Bình Dương: Tập trung cho mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020
Từ một tỉnh thuần nông, trong những năm qua, tỉnh Bình Dương đã có những bước tiến dài về mọi mặt. Quá trình công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng, tạo tiền đề cho đô thị hóa mạnh mẽ. Cùng với dịch vụ phát triển và một nền nông nghiệp chất lượng cao, mục tiêu để Bình Dương trở thành đô thị trực thuộc Trung ương đang đến rất gần.
Phát triển hạ tầng giao thông và các khu công nghiệp đặt lên hàng đầu
Sau 19 năm tái lập tỉnh (1997 – 2016), với sự nỗ lực, đoàn kết, chung sức của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, Bình Dương đã và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành tỉnh công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngay sau khi tái lập tỉnh, Bình Dương đã xác định được tầm quan trọng của hệ thống giao thông đối với phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư, những năm qua, Bình Dương đã đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng nhiều tuyến đường quan trọng, góp phần tạo nền tảng phát triển kinh tế – xã hội.
Đó là việc đầu tư nâng cấp, mở rộng toàn tuyến quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài 62 km, quy mô đường cấp I,II, 6 làn xe; nâng cấp, mở rộng toàn tuyến đường tỉnh 741 đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài 49km, quy mô đường cấp I, 6 làn xe. Đây là hai tuyến huyết mạch theo hướng Bắc – Nam của tỉnh, kết nối các khu công nghiệp, đô thị phía Nam của tỉnh với các khu công nghiệp, đô thị và vùng nguyên liệu, nông thôn phía Bắc của tỉnh, đồng thời kết nối với thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Nguyên và tuyến biên giới Campuchia. Hai tuyến đường này có vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội, thu hút đầu tư, công nghiệp hóa, đô thị hóa, đảm bảo an ninh quốc phòng của Bình Dương.
Cùng với đó, Bình Dương cũng đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tỉnh như 741, 743, 744, 746, 747… với quy mô đường cấp I, II, 4 đến 6 làn xe, kết nối khu công nghiệp, đô thị phía Nam với các khu công nghiệp, đô thị và vùng nguyên liệu phía Bắc của tỉnh, với các địa phương lân cận và các đầu mối giao thông của khu vực. Đầu tư xây dựng mới các cầu Thủ Biên, Bạch Đằng, Thạnh Hội qua sông Đồng Nai kết nối giao thông với tỉnh Đồng Nai và Quốc lộ 1. Xây dựng mới cầu Thới An và đường Vành đai 4 đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương, góp phần hình thành các đường vành đai theo hướng Đông – Tây của tỉnh.
Trên cơ sở hướng tuyến quy hoạch của đường vành đai 3 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Bình Dương đã chủ động huy động nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư xây dựng mới đường Mỹ Phước – Tân Vạn, kết nối thành phố mới Bình Dương, các trung tâm đô thị, công nghiệp của tỉnh với các đầu mối giao thông quốc gia và các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là trục giao thông quan trọng, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Dương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa.
Song song với việc phát triển các tuyến đường huyết mạch, các tuyến đường đô thị tại các trung tâm huyện, thị xã, thành phố, các khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng gần như được đồng loạt quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây dựng hoàn chỉnh. Trong đó, tuyến đường vào Trung tâm Hành chính tỉnh được hoàn thành, đưa vào sử dụng từ cuối năm 2014, tuyến đường này đã kết nối trung tâm thành phố mới Bình Dương với đô thị Thủ Dầu Một và các trung tâm đô thị trên địa bàn tỉnh. Đây là tuyến đường có ý nghĩa hết quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến trình xây dựng và phát triển thành phố mới Bình Dương, là tiền đề, động lực để tiếp tục xây dựng và phát triển đô thị Bình Dương theo quy hoạch, xây dựng Bình Dương thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020. Bên cạnh đó, Bình Dương cũng đã tập trung đầu tư làm đường giao thông nông thôn. Mạng lưới đường giao thông nông thôn ở Bình Dương đuợc đầu tư xây dựng khá đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của nhân dân vùng sâu, vùng xa.
Để phát triển kinh tế, Bình Dương còn tập trung phát triển công nghiệp làm nền tảng đột phá. Giải pháp lâu bền cho chiến lược này là xây dựng các khu công nghiệp tập trung làm đòn bẩy phát triển. Năm 1997, tỉnh Bình Dương mới chỉ có 6 khu công nghiệp tập trung nằm hầu hết ở phía Nam của tỉnh với diện tích 800ha thì đến nay, toàn tỉnh đã có 29 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp tập trung với tổng diện tích hơn 10.000ha được phân bố ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Chính nhờ hạ tầng các khu công nghiệp của tỉnh tốt, được quy hoạch đồng bộ, kết hợp những yếu tố như sự thân thiện và năng động của lãnh đạo tỉnh, cùng hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội phát triển đồng bộ đã góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư. Đến nay, tại tỉnh đã có trên 20 nghìn doanh nghiệp trong nước với tổng số vốn đăng ký trên 148 nghìn tỷ đồng và trên 2.500 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đầu tư trên 22 tỷ đô la Mỹ. Sự đầu tư lớn của doanh nghiệp trong và ngoài nước đã góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp cao và kéo theo tiềm năng lớn cho dịch vụ – thương mại và đô thị Bình Dương phát triển.
Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020
Với những bước phát triển nhanh chóng và những cơ hội bứt phá của Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 893/QĐ-TTg điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025. Quyết định này nêu rõ, đến trước năm 2020 Bình Dương sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương với 3 quận, 2 thị xã , 4 huyện và 113 đơn vị hành chính cấp xã. Cụ thể, năm 2017, thành phố Thủ Dầu Một sẽ là đô thị loại I và đến năm 2019 sẽ phấn đấu đưa Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng với đó, thị xã Dĩ An, thị xã Thuận An năm 2016 là đô thị loại III, đến giai đoạn 2018 – 2019 được công nhận là đô thị loại II và đến năm 2020 trở thành quận của thành phố Bình Dương. Thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên phấn đấu giai đoạn 2016 – 2018 đạt tiêu chí là đô thị loại III để trước năm 2020 đạt tiêu chí là đô thị loại II. Chương trình phát triển đô thị Bình Dương giai đoạn 2016 – 2020 sẽ là cơ sở cho việc lập kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và định hướng kêu gọi thu hút đầu tư trên các lĩnh vực trong từng giai đoạn 5 năm, đồng thời, làm hồ sơ để nâng cấp đô thị trở thành thành phố trực thuộc Trung ương năm 2019.
Để đạt được mục tiêu trên, cùng với việc tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghiệp, Bình Dương đã chú trọng tập trung đầu tư hạ tầng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng tốt nhằm đáp ứng cho công nghiệp phát triển, đồng thời tập trung vào công tác an sinh xã hội, chú trọng xây dựng các công trình phục vụ cộng đồng như nhà ở xã hội, nhà ở tập thể, khu vui chơi giải trí, nhà trẻ, trường học. Đối với lĩnh vực tài chính – ngân hàng, Bình Dương cũng phát triển mạnh theo hướng vừa nâng cao chất lượng, vừa mở rộng cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn trên địa bàn. Dịch vụ bưu chính – viễn thông, công nghệ thông tin, thương mại điện tử ngày càng phát triển vào chiều sâu. Công tác bảo vệ môi trường cũng được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm sâu sát, góp phần vào quá trình phát triển bền vững của địa phương. Ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) cũng đã đề ra mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới là, tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng quy mô nền kinh tế, bảo đảm phát triển bền vững và tăng trưởng hợp lý. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ – công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa; đầu tư nông nghiệp đô thị gắn với công nghệ sinh học cao và chuyển giao công nghệ sinh học. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của người dân. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020.
Trong Hội thảo “Bình Dương hướng tới thành phố thông minh”, với chủ đề “Cùng kiến tạo tương lai bền vững” mới đây được tổ chức tại Bình Dương, nhiều ý kiến tham gia đóng góp để đưa Bình Dương trở thành đô thị thông minh. Đa số các ý kiến đều cho rằng, hiện nay, Bình Dương đang xây dựng thành phố mới Bình Dương là thành phố hiện đại, xanh, sạch và thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, Bình Dương cần tập trung cải cách hành chính toàn diện, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Không chỉ vậy, Bình Dương còn phát triển hệ thống giao thông công cộng thân thiện với môi trường. Song song với những việc làm trên, Bình Dương cần chú trọng hơn nữa đầu tư phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe cộng đồng…, Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương cho rằng, để thực hiện thành công các chương trình đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra, Bình Dương cần học tập, tìm hiểu những kiến thức, kinh nghiệm về xây dựng thành phố thông minh ở các quốc gia khác trên thế giới, từ đó hoạch định ra những chính sách ưu việt trong xây dựng ngành công nghiệp công nghệ cao, luôn đổi mới, sáng tạo nhằm mang đến cho nhân dân một cuộc sống tiện nghi, tốt đẹp, văn minh và hiện đại hơn. Góp phần từng bước đưa Bình Dương trở thành đô thị thông minh, thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()