Bình Dương: Quy hoạch các khu, cụm công nghiệp đến năm 2020
Theo Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương, đến năm 2020, địa phương này sẽ có 39 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích trên 19 nghìn ha phát triển theo hướng nhanh và bền vững.
Cùng với qui hoạch các khu công nghiệp, tỉnh Bình Dương cũng có định hướng phát triển các cụm công nghiệp đến năm 2020, theo đó, đến năm 2020, Bình Dương cũng sẽ xây dựng được 13 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 1 nghìn ha.
Một góc Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, tỉnh Bình Dương (Ảnh: K.V) |
Phát triển ngành công nghiệp đang là tiềm năng thế mạnh của tỉnh Bình Dương, do đó, mục tiêu phát triển công nghiệp của địa phương này hướng tới phù hợp với các quy hoạch đã được tỉnh thông qua, đó là tiếp tục thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng công nghiệp công nghệ cao, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, thân thiện môi trường, tiêu tốn năng lượng thấp, không thâm dụng lao động. Phấn đấu đến năm 2020, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp lớn tầm quốc gia và khu vực.
Dự án điều chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bình Dương đến năm 2020 cũng đã định hướng phân bố công nghiệp, chú trọng phát triển công nghiệp về phía Bắc của tỉnh, hạn chế phát triển công nghiệp ở phía Nam của tỉnh và bên ngoài các khu, cụm công nghiệp. Đồng thời, liên kết trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, lựa chọn những ngành công nghiệp trọng điểm như: chế biến nông sản, thực phẩm, công nghiệp chế biến gỗ, công nghiệp hóa chất, cơ khí, điện tử – công nghệ thông tin.v.v…
Hiện, tỉnh Bình Dương có 28 khu công nghiệp tập trung. Riêng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh được giao quản lý 25 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch trên 7.539 ha, trong đó có 23 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích gần 6.985 ha.
Các khu công nghiệp như: Mỹ Phước, Bàu Bàng, Nam Tân Uyên, Việt Hương… đều thu hút nhiều dự án và có khu công nghiệp đã hoàn thành vượt kế hoạch năm 2014 đề ra ngay từ giữa năm.
Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2014, từ nay đến cuối năm, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư các khu công nghiệp triển khai xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật; phối hợp với chủ đầu tư xây dựng danh mục dự án cần xúc tiến, kêu gọi đầu tư, nhất là tập trung vào các thị trường có tiềm năng vốn và công nghệ, ngành nghề thu hút đầu tư theo định hướng của tỉnh và quy hoạch của khu công nghiệp. Đồng thời chủ động nắm tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời giải quyết hoặc đề xuất kiến nghị giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trực tiếp hoặc thông qua các hiệp hội ngành hàng, chi hội các nhà đầu tư, các ngân hàng thương mại nhằm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển.
Cũng theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp của tỉnh từ đầu năm 2014 đến nay tiếp tục đạt kết quả khả quan. Hàn Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia có vốn đầu tư cao nhất trong số các quốc gia và chiếm hơn 53% tổng nguồn vốn FDI đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()