Bình Dương 15 năm lấp lánh sắc mầu công nghiệp
Thành phố mới Bình Dương. Không giống như TP Hồ Chí Minh, hay Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, điểm xuất phát của Bình Dương là một tỉnh thuần nông nghèo khó. Mới 15 mùa Xuân trong hành trình của 20 năm đổi mới tính từ khi tái lập tỉnh, nay thành tỉnh phát triển công nghiệp trong tứ trụ vùng kinh tế trọng điểm phía nam với Bình Dương là sự phấn đấu "vượt thời gian"...Bản lĩnh và "tầm nhìn mở""Từ thuở mang gươm đi mở cõi", vùng đất đỏ miền đông nay thật sự khác xưa, như thị xã Thủ Dầu Một đã là thủ phủ của tỉnh Bình Dương văn minh, hiện đại đang phát lộ thành phố mới Bình Dương công nghiệp hóa tương lai. Song vẫn còn đó di tích nhà tù Phú Lợi khét tiếng về sự tàn ác dã man, hàng trăm chiến sĩ cách mạng đã bị đầu độc, tra tấn. Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh, cái định đề tưởng như không có gì mới đó lại chính là "thần khí" của Bình Dương vượt lên gian khó trong đấu tranh và dũng cảm trong xây dựng.Nhớ khí...
Thành phố mới Bình Dương. |
Bản lĩnh và “tầm nhìn mở”
“Từ thuở mang gươm đi mở cõi”, vùng đất đỏ miền đông nay thật sự khác xưa, như thị xã Thủ Dầu Một đã là thủ phủ của tỉnh Bình Dương văn minh, hiện đại đang phát lộ thành phố mới Bình Dương công nghiệp hóa tương lai. Song vẫn còn đó di tích nhà tù Phú Lợi khét tiếng về sự tàn ác dã man, hàng trăm chiến sĩ cách mạng đã bị đầu độc, tra tấn. Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh, cái định đề tưởng như không có gì mới đó lại chính là “thần khí” của Bình Dương vượt lên gian khó trong đấu tranh và dũng cảm trong xây dựng.
Nhớ khí thế “mở cờ” ngày khởi công KCN Việt Nam – Xin-ga-po, làm quốc lộ 13 (có người gọi là Đại lộ Bình Dương) những “mốc son” Bình Dương “chập chững” bước vào công nghiệp hóa (CNH). Nhìn nét mặt rạng rỡ mỗi con người trên đường phố, nhất là đội ngũ chỉnh tề của lực lượng công nhân, thanh niên trẻ, thấy ngay một sức bật Bình Dương vượt qua thách thức. Niềm tin của tôi càng được kiểm chứng mỗi dịp tiếp xúc với cán bộ, công nhân, viên chức trong tỉnh. Không một ai kêu ca phàn nàn, bi quan với thực trạng nghèo khó. Ngược lại còn hồ hởi, tự tin sẽ là “cơ hội vàng” để Bình Dương thoát nghèo… Nói về thành tựu Bình Dương tiến vào CNH với tinh thần “đi trước đón đầu”, chắc không ai hiểu bằng người trong cuộc. Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Minh Phương cho rằng: Sau tái lập tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm phía nam được Trung ương xác định chỉ có tam giác TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, nếu Bình Dương cũng đi các bước bình thường như các địa phương khác thì không thể có “đột phá”. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung khái quát: Nhận thức được những khó khăn thách thức, tập trung chỉ đạo, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, cụ thể hóa bằng những chính sách thông thoáng, mở đường cho CNH, HĐH. Từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, Bình Dương đã khơi dậy dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, thu hút mạnh mẽ mọi nguồn lực từ khắp nơi tụ về.
Có thể nói, “Tầm nhìn Bình Dương” là yếu tố quan trọng để Bình Dương làm nên thắng lợi. Năm 1997-1998, giữa lúc thế giới khủng khoảng kinh tế, tình hình đất nước khó khăn, Trung ương chưa có cơ chế, chính sách về KCN, song nhờ chủ trương “chớp thời cơ”, “trải chiếu hoa” thu hút đầu tư mà Bình Dương có ngay Thanh Lễ “một mình một ngựa truy phong” trực chỉ xây dựng KCN Sóng Thần và Becamex đi đầu liên doanh làm KCN Việt Nam – Xin-ga-po, xây Đại lộ Bình Dương mở bước đột phá cho Bình Dương “cất cánh” có được nhân hòa – thiên thời – địa lợi “thần tốc” đi vào hội nhập. Tiếp đó là sự thai nghén một khu Liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ – Đô thị Bình Dương “Tầm nhìn thế kỷ” hơn 4.000 ha, trong đó có thành phố mới Bình Dương, để thuận đà phát triển công nghiệp lên phía bắc (Bến Cát) sang phía đông (Tân Uyên).
Nhìn lại những con số phát triển kinh tế – xã hội Bình Dương lúc tái lập tỉnh, có 845 doanh nghiệp đầu tư trong nước vốn đăng ký 8.900 tỷ đồng, 163 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký hơn 1,253 tỷ USD. Năm đó tổng sản phẩm tăng 17,7%, sản xuất công nghiệp tăng 48%, tổng thu ngân sách chỉ đạt 817 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 363 triệu USD, GDP đầu người đạt 5,8 triệu đồng… Đến năm 2011, dù gặp đúng lúc khủng khoảng tài chính toàn cầu, kinh tế cả nước khó khăn, song tổng sản phẩm GDP Bình Dương vẫn tăng 14%, quy mô GDP gấp 6,5 lần năm 1997 với cơ cấu kinh tế: công nghiệp 62,2%, dịch vụ 33,7%, nông nghiệp 4,1%, GDP bình quân đầu người tăng 6,4 lần đạt 36,9 triệu đồng. Riêng giá trị sản xuất công nghiệp tăng 31 lần, đạt hơn 123.201 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 10,342 tỷ USD, thu ngân sách đạt 22,500 nghìn tỷ đồng… Quan trọng hơn là đời sống xã hội được nâng cao, chỉ còn dưới 1% số hộ nghèo theo tiêu chí T.Ư (nếu tính theo tiêu chí mới của tỉnh còn 2,58%), 92,2% số hộ được sử dụng điện, 96% số hộ dân có nước sạch, 100% số xã có đường nhựa đến trung tâm xã, 100% số xã có trạm truyền thanh, mạng viễn thông, in-tơ-nét… đối với Bình Dương là điều kỳ diệu được khơi nguồn từ lòng tự tin không hề ỷ lại. Hơn mười năm qua, Bình Dương biết tạo sức bật cho mình, coi đồng vốn của Nhà nước như một “cú hích”, “làm mồi” để khơi dậy các nguồn lực, thu hút đa dạng các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng hàng loạt công trình giao thông, bệnh viện, trường học, điện lưới, bưu chính – viễn thông, công trình thủy lợi, khu dân cư, khu vui chơi giải trí, du lịch, công trình văn hóa – lịch sử… Nhiều công trình được xây dựng theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó giai cấp công nhân, CBCNVC Bình Dương góp phần xứng đáng. Sự phát triển vượt bậc tới mức không chỉ ba thị xã Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An và các thị trấn mới là đô thị mà xã nào cũng mang dáng dấp đô thị hiện đại: đường nhựa rộng thênh thang, thẳng như kẻ chỉ. Hai bên đường mọc lên những ngôi nhà cao tầng: công sở nhà nước, trụ sở công ty, khu thương mại, nhà hàng, khách sạn, khu dân cư… cũng mái bằng, hình vòm, mái chóp, đủ kiểu Á-Âu, cũng ngựa xe như nước, dập dìu tài tử giai nhân… Thêm vào đó còn một thành phố Bình Dương mới hiện đại, sẽ là biểu trưng của TP Bình Dương CNH trực thuộc Trung ương trong tương lai. Nếu như năm 1996-1997, Bình Dương chỉ mới sơ khai hai KCN Sóng Thần, Việt Nam – Xin-ga-po thì nay Bình Dương đã có 28 KCN và tám cụm công nghiệp diện tích gần 10 nghìn ha thu hút hơn 13 nghìn dự án đầu tư trong nước và hơn 2.000 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn 91 nghìn tỷ đồng và hơn 14,580 tỷ USD, tăng 12 lần khi mới tái lập tỉnh bao gồm cả một vùng đất mênh mông: Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một, Bến Cát, Tân Uyên hòa làm một, không còn ranh giới đâu là nông thôn, đâu là thành thị… Kinh tế nông nghiệp chỉ còn tỷ trọng hơn 4% GDP, nhưng nông dân Bình Dương đã khác xa xưa, ngày càng gắn kết với phong cách cuộc sống công nghiệp, thoát thai hẳn tư duy lạc hậu sản xuất tự cung, tự cấp, đi lên làm ăn lớn, hướng vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu, cùng với giai cấp công nhân xây dựng nông thôn đô thị trên quê hương Bình Dương CNH, thân thiện môi trường…
Bản lĩnh của người Bình Dương biểu hiện rất rõ ở tâm lý không tự ti, ỷ lại mà coi chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước là “cơ hội vàng” để khẳng định mình. Những tên tuổi “nổi cồn” thời đổi mới có thể kể đến như: Becamex, Thanh Lễ, Công ty 3-2, Công ty Vật liệu xây dựng, Cao-su Dầu Tiếng, Gốm sứ Minh Long I, Cục Thuế, Bưu chính-Viễn thông, KCN VSIP, Mỹ Phước, Khu liên hợp CN-DV-ĐT, thành phố mới Bình Dương… Trong đó có sự đóng góp của hàng chục nghìn hộ dân đồng thuận hy sinh hàng chục nghìn ha vườn ruộng từng gắn bó với đời sống kinh tế, văn hóa của họ từ bao đời để Nhà nước có đất làm công nghiệp thật sự lớn lao. Những Anh hùng Lao động như Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Văn Hùng, Lý Ngọc Minh, Phạm Văn Khoa… và hàng trăm, hàng nghìn cá nhân tiên tiến xuất sắc, chiến sĩ thi đua… không chỉ là những nhà quản lý giỏi, tận tâm với công việc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với dân, với Đảng, mà còn là tấm gương cuốn hút lớp trẻ say mê học tập, nghiên cứu khoa học, sống có trách nhiệm với công việc, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Từ đó tạo dựng nên hàng trăm, hàng nghìn điển hình tiên tiến, trăm hoa đua nở chiến công, góp phần quan trọng cho “sức bật” Bình Dương trở thành thương hiệu CNH thời đổi mới.
Trách nhiệm của người mở “chìa khóa vàng”
Hơn 20 năm đổi mới, Bình Dương xây dựng và phát triển, so với lịch sử chỉ là gang tấc thời gian. Mới hôm qua, nhiều vùng đất Bình Dương còn là “xóm núi” nay đã là thị tứ, thị trấn, thị xã. Con cháu của những phu phen ngày nào bây giờ đi làm đã bằng xe gắn máy, ô-tô. Họ thật sự kiêu hãnh về cung cách làm ăn hiệu quả của mình, tạo nên những khu du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc gia, quốc tế, những trường đại học, trường phổ thông, bệnh viện… hiện đại mọc lên ngày càng nhiều. Tất cả tạo ra “lưng vốn” để Bình Dương đi vào hội nhập. “Ngày mai bắt đầu từ hôm nay” là vậy ! Song sẽ là ấu trĩ, chủ quan nếu chỉ say sưa với thành tựu đổi mới, mà không khách quan đánh giá đúng giá trị bài học thực tiễn từ đổi mới chỉ ra. Người Bình Dương CNH, hơn ai hết hiểu rất rõ đói nghèo luôn là lực cản của sự phát triển. Với “Tầm nhìn mở” và không hề tự ái, Bình Dương luôn tự đặt câu hỏi với mình, hơn 20 năm đổi mới đã làm được những gì, còn gì làm chưa tốt?
Tại lễ kỷ niệm 15 năm tái lập tỉnh và Tết doanh nghiệp Bình Dương 2012, đồng chí Mai Thế Trung, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Thành tựu 15 năm phát trển kinh tế – xã hội tỉnh Bình Dương là tiền đề và điều kiện để tỉnh phát triển bền vững cho thời kỳ mới với những đột phá quan trọng: Phát trỉển các ngành dịch vụ có chất lượng cao, gắn với phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Đầu tư xây dựng khu đô thị thành phố mới, trung tâm chính trị hành chính tập trung của tỉnh gắn với nâng cấp chỉnh trang đô thị Thủ Dầu Một và các đô thị vệ tinh thị xã Thuận An, Dĩ An theo hướng hiện đại, văn minh, sạch đẹp và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Huy động mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế, đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình mang tính động lực. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học – kỹ thuật và công nhân lao động…
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, tất nhiên là cả núi công việc mà Bình Dương phải phấn đấu. Cùng suy ngẫm với cán bộ, đảng viên, nhân dân Bình Dương, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng: Sau thành tựu 15 năm, thời gian tới với Bình Dương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thời kỳ mà Đảng bộ, nhân dân Bình Dương phải phát huy thành quả đạt được, phân tích đánh giá, xác định nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục những hạn chế, tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp và các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để thực hiện mục tiêu CNH, HĐH và đô thị hóa. Gắn phát triển kinh tế nhanh, bền vững với đổi mới tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, phát triển công nghiệp nhanh nhưng phải chọn lọc, thu hút công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến, ít ô nhiễm môi trường, có giá trị gia tăng lớn. Tạo bước phát triển nhanh về dịch vụ theo hướng chất lượng cao, phát triển nông nghiệp đô thị, sản xuất hàng hóa công nghệ. Phát triển kinh tế phải gắn liền với công bằng xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, giảm nghèo và thoát nghèo bền vững, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân. Muốn vậy phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số cạnh tranh, kiện toàn hệ thống chính trị vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự – an toàn xã hội…
Với Bình Dương, các Nghị quyết của Đại hội Đảng đang đi vào cuộc sống. Bởi lẽ, trách nhiệm đã thấm vào máu thịt người Bình Dương, cán bộ, đảng viên luôn xứng đáng với tầm nhìn xa trông rộng, cống hiến hết mình cho đất nước và làm tròn sứ mạng tìm chìa khóa giải mã bài toán phát triển Bình Dương thế kỷ 21. Thật đáng mừng, Bình Dương sau 15 năm phát triển đã khẳng định được thương hiệu và sức mạnh vươn ra biển lớn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()