Bình Dương tiếp tục thu hút vốn đầu tư FDI hiệu quả
Triển khai nhiều giải pháp phục hồi kinh tế sau Covid-19, tỉnh Bình Dương tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiệu quả. Với nhiều lợi thế và sự chuẩn bị “đi trước đón đầu” về hạ tầng khu công nghiệp, tập trung phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng, chú trọng thu hút nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, Bình Dương tiếp tục là sự chọn lựa hàng đầu của nhà đầu tư.
Sản xuất động cơ điện xuất khẩu tại Công ty TNHH Bonfiglioli Việt Nam (vốn đầu tư Italia) ở Khu công nghiệp Mỹ Phước 3. |
Cùng việc tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi, Bình Dương có cách làm hay, tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư nước ngoài với sự tham gia của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, nhằm giới thiệu môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và lợi thế, tiềm năng của địa phương nói riêng. Qua đó đã giúp các tập đoàn, doanh nghiệp hiểu rõ, nắm bắt được cơ hội thích nghi, phù hợp yêu cầu đầu tư của mình để chọn lựa đầu tư dự án.
Tăng số lượng, vượt chất lượng
Ngày 3/11, Tập đoàn Lego (Ðan Mạch) khởi công xây dựng nhà máy trong Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore 3 (VSIP 3) tại tỉnh Bình Dương. Nhà máy Lego được xây dựng trên diện tích 44ha với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD nhằm sản xuất đồ chơi bằng nhựa, các bộ phận của đồ chơi; sản xuất khuôn mẫu, các bộ phận của khuôn mẫu… Ðây là nhà máy thứ 6 trên toàn cầu và thứ 2 tại châu Á của Tập đoàn Lego, giúp củng cố chiến lược phát triển lâu dài tại châu Á cũng như đa dạng hóa chuỗi cung ứng của tập đoàn trong khu vực và thế giới. Dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động trong năm 2024 và góp phần tạo ra 4.000 việc làm trong vòng 15 năm tới.
Tại buổi lễ khởi công nhà máy Lego, ông Niels B. Christiansen, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Lego cho biết, việc khởi công nhà máy đánh dấu cột mốc quan trọng đối với Tập đoàn khi xây dựng nhà máy thứ 6 trên toàn cầu, cũng là nhà máy trung hòa các-bon đầu tiên của Lego; đồng thời tin tưởng nhà máy sẽ tạo ra các tác động tích cực đến nền kinh tế và cộng đồng địa phương.
Trước đó, tháng 5/2022, Tập đoàn Pandora (Ðan Mạch), thương hiệu trang sức lớn nhất thế giới đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore nhằm xây dựng cơ sở chế tác trang sức mới tại Việt Nam. Theo đó, Pandora cam kết sẽ đầu tư 100 triệu USD để xây dựng cơ sở chế tác trang sức mới tại VSIP 3 ở tỉnh Bình Dương. Tại thời điểm ký kết, ông Jeerasage Puranasamriddhi, Giám đốc Cung ứng Tập đoàn Pandora cho biết: “Tập đoàn đã tìm hiểu rất nhiều nơi trên thế giới trước khi quyết định chọn Việt Nam và cụ thể là tỉnh Bình Dương làm cơ sở sản xuất tiếp theo nhằm mở rộng khả năng sản xuất của Pandora”.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, 10 tháng đầu năm 2022 đã có gần 2,74 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào tỉnh, tăng 57% so với cùng kỳ; trong đó có 58 dự án đầu tư mới, 18 dự án điều chỉnh tăng vốn bổ sung và 138 dự án góp vốn. Với kết quả thu hút đầu tư trong 10 tháng đã nâng nguồn FDI tại Bình Dương lên 4.053 dự án từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 39,6 tỷ USD, quy mô trung bình dự án khoảng 9,8 triệu USD; đứng thứ 2 cả nước chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh về thu hút đầu tư và chiếm hơn 9,3% tổng vốn FDI cả nước.
Về cơ cấu thu hút đầu tư trong 10 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào sáu ngành, lĩnh vực chủ yếu; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,66 tỷ USD, chiếm 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký; hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn hơn 939 triệu USD, chiếm 35,82% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, khoa học-công nghệ và sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa… Ðứng đầu thu hút đầu tư vào tỉnh trong 10 tháng qua là Ðan Mạch với tổng vốn đầu tư 1,32 tỷ USD; Hà Lan đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư là 609,6 triệu USD; Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư là 258,6 triệu USD. Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Ðài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore, Seychelles, Mỹ…
Giải pháp thu hút vốn FDI hiệu quả
Góp phần thu hút FDI hiệu quả, trong 10 tháng đầu năm 2022, Bình Dương đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo trực tuyến xúc tiến đầu tư với các nước, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Bỉ, Pháp, Ðức, Hà Lan, Italia…. Tại các hội nghị, hội thảo này, các doanh nghiệp được nghe lãnh đạo tỉnh, các sở, ban ngành chia sẻ về môi trường đầu tư tại Việt Nam và tỉnh Bình Dương; những tiềm năng, lợi thế, chính sách và các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh. Bên cạnh đó, đại diện các sở, ngành của tỉnh đã trả lời thỏa đáng những vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm và đang có nhu cầu tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại Bình Dương.
Là doanh nghiệp đầu tàu, Tổng Công ty Becamex IDC đã phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo trực tuyến xúc tiến đầu tư với doanh nghiệp nhiều nước. Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC cho biết, thông qua hội nghị, hội thảo trực tuyến xúc tiến đầu tư, cùng lãnh đạo tỉnh và các sở ngành chia sẻ về chính sách, môi trường đầu tư, Tổng Công ty Becamex IDC đã giới thiệu với các doanh nghiệp về các dự án do Becamex IDC phát triển để đáp ứng nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp; đặc biệt là định hướng xây dựng thành phố thông minh Bình Dương, cũng như tiến độ xây dựng Khu công nghiệp khoa học-công nghệ và Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương trong đề án “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương”. Bên cạnh đó, Tổng Công ty còn chia sẻ về việc xây dựng hạ tầng giao thông kết nối vùng, hệ thống logistics, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao cùng các chính sách ưu đãi đầu tư; hệ sinh thái dịch vụ y tế, giáo dục và hạ tầng xanh, tạo ra môi trường sống và làm việc tốt cho người lao động tại tỉnh Bình Dương mà Becamex IDC và các đối tác đã và đang triển khai.
Với việc tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo trực tuyến xúc tiến đầu tư, tỉnh Bình Dương rất linh hoạt nhằm trao đổi, kết nối hợp tác bằng nhiều hình thức với các bên đối tác nước ngoài và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho biết, xác định nguồn vốn FDI là quan trọng đối với quá trình phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị thông minh của tỉnh, thời gian tới tỉnh tiếp tục xúc tiến đầu tư, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo trực tuyến xúc tiến đầu tư với các nước; tích cực mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế và thiết lập mối quan hệ hợp tác song phương với các tỉnh, thành phố nước ngoài. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng khu công nghiệp; triển khai đào tạo nguồn nhân lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lao động cho doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh nhằm tạo thuận lợi nhất giúp doanh nghiệp đầu tư hiệu quả.
Trong tổng số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Bình Dương, Ðài Loan (Trung Quốc) đứng đầu với 859 dự án có tổng vốn đăng ký hơn 6,27 tỷ USD, Nhật Bản đứng thứ 2 với 333 dự án có tổng vốn đăng ký 5,86 tỷ USD, Singapore đứng thứ ba với 277 dự án có tổng vốn đăng ký 5,4 tỷ USD…
Ý kiến ()