Bình Dương: Nhiều sáng kiến của công nhân trị giá tiền tỷ
Trong gần một triệu người lao động tại Bình Dương, có không ít công nhân trong lao động, sản xuất thực tiễn đã đưa ra những sáng kiến làm lợi hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp. Đây là những tấm gương hết sức bình dị, như nhiều công nhân chia sẻ “làm lợi cho doanh nghiệp cũng là làm lợi cho chính mình, cho cộng đồng và cho xã hội”.
Còn khá trẻ, Lê Công Hoàng (quê Quảng Bình) làm việc tại Công ty TNHH Astro Engineering Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sản xuất khung xe đạp cao cấp tại KCN Đồng An (Bình Dương) là tấm gương công nhân trong lao động sáng tạo của Bình Dương trong năm 2015. Quá trình làm việc, nhận thấy dây chuyền sản xuất nhập từ nước ngoài của công ty có nhiều chi tiết rườm rà, Hoàng đã đề xuất với lãnh đạo công ty để đưa sáng kiến của mình vào áp dụng nhằm giảm bớt nhiều chi tiết không đáng có. Kết quả việc cải tiến của Hoàng đã tăng năng suất của một dây chuyền từ 12 nghìn sản phẩm/tháng lên 15 nghìn sản phẩm/tháng. Tính ra mỗi tháng, Hoàng đã giúp doanh nghiệp tăng 3.000 sản phẩm/dây chuyền, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm. Nhờ đó doanh nghiệp tăng lợi nhuận hàng chục tỷ đồng mỗi năm và người lao động có thêm tiền thưởng nhờ công ty tăng năng suất.
Nguyễn Sỹ Hải là kỹ sư điện của Công ty TNHH Asia Packaging Industries Việt Nam (TX. Bến Cát, Bình Dương). Linh hoạt ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn sản xuất, Hải đã đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả trong công việc, nổi bật như: Sáng kiến “Thiết lập hệ thống điều khiển giám sát, thu thập dữ liệu của toàn dây chuyền nhà máy” giúp tiết kiệm cho công ty số tiền gần 40 nghìn USD Mỹ; sáng kiến “Ứng dụng chức năng điều khiển hồi tiếp của biến tần để tiết kiệm điện năng, tăng sản lượng và tuổi thọ của thiết bị” vừa góp phần tăng cao sản lượng, năng suất của nhà máy, vừa tiết kiệm điện cho công ty hơn 120 triệu đồng/năm và giảm hơn 220 triệu đồng/năm về chi phí mua thiết bị.
Nỗ lực vươn lên trong lao động và sáng tạo, tấm gương của nữ công nhân Đoàn Thị Yến Dung làm việc tại Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam, doanh nghiệp chuyên sản xuất dây dẫn điện ô tô cho các thương hiệu nổi trên thế giới, là một điển hình của tinh thần vượt khó vươn lên. Kể lại quá trình phấn đấu, Dung cho biết: Sau khi học xong cấp 3, do điều kiện gia đình khó khăn nên gác lại con đường học vấn để xin vào làm công nhân bộ phận sản xuất. Quá trình làm việc, nhờ chăm chỉ phấn đấu và tiếp thu kỹ thuật, vừa học vừa làm, Dung đã trở thành một trong những cán bộ kỹ thuật giỏi của công ty tại Bình Dương. Với việc góp phần giảm thao tác thừa, giảm lãng phí và nâng cao năng suất cho công ty; đồng thời tham gia cùng các thành viên nhóm thiết kế công đoạn tại Bình Dương để đào tạo lực lượng quản lý nòng cốt cho chi nhánh Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam tại Trà Vinh, Dung đã được đề bạt giữ chức Trưởng nhóm thiết kế công đoạn của công ty.
Chia sẻ với chúng tôi, nhiều công nhân có sáng kiến trong lao động sản xuất tại Bình Dương cho biết: Sáng tạo trong lao động, làm lợi tiền tỷ cho doanh nghiệp là làm lợi cho chính mình, cho cộng đồng và cho xã hội. Bởi lẽ sáng tạo của công nhân giúp doanh nghiệp có lợi nhiều thì mới có đóng góp nhiều cho ngân sách, tạo được nhiều việc làm. Hơn nữa việc sáng tạo cũng thể hiện trí tuệ của người lao động Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, từ đó giúp các nhà đầu tư an tâm đến với Việt Nam nhiều hơn.
Gương sáng điển hình trong lao động
Theo ông Bùi Thanh Nhân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, nhờ nỗ lực trong lao động sản xuất của công nhân, trong năm năm qua tỉnh Bình Dương đã có hơn 23 nghìn công trình, sản phẩm, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị áp dụng tốt trong sản xuất của doanh nghiệp. Trong đó có 2.770 công trình, sản phẩm có giá trị đầu tư hơn 1.360,7 tỷ đồng đã làm lợi hơn 950 tỷ đồng; có 7.629 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được đưa vào ứng dụng đạt kết quả tốt làm lợi cho doanh nghiệp trên 200,6 tỷ đồng. Với việc sáng tạo này đã giúp nhiều doanh nghiệp nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nổi bật trong sáng tạo năm năm qua, là nhiều công nhân trực tiếp sản xuất đã có nhiều sáng kiến được áp dụng đạt hiệu quả cao, điển hình như: Công nhân Phạm Từ Thức làm việc tại Công ty TNHH Esprinta Việt Nam, với giải pháp “cải tiến tiết kiệm điện” làm giảm thất thoát điện năng tiêu thụ trong sản xuất tại doanh nghiệp, trong nhiều năm qua đã giúp công ty tiết kiệm hàng tỷ đồng. Công nhân Nguyễn Hồng Châu làm việc tại Công ty TNHH American Home, với giải pháp “Đơn giản hóa thao tác và khép kín quy trình vệ sinh lọc hóa than” đã giảm thiểu thất thoát nguyên nhiên vật liệu, hạn chế gây ô nhiễm môi trường và làm lợi cho doanh nghiệp hơn một tỷ đồng/năm. Công nhân Trương Văn Hiếu làm việc tại Công ty TNHH SX & TM Trung Dũng với tám giải pháp, sáng kiến trong công nghệ dập hàn, đúc đã làm lợi nhiều tỷ đồng cho doanh nghiệp. Ngoài ra còn hàng ngàn sáng kiến khác được áp dụng trực tiếp vào sản xuất, quản lý, góp phần làm tăng năng xuất lao động, giảm giá thành sản phẩm.
Trong lao động sáng tạo, nhiều công nhân tại Bình Dương đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Cụ thể như: Anh Trần Quang Vinh làm việc tại Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing. Với giải pháp “Tự động hóa thiết bị sản xuất” Vinh đã làm tăng năng suất sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng ổn định, giải pháp này làm giảm khả năng phụ thuộc vào tay nghề của người lao động và giúp tránh rủi ro tai nạn lao động. Anh Nguyễn Văn Thịnh, công nhân bảo trì thuộc xưởng Mộc Công ty TNHH Scancom Việt Nam. Với sáng kiến “Cải tiến máy kéo lưới” Thịnh đã tiết kiệm sức lực cho người lao động trong sản xuất và làm lợi cho công ty nhiều tỷ đồng. Ngoài ra còn có anh Mai Phước Thiện, Công ty TNHH Thương mại Phong Thịnh; Nguyễn Văn Dũng, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước môi trường Bình Dương; Trần Văn Dũng, Công ty TNHH MTV Giấy Vĩnh Phú; Nguyễn Quang Sang, Công ty nhựa Đạt Hòa đã có nhiều sáng kiến áp dụng hiệu quả cao trong sản xuất đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Ghi nhận những đóng góp về việc sáng tạo trong lao động của công nhân, ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Sáng tạo của công nhân đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với doanh nghiệp và sự phát triển chung của tỉnh. Tuy nhiên một số doanh nghiệp chưa có chính sách động viên, đãi ngộ và chưa thực hiện thỏa đáng đối với người lao động có đề tài, sáng kiến; việc phát hiện điển hình tiên tiến để nhân rộng chưa được thường xuyên. Vì vậy, trong thời gian tới các doanh nghiệp cần phối hợp tích cực với công đoàn phát hiện, biểu dương kịp thời nhằm động viên việc sáng tạo của công nhân. Đồng thời để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, các cấp công đoàn Bình Dương cần tiếp tục tuyên truyền tầm quan trọng của việc sáng tạo để làm chuyển biến hơn nữa nhận thức của công nhân, doanh nghiệp về vai trò, vị trí, lợi ích của lao động sáng tạo trong quá trình hội nhập và phát triển.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()