Bình Ðịnh tìm lối ra cho ngành chế biến gỗ
Công ty cổ phần chế biến gỗ nội thất PISICO là một trong rất ít doanh nghiệp đã chuyển hướng sản xuất gỗ nội thất thành công. Với gần 160 doanh nghiệp (DN), hơn 25 nghìn lao động hoạt động trong lĩnh vực này, nhưng hiện nay, DN chế biến gỗ xuất khẩu tại Bình Định đang gặp khó khăn, nhiều lao động đối mặt với nguy cơ thất nghiệp. Các ngành chức năng ở Bình Định đang nỗ lực tìm lối ra cho ngành sản xuất được xem là thế mạnh của tỉnh.Từ năm 2006 đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Bình Định đạt hơn 1,085 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 16%/năm, chiếm tỷ trọng 61% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Hai năm gần đây, do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu ở Bình Định hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả, một số đã phá sản.Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA) Nguyễn An Điềm cho biết: "Ngành gỗ Bình Định đang gặp khó khăn về đầu ra. Nguyên nhân chính là do...
Công ty cổ phần chế biến gỗ nội thất PISICO là một trong rất ít doanh nghiệp đã chuyển hướng sản xuất gỗ nội thất thành công. |
Từ năm 2006 đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Bình Định đạt hơn 1,085 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 16%/năm, chiếm tỷ trọng 61% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Hai năm gần đây, do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu ở Bình Định hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả, một số đã phá sản.
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA) Nguyễn An Điềm cho biết: “Ngành gỗ Bình Định đang gặp khó khăn về đầu ra. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng tình trạng nợ công tại châu Âu (thị trường chính của ngành chế biến gỗ trong nước) và chính sách thắt chặt chi tiêu của chính phủ các nước này. Thêm vào đó, hoạt động của các DN trong nước bị ảnh hưởng bởi khó khăn chung của nền kinh tế, cho nên giá nguyên liệu đầu vào tăng tới 40% trong khi đầu ra thì gần như chững lại. Tính đến tháng 4-2012, chi phí xuất khẩu hàng hóa bình quân một công-ten-nơ 40 feet tăng 55% so với cuối năm 2011. Trong đó, nguyên liệu tăng gần 10%, phí vận chuyển trong nước tăng 33%, vận chuyển quốc tế tăng 68%… Lãi suất ngân hàng dù đã hạ chút ít nhưng vẫn còn cao, trong khi lợi nhuận của ngành gỗ thấp cho nên nhiều DN không dám vay vốn để sản xuất, kinh doanh vì không bảo đảm trả lãi vay ngân hàng. Đến cuối năm 2011, tổng số nợ xấu, mất khả năng thanh toán của các DN ở Bình Định lên tới 350 tỷ đồng.
Ngành chế biến gỗ Bình Định cũng đang đứng trước những thách thức lớn: Nguồn nguyên liệu gỗ cứng từ rừng tự nhiên nhập khẩu ngày càng khan hiếm, giá đầu vào tăng cao. Thị trường thế giới có xu hướng thay thế gỗ cứng từ rừng tự nhiên bằng gỗ mềm từ rừng trồng, đòi hỏi phải đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ mới đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm.
Một hạn chế lớn đối với đa phần các DN chế biến gỗ ở Bình Định là hầu hết chưa chú trọng tổ chức nghiên cứu thiết kế mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, mà chủ yếu sản xuất theo mẫu đặt hàng của khách hàng. Điều này vô tình tạo cho khách hàng chủ động khống chế giá. Bên cạnh đó, phần lớn các DN chưa quan tâm đến việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, chưa đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ. Sản phẩm đồ gỗ ngoại thất chiếm tới 94% kim ngạch xuất khẩu gỗ của tỉnh Bình Định và thị trường chủ yếu là châu Âu.
Theo ông Điềm: “Mặt hàng đồ gỗ ngoài trời chừng như đã bão hòa trên thị trường thế giới, mức lợi nhuận không còn hấp dẫn như trước. Theo xu thế tất yếu, mặt hàng gỗ nội thất đang phát triển mạnh, nhưng thị phần đồ gỗ nội thất của Việt Nam trên thị trường thế giới còn rất thấp. Muốn tồn tại, các DN chỉ còn cách chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm gỗ nội thất và chú trọng hơn đến thị trường trong nước”.
Cũng theo ông Nguyễn An Điềm: Trong năm 2011, số DN gỗ hoạt động có lãi chỉ khoảng 15%, hơn 50% bị lỗ, thậm chí đang đứng trên bờ vực phá sản. Trong thời gian tới, các DN chế biến gỗ xuất khẩu sẽ tiếp tục gặp khó khăn do lương cơ bản tăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ áp dụng thuế và hạn ngạch xuất khẩu dăm, gỗ, Nhà nước hạn chế không cho DN vay ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu gỗ, chi phí vận chuyển tăng… Một số DN đã tuyên bố phá sản, một số khác thì chuyển hướng sang kinh doanh các ngành du lịch, khai khoáng, chế biến dăm nguyên liệu giấy… Riêng đối với các DN còn hoạt động thì phần lớn đang thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng và nhận ít đơn hàng hơn so với năm 2011. Thực tế này đã gây sức ép lớn đến tình trạng thất nghiệp của công nhân ngành gỗ, vì hầu hết các DN đã “cạn” đơn hàng từ tháng 2 và phải đến tháng 7 mới có đơn hàng mới. Chưa kể đến số lượng công nhân của các DN ngoài hiệp hội, hiện có hơn 25 nghìn lao động của 83 DN trong FPA Bình Định đang trong tình trạng lao đao vì hết việc làm. Tính đến cuối tháng 4-2012, giá trị xuất khẩu ngành gỗ ở Bình Định mới chỉ đạt khoảng 88 triệu USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích các DN phát triển trên lĩnh vực chế biến gỗ xuất khẩu (CBGXK). Các DN được hưởng các chính sách hỗ trợ đầu tư về giá thuê đất, thuế, tín dụng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại. Tỉnh đã hình thành các khu công nghiệp tập trung, như: Khu công nghiệp Phú Tài, Long Mỹ (TP Quy Nhơn), Khu chế biến lâm sản Nhơn Hòa (An Nhơn); các địa phương cũng đã xây dựng các cụm công nghiệp và tạo mọi điều kiện thuận lợi để bố trí đất đai cho các DN đầu tư xây dựng cơ sở chế biến gỗ với thời gian giải quyết hồ sơ thuê đất nhanh chóng. Ngành chức năng trong tỉnh cũng đã thực hiện mạnh mẽ công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt phiền hà, sách nhiễu, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN CBGXK.
Các DN cần xây dựng chiến lược phát triển toàn diện và tập trung, hướng tới thị trường trong nước để phát triển bền vững. Chuyển dần sản xuất sản phẩm ngoài trời sang sản phẩm nội thất nhằm tăng giá trị sản xuất, giảm tiêu hao nguyên liệu trên cơ sở đổi mới thiết bị công nghệ phù hợp, nhằm giảm thiểu rủi ro từ các thị trường xuất khẩu và tìm kiếm cơ hội kinh doanh từ thị trường trong nước. Tổ chức đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề để đáp ứng đủ số lượng và chất lượng bảo đảm có việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Các DN cần chủ động quản lý sản xuất theo hướng chuyên môn cao, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành. Đẩy mạnh việc thâm nhập các thị trường theo hiệp định khu vực mậu dịch tự do (FTA) để tận dụng các ưu đãi về thuế và mở cửa thị trường. Các DN chế biến gỗ cùng với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư, trồng rừng nguyên liệu để có nguồn gỗ ổn định. Cần giảm dần lượng gỗ nhập khẩu, tăng dần việc sử dụng gỗ trong nước. Nghiên cứu xây dựng thí điểm trung tâm giao dịch gỗ tại Việt Nam. Tỉnh cũng cần phải xây dựng Hiệp hội sản xuất, XNK gỗ và lâm sản đủ mạnh, thật sự làm chỗ dựa cho các DN thành viên. Về phía DN cần phải xây dựng một chiến lược phát triển toàn diện và tập trung khắc phục những nhược điểm, hạn chế trong thời gian qua.
Ngành gỗ là ngành có lợi thế cạnh tranh cao, do đó Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng cho DN chế biến gỗ vay vốn với lãi suất ổn định trong thời gian dài; thống nhất giá bán, mua ngoại tệ; có đủ nguồn vốn vay theo yêu cầu của DN. Đối với các chính sách thuế, Nhà nước cần xem xét giảm dần thuế tài nguyên đối với nguồn gỗ khai thác trong nước; cần quy hoạch trồng rừng một cách vững chắc, tổ chức trồng rừng kinh doanh, chú trọng công tác theo hướng chuyên canh bảo đảm chất lượng và số lượng cho công nghiệp chế biến. Hỗ trợ phát triển một số DN đầu đàn, đưa công nghệ mới cùng với việc nghiên cứu chế tác nhiều mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu của khách hàng, để thu hút khách hàng và mở rộng thị trường. Điều cần thiết hiện nay đối với mỗi DN gỗ là phải tích lũy vốn, từng bước giảm dần tỷ trọng vốn vay trong nguồn vốn, tập trung đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất lao động. Đồng thời, đầu tư đúng mức đối với công tác thiết kế mẫu mã, phát triển những tiện ích, chức năng mới cho sản phẩm, dịch vụ phù hợp thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng châu Âu và Mỹ.
VỀ lâu dài, các DN cần thực hiện chuyên môn hóa và sản xuất hàng loạt, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm đồ gỗ; tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng và hệ thống điều hành ngành chế biến đồ gỗ; thực hiện chiến lược thương hiệu cao cấp và tạo lợi thế DN… Nếu các DN quyết tâm đồng loạt triển khai những giải pháp nêu trên, hy vọng từ ba đến năm năm tới, cơ cấu sản phẩm gỗ Bình Định sẽ có sự chuyển biến tích cực, hợp lý và hiệu quả hơn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()