Bình Dương: Thu hút nhiều doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp phụ trợ
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương này đang mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ. Hiện nay, tỉnh cũng đã quy hoạch vùng phát triển nguyên phụ liệu để phục vụ cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
|
Ngành dệt may rất cần nhiều nguyên liệu phụ trợ (Ảnh: K.V) |
Theo đó, các doanh nghiệp đến đầu tư vào công nghiệp phụ trợ tại Bình Dương sẽ có rất nhiều điều kiện thuận lợi. Bình Dương đã quy hoạch và điều chỉnh phát triển các khu, cụm công nghiệp dành riêng cho phát triển công nghiệp phụ trợ.
Thời gian tới, tỉnh Bình Dương cũng sẽ thực hiện công bố quy hoạch vùng đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu, gắn với phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm đón đầu Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương.
Theo ông Mai Hùng Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, trong tổng số 2.317 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào địa phương này, với tổng vốn đăng ký gần 20 tỷ USD, tính đến nay, lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ ngày một tăng, trong đó chủ yếu là những mặt hàng mà các doanh nghiệp này sản xuất. Đó là các hàng nguyên phụ liệu quan trọng đối với nhiều ngành có thế mạnh xuất khẩu của Bình Dương.
Mới đây, khi Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương tổ chức đợt trao giấy chứng nhận đầu tư cho hơn 40 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đã có hơn một nửa doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Hầu hết, các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… chuyên sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, chế biến gỗ và điện, điện tử.
Cũng theo ông Mai Hùng Dũng, hiện trong lĩnh vực dệt may, da giày của tỉnh này, đã có trên 100 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài làm phụ trợ, sản xuất khuôn mẫu, đế giày, sợi cotton cao cấp, các loại vải ren, hạt cườm, phụ liệu trang trí; ngành chế biến gỗ có trên 150 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cung cấp nguyên phụ liệu là ốc, vít, bản lề, sơn; ngành điện, điện tử, phụ tùng ô tô tải cũng đã có gần 250 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện cung cấp cho các nhà sản xuất lắp ráp.
Chính vì vậy, từ những năm trước đây, tỉnh Bình Dương đã hình thành các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may như công nghiệp sản xuất sợi, dệt vải, chỉ may, khuy nút, dây kéo, nhuộm, hoàn thiện sản phẩm dệt; ngành da giày như thuộc da, sản xuất đế giày, mũ giày; ngành cơ khí có sản xuất kim loại, sản xuất máy móc thiết bị và phụ tùng cho các ngành công nghiệp ô tô, xe máy, các phương tiện vận tải khác; ngành điện – điện tử thì sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất thiết bị dây dẫn điện, cáp quang và ngành chế biến gỗ có cưa xẻ gỗ, bào gỗ, sản xuất gỗ dán, hóa chất ngành chế biến gỗ.v.v…, đây chính là tiềm năng lớn để Bình Dương phát triển ngành công nghiệp phụ trợ một cách bền vững.
Từ đầu năm 2014 đến nay, nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho ngành công nghiệp phụ trợ dệt may ở Bình Dương luôn tăng mạnh. Trong những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh này, dệt may là ngành hàng đang có giá trị xuất khẩu cao nhất, đứng đầu trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Bình Dương hiện nay. Với thế mạnh và tiềm năng hiện có, việc phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành này tại Bình Dương được doanh nghiệp chú trọng đầu tư trong thời gian gần đây, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong nguồn vốn đầu tư hơn 1,43 tỷ USD vào tỉnh Bình Dương 9 tháng đầu năm 2014, vốn cho công nghiệp phụ trợ ngành dệt may đã tăng đáng kể. Trong đó, dự án lớn nhất lĩnh vực phụ trợ ngành dệt may là nhà máy sản xuất vải dệt các loại của Công ty trách nhiệm hữu hạn Liên doanh Nam Phương Textile (hợp tác giữa Tập đoàn Haputex Development Limited của Hồng Kông và Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Việt Hương) vừa khởi công xây dựng tại Khu công nghiệp Việt Hương 2 tại thị xã Bến Cát. Dự án nhà máy sản xuất vải nói trên có vốn đầu tư 120 triệu USD, quy mô xây dựng trên diện tích 12 ha sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2015. Sau khi triển khai qua ba giai đoạn, nhà máy sẽ giải quyết việc làm cho 3.000 lao động và cung cấp gần 100 triệu mét vải/năm cho ngành may mặc.
Toàn tỉnh Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp tập trung, trong đó, có hơn 1.200 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động cho thấy tiềm năng thu hút vốn đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ ở Bình Dương là rất lớn, từ đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Bình Dương nói riêng và các địa phương trong khu vực chủ động giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Hiện nay, tỉnh Bình Dương đã quy hoạch và điều chỉnh phát triển các khu, cụm công nghiệp dành riêng cho phát triển công nghiệp phụ trợ. Khu công nghiệp Bàu Bàng, thuộc địa bàn xã Lai Uyên, huyện Bến Cát đã được quy hoạch riêng 300 ha, hạ tầng đã hoàn thiện, sẵn sàng chờ các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực phụ trợ đến đầu tư, triển khai hoạt động.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, giảm nhập siêu và gia tăng giá trị hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Dương tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2013.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()