Bình Dương: Nhiều doanh nghiệp xây nhà ở cho công nhân lao động
Toàn tỉnh Bình Dương có hơn 225 doanh nghiệp xây dựng 300 nghìn m2 nhà ở, giải quyết chỗ ở cho hàng trăm công nhân lao động trên địa bàn. Đây là một mô hình mới, phù hợp với xu hướng phát triển các khu công nghiệp của Bình Dương.
Giới thiệu dự án nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động ở Bình Dương |
Ngoài việc xây dựng nhà cho công nhân ở, hiện ở Bình Dương còn có một số doanh nghiệp hỗ trợ trực tiếp tiền cho công nhân thuê nhà trọ với mức từ 50 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng/người/tháng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn ký hợp đồng trực tiếp với một số hộ dân ở khu vực gần công ty xây nhà trọ cho công nhân thuê.
Được biết, tỉnh Bình Dương có 26 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút hơn 800 nghìn công nhân lao động, trong đó, số lao động nhập cư vào khoảng 680 nghìn người và 90% số người lao động có nhu cầu về nhà ở. Với một số lượng người lớn như vậy, trong thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã đưa ra nhiều giải pháp để tạo nơi ở ổn định cho công nhân lao động.
Nhằm tạo điều kiện cho công nhân lao động an tâm sản xuất, tăng thu nhập, ổn định đời sống gia đình, tỉnh Bình Dương đã kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây nhà ở cho công nhân lao động.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bình Dương, có khá nhiều doanh nghiệp nhà nước hoặc cổ phần hóa do nhà nước nắm cổ phần chi phối, liên doanh vốn nhà nước với đối tác đã và đang xây nhà bán, cho công nhân lao động thuê như Becamex IDC, Công ty liên doanh Việt Nam – Singapore, Công ty cổ phần Xây dựng – Tư vấn – Ðầu tư Bình Dương, Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Thanh Lễ… đứng ra xây dựng các khu dân cư, khu nhà ở cho công nhân, viên chức, lao động. Một số doanh nghiệp tư nhân trong Khu công nghiệp Sóng Thần xây nhà cao tầng bán trả góp cho công nhân lao động.
Trong đó, dự án nhà ở xã hội tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015 do Becamex IDC làm chủ đầu tư, đã được khởi công xây dựng, theo đó, khi dự án hoàn thành, sẽ có khoảng gần 65 nghìn căn hộ, phục vụ cho 164 nghìn người. Diện tích xây dựng là 240 ha, dự kiến sẽ xây dựng tại 37 vị trí thí điểm ở thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, Dĩ An, các huyện Tân Uyên và Bến Cát, với tổng kinh phí đầu tư gần 11 nghìn tỷ đồng.
Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương cũng đã tích cực tham gia cùng với các cấp, ngành, đơn vị và địa phương triển khai chương trình phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2011 – 2015, bước đầu đã có được những kết quả đáng khích lệ. Theo đó, đã vận động được nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu nhà trọ miễn phí cho công nhân lao động.
Để tạo điều kiện hơn nữa trong việc chăm lo cho quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, nhất là lao động nhập cư, Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương cũng đã kiến nghị với các cấp, ngành chức năng cho phép các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp được hưởng các cơ chế, chính sách về xây dựng nhà ở cho người lao động như các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Miễn 100% thuế chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất sản xuất sang đất ở hoặc không bắt buộc doanh nghiệp phải làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi đầu tư xây nhà ở cho công nhân, đồng thời thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, mời gọi doanh nghiệp đầu tư cho giáo dục; ban hành các quy định hướng dẫn đơn giản hóa các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ cấp phép xây dựng và hoạt động nhà trẻ, mẫu giáo, để công nhân lao động ngoại tỉnh yên tâm, gắn bó với doanh nghiệp.
Không chỉ có các ngành chức năng quan tâm đến vấn đề nhà ở cho công nhân lao động, nhiều đoàn thể ở các địa phương trong tỉnh Bình Dương cũng đã tổ chức, phối hợp xây dựng được mô hình nhà trọ tình thương, giúp đỡ hiệu quả đời sống cho công nhân lao động. Để giải quyết những bức xúc về nhà ở cho người lao động, người có thu nhập thấp, tỉnh Bình Dương đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, sẽ đầu tư xây dựng khoảng hơn 1,7 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của hơn 175 nghìn người.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()