụng trong đám cưới, sinh nhật được lưu truyền từ xa xưa. Cùng đó, từ năm 2018, hội viên các CLB còn nhiệt tình tham gia hát sli tại một số phiên chợ: thị trấn Bình Gia, Văn Mịch, Pác Khuông, góp phần làm “hồi sinh” làn điệu dân ca trong đồng bào dân tộc ở huyện…
Bà Nông Thị Phượng, Chi hội trưởng Chi hội BTDC huyện Bình Gia cho biết: Hầu hết các hội viên đều tích cực và say mê hát dân ca nên không chỉ bảo tồn và phát huy, các hội viên còn dành thời gian sáng tác, đặt lời dựa trên các các làn điệu dân ca truyền thống. Từ năm 2010 đến nay, các hội viên đã sáng tác, đặt lời được trên 40 bài then và hàng trăm bài sli theo ngẫu hứng, qua đó, thúc đẩy phong trào hát dân ca ngày càng sôi nổi, góp phần phát huy tốt giá trị các làn điệu dân ca.
Với sự tích cực trong bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca, từ năm 2016 đến nay, Bình Gia có 5 CLB, 44 hội viên được các cấp khen thưởng về thành tích xuất sắc trong lưu giữ, bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca trong cộng đồng; toàn huyện có 1 nghệ nhân Nhân dân và 1 nghệ nhân ưu tú được Chủ tịch nước công nhận.
“Bình Gia là một trong hai huyện có phong trào dân ca phát triển mạnh nhất tỉnh. Đây cũng là nơi đầu tiên thành lập được Chi hội BTDC trực thuộc hội với hoạt động quy củ, phát triển mạnh với mạng lưới CLB dân ca rải rác ở nhiều xã với số lượng hội viên đông nhất toàn tỉnh”. Ông Hoàng Việt Bình, Phó Chủ tịch Hội BTDC tỉnh |
Ý kiến ()