Bình Gia: Bảo tồn, phát huy giá trị trang phục dân tộc
– Huyện Bình Gia có 5 dân tộc chính cùng sinh sống gồm: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa. Trang phục của mỗi dân tộc đều có sắc thái văn hóa riêng. Nhận thức được giá trị của trang phục truyền thống, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Bình Gia đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực để người dân thêm yêu, gìn giữ và đưa trang phục truyền thống vào đời sống thường ngày.
Ông Lèo Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của trang phục các dân tộc là hết sức quan trọng. Từ năm 2016 đến nay, UBND huyện đã chú trọng triển khai công tác này. Các giải pháp được đưa ra thực hiện gồm tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng; khuyến khích người dân mặc trang phục vào những dịp lễ, tết; nghiên cứu phục dựng quy trình cắt may, thêu trang phục dân tộc…
Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Thiện Thuật mặc trang phục truyền thống đến trường vào thứ Hai hằng tuần
Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về giá trị của trang phục truyền thống cũng như tầm quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy trang phục truyền thống. Việc tuyên truyền được lồng ghép trong các cuộc họp cộng đồng khu dân cư, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt định kỳ của các tổ chức hội, đoàn thể và các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội… Bình quân mỗi năm, trên địa bàn huyện có khoảng 80 cuộc họp truyên truyền lồng ghép nội dung này đến trên 4.000 lượt người tham dự…
Cùng với tuyên truyền, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện đã quan tâm rà soát những người biết dệt, nhuộm vải và cắt may trang phục truyền thống, khuyến khích họ gìn giữ nghề này. Qua rà soát, riêng xã Thiện Thuật có khoảng 300 hộ duy trì nghề dệt vải, nhuộm chàm trang phục dân tộc Nùng; xã Thiện Hòa có hơn 200 hộ duy trì nghề may trang phục dân tộc Nùng, Dao… Ông Lăng Văn Hanh, Chủ tịch UBND xã Thiện Hòa cho biết: Toàn xã có 761 hộ với 3.500 nhân khẩu thì có khoảng hơn 200 hộ có người biết thêu, cắt may trang phục dân tộc. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tăng cường tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân gìn giữ cách làm trang phục và thường xuyên mặc trang phục truyền thống trong đời sống hằng ngày. Đặc biệt, UBND xã đã hướng dẫn 15 hộ dân tại thôn Lân Luông tái hiện quy trình cắt, may, thêu trang phục dân tộc Dao và mặc trang phục dân tộc để phục vụ khách du lịch khi đến tham quan, trải nghiệm.
Để trang phục dân tộc được người dân sử dụng rộng rãi, UBND huyện và các xã, thị trấn ở Bình Gia còn khuyến khích đồng bào mặc trang phục dân tộc trong các cuộc hội họp, tham gia lễ hội, sự kiện, giao lưu văn hóa văn nghệ. Đặc biệt mới đây, tại Lễ hội cầu mùa xã Mông Ân (mùng 10 tháng Giêng), UBND huyện đã phát động Tuần lễ (từ 31/1 đến ngày 6/2/2023) mặc trang phục truyền thống dân tộc huyện Bình Gia năm 2023. Tuần lễ đã trở thành một sự kiện có ý nghĩa, thu hút hơn 6.000 lượt cán bộ, đảng viên, người dân tham gia.
Chị Trần Tố Nga, thôn Nà Pái, xã Tân Văn cho biết: Tôi là người dân tộc Tày. Gia đình tôi cũng như những hộ dân khác trong thôn đều có trang phục truyền thống và thường mặc vào những ngày lễ, tết, sự kiện trọng đại của gia đình, dòng họ. Hưởng ứng tuần lễ mặc trang phục dân tộc do UBND huyện phát động, năm nay tôi và nhiều người thân, bạn bè, đồng nghiệp (trong đó có nhiều người không phải người dân tộc thiểu số) đã hưởng ứng mặc trang phục dân tộc. Qua đây, chúng tôi rất tự hào về trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Không chỉ ở động đồng dân cư, những năm gần đây, trang phục truyền thống còn được đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh một số trường học trong huyện mặc vào những buổi học nhất định trong tuần. Cô Hoàng Thị Trường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thiện Thuật (xã Thiện Thuật) cho biết: Nhằm bảo tồn nét văn hóa qua trang phục dân tộc, từ năm học 2021 – 2022, nhà trường quy định cán bộ, giáo viên học sinh mặc trang phục truyền thống đến trường vào ngày thứ hai hằng tuần. Hiện toàn trường có 26 lớp học với 323 học sinh thì 100% học sinh đều có trang phục dân tộc (áo chàm, áo con công – áo truyền thống của dân tộc Nùng). Ngày 17/2 tới, trường sẽ tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về trang phục dân tộc truyền thống.
Việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa trang phục truyền thống đã và đang được các cấp, ngành, người dân ở huyện Bình Gia tích cực triển khai, hưởng ứng bằng nhiều cách làm cụ thể, thiết thực. Qua đây đã và đang góp phần khôi phục các nét đẹp văn hóa, làm cho trang phục truyền thống từng bước phổ biến trong cộng đồng, nâng cao lòng tự hào dân tộc. Cùng đó là góp phần thực hiện thành công Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”.
Ý kiến ()