Bình Ðịnh trên hành trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Bình Định là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền trung đã và đang có bước chuyển mình mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Đặc biệt, trong năm năm gần đây, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 17 của Đảng bộ tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng, tạo tiền đề tương đối vững chắc cho sự phát triển trong những năm tiếp theo.Từ ngày 26 đến 28-10, Bình Định tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, đặt ra nhiệm vụ cho năm năm 2011 - 2015 là tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo tiền đề để đến năm 2020 Bình Định cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.Trong năm năm qua, Đảng bộ Bình Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương phát huy tinh thần tự lực tự cường, năng động sáng tạo vượt khó đi lên; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ có hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài để đạt được các thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, một số...
Từ ngày 26 đến 28-10, Bình Định tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, đặt ra nhiệm vụ cho năm năm 2011 – 2015 là tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo tiền đề để đến năm 2020 Bình Định cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.
Trong năm năm qua, Đảng bộ Bình Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương phát huy tinh thần tự lực tự cường, năng động sáng tạo vượt khó đi lên; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ có hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài để đạt được các thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, một số mặt có tính đột phá.
Về phát triển kinh tế, đã có sự tăng trưởng liên tục, tốc độ tăng tổng sản phẩm địa phương (GDP) bình quân năm năm đạt 10,9%. Cơ cấu lao động xã hội có bước chuyển dịch theo hướng giảm dần trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và tăng trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.
Điểm nổi bật là tỉnh đã đẩy mạnh quy hoạch phát triển và tập trung xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư trong nước và ngoài nước. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành bốn khu công nghiệp, thu hút hàng trăm dự án đầu tư từ nguồn vốn trong và ngoài nước.
Đặc biệt, để tạo nên sự đột phá cho phát triển kinh tế của địa phương, tỉnh đã nỗ lực đầu tư hình thành Khu kinh tế Nhơn Hội. Hiện nay, công tác đầu tư hạ tầng và xúc tiến đầu tư đang được tiến hành đồng thời với quyết tâm cao. Đã có 32 dự án đăng ký đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội với tổng vốn đầu tư hơn 32.400 tỷ đồng; trong đó, có bảy dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 495,5 triệu USD. Trong khu kinh tế đã hình thành ba khu công nghiệp và một khu phi thuế quan đang được đầu tư xây dựng hạ tầng; một số dự án công nghiệp đã được triển khai xây dựng, bắt đầu đi vào hoạt động.
Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa. Tỉnh tập trung chỉ đạo có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất; phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến. Đã từng bước thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, hình thành các thị trấn, thị tứ tại các vùng nông thôn.
Các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, tài chính tiếp tục phát triển, ngày càng mở rộng, sự hợp tác với các địa phương trong cả nước và hội nhập quốc tế ngày càng được đẩy mạnh.
Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội tiếp tục được tăng cường và phát huy hiệu quả tích cực. Tổng vốn đầu tư huy động trên địa bàn trong 5 năm đạt hơn 37.837 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng bình quân 40,3% GDP, tốc độ tăng bình quân 19,3%/năm, gấp 2,63 lần tổng vốn đầu tư của 5 năm trước. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng quan trọng như: cầu đường Quy Nhơn – Nhơn Hội, hồ thủy lợi – thủy điện Định Bình, đường ven biển Xuân Diệu, đường Gò Găng – Cát Tiến, đường Nhơn Hội – Tam Quan… đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả kinh tế – xã hội rất tích cực.
Chất lượng giáo dục có chuyển biến tiến bộ. Các bậc học phổ thông được đầu tư về mọi mặt để nâng cao chất lượng theo hướng chuẩn hóa. Hệ thống các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trên địa bàn được củng cố và mở rộng theo hướng đa dạng hóa các loại hình đào tạo, góp phần quan trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương. Hoạt động khoa học – công nghệ từng bước phát huy hiệu quả đối với phát triển kinh tế – xã hội. Hoạt động y tế có nhiều tiến bộ. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, tăng cường. Đến cuối năm 2009, có 134/159 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia (đạt 84,3%), 144/159 trạm y tế xã có bác sĩ.
Việc giải quyết các vấn đề xã hội đạt được kết quả tích cực. Trong 5 năm đã giải quyết việc làm cho 120 nghìn lao động, tỷ lệ người thất nghiệp giảm 3,57% so với đầu nhiệm kỳ; công tác xóa đói, giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,3%. Đến cuối năm 2009, tỉnh đã cơ bản hoàn thành kế hoạch hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhà ở đơn sơ. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nhìn chung đời sống của phần lớn nhân dân trong tỉnh ổn định, một bộ phận được cải thiện.
Công tác quốc phòng, an ninh ngày càng được củng cố vững mạnh, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội.
Công tác xây dựng Đảng, hoạt động của hệ thống chính trị có nhiều bước tiến quan trọng. Công tác củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên đạt được kết quả tích cực. Số tổ chức cơ sở đảng tăng 10,8%, tổng số đảng viên tăng 14,5%. Hệ thống chính quyền các cấp tiếp tục được củng cố, kiện toàn; cải cách hành chính tiếp tục được triển khai mạnh mẽ trên các lĩnh vực. Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở được đẩy mạnh và bảo đảm tốt hơn.
Những thành tựu nổi bật nhiệm kỳ qua tạo tiền đề cho Đảng bộ và nhân dân Bình Định tập trung nỗ lực phát triển nhanh và vững chắc về mọi mặt trong thời gian tới.
Đảng bộ tỉnh Bình Định xác định phương hướng, mục tiêu phát triển cho giai đoạn 2011 – 2015 là: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết toàn dân; phát huy nội lực, tranh thủ tối đa các nguồn ngoại lực; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tích cực thu hút đầu tư, liên kết, hợp tác với các địa phương, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH tỉnh, trong đó tập trung phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, hiệu quả và bền vững; tạo tiền đề để đến năm 2020, Bình Định cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.
Các chỉ tiêu chủ yếu bao gồm: tổng sản phẩm địa phương bình quân hằng năm tăng 13% – 14%. Trong đó, nông-lâm-ngư nghiệp tăng 6,5%; công nghiệp – xây dựng tăng 19,6% (riêng công nghiệp tăng 20,7%); dịch vụ tăng 12,7%. Cơ cấu kinh tế năm 2015 là: nông-lâm-ngư nghiệp 26,2%; công nghiệp – xây dựng 36,1%; dịch vụ 37,7%. Cơ cấu lao động xã hội: nông-lâm-ngư nghiệp 52%; công nghiệp – xây dựng 26%; dịch vụ 23%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 2.700 triệu USD. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 43% GDP. Mỗi năm tạo việc làm mới cho 25.000 – 30.000 lao động. Phấn đấu mỗi năm giảm từ 1,5% đến 2% số hộ nghèo (theo tiêu chí mới). Đến năm 2015, GDP bình quân đầu người đạt hơn 2.000 USD. Tổng thu ngân sách đạt 5.500 tỷ đồng; phấn đấu đủ chi thường xuyên và chừng mức có dư cho đầu tư phát triển…
Để đạt được các chỉ tiêu đã đề ra, trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng phát huy các lợi thế: cụm cảng Quy Nhơn (gồm cảng Quy Nhơn và cảng Thị Nại đang được đầu tư nâng cấp mở rộng và cảng Nhơn Hội sắp được đầu tư xây dựng). Đây là đầu mối giao thương hàng hải quan trọng của khu vực ven biển Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, hạ Lào, đông bắc Cam-pu-chia và Thái-lan. Phấn đấu nâng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng này từ gần năm triệu tấn/năm (hiện nay), lên gấp hai đến ba lần trong 5 năm tới; đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, khách du lịch và hành khách trong và ngoài tỉnh. Sân bay Phù Cát sẽ tiếp tục được đầu tư nâng cấp, trang bị hệ thống thiết bị đồng bộ và hiện đại, thực hiện bay đêm, để gia tăng tần suất bay đến Bình Định từ cả Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các thành phố lớn trong và ngoài nước, sớm đưa sân bay này thành sân bay quốc tế. Ga Diêu Trì sẽ tiếp tục được đầu tư mở rộng, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa ngày càng lớn của Bình Định và khu vực…
Tập trung phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, tiếp tục tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của địa phương. Cụ thể là phấn đấu đưa công nghiệp phát triển nhanh hơn nữa dựa trên các lợi thế về chế biến thủy sản, nông-lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng và một số ngành khác. Phát triển công nghiệp khoáng sản theo hướng chế biến sâu đi liền với bảo vệ môi trường. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã và đang triển khai. Tập trung phát triển Khu Kinh tế Nhơn Hội nhằm tạo bước đột phá quan trọng cho sự phát triển kinh tế của tỉnh thông qua các dự án đầu tư quan trọng đã được Chính phủ phê duyệt như nhà máy lọc, hóa dầu, các dự án trong các khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch trong Khu Kinh tế Nhơn Hội. Lấp đầy các dự án của các Khu Công nghiệp Nhơn Hòa (huyện An Nhơn), Khu công nghiệp Hòa Hội (huyện Phù Cát)… Tập trung triển khai đồng bộ các dự án du lịch ven biển đã được phê duyệt. Tăng cường phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương như: tuồng, dân ca bài chòi, võ cổ truyền… Phát triển nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH gắn với giải quyết tốt vấn đề nông thôn, nông dân. Đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả hoạt động các lĩnh vực thương mại – dịch vụ, du lịch. Tích cực huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Phát triển hài hòa các vùng đô thị và nông thôn trên cơ sở phù hợp với đặc điểm của từng vùng nhằm phát huy tốt các lợi thế và nâng cao hiệu quả đầu tư. Thực hiện tốt chính sách đầu tư, khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế và liên kết hợp tác phát triển.
Đồng thời với phát triển kinh tế, tỉnh tập trung phát triển giáo dục – đào tạo; khoa học – công nghệ và bảo vệ môi trường, tạo bước chuyển biến về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ các yêu cầu phát triển. Tăng cường đầu tư cho giáo dục phổ thông, đào tạo bậc cao và đào tạo nghề. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất và đời sống. Tăng cường bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, chú trọng công tác bảo vệ rừng đầu nguồn.
Trong phát triển văn hóa – xã hội, tập trung chăm lo phát triển sự nghiệp văn hóa, thông tin – truyền thông, thể dục – thể thao nhằm xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội như xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, đào tạo nghề. Làm tốt công tác 'Đền ơn đáp nghĩa', hỗ trợ các đối tượng xã hội…
Tập trung xây dựng hệ thống chính trị của địa phương ngày càng vững mạnh toàn diện; nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng chính quyền vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, kiện toàn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân cho sự phát triển của quê hương Bình Định.
Với truyền thống yêu nước và cách mạng, với niềm tự hào là quê hương của người Anh hùng 'Áo vải cờ đào' Quang Trung – Nguyễn Huệ, Đảng bộ và nhân dân Bình Định quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa tỉnh Bình Định cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020.
Theo Nhandan
Ý kiến ()