Năm 2011, hoạt động xuất khẩu của Bình Định tuy chưa hoàn thành mục tiêu đề ra, nhưng đánh dấu một cuộc bứt phá. Hàng hóa của Bình Định đã xuất khẩu sang 84 nước và vùng lãnh thổ, trong đó, châu Á - 26 nước, đạt 210 triệu USD, tăng 23,5%; châu Âu - 31 nước, đạt 182 triệu USD; châu Mỹ - 13 nước, đạt 18 triệu USD...Chế biến đá gra-nít xuất khẩu ở Công ty Sông Kon, tỉnh Bình ĐịnhThách thức mớiTình hình hoạt động xuất khẩu năm 2011 của tỉnh Bình Định diễn ra trong khi nền kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp khó lường. Trong nước, tác động rõ nhất là tình hình lạm phát, mặt bằng lãi suất cao, giá cả nguyên, nhiên, vật liệu và nhiều loại hàng hóa biến động tăng. Trên thị trường thế giới, những rào cản mới về kỹ thuật, môi trường trong thương mại quốc tế đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu. Hầu hết các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bình Định lại là DN vừa và nhỏ.Đặc trưng của mô hình DN này là thiếu vốn dẫn...
Năm 2011, hoạt động xuất khẩu của Bình Định tuy chưa hoàn thành mục tiêu đề ra, nhưng đánh dấu một cuộc bứt phá. Hàng hóa của Bình Định đã xuất khẩu sang 84 nước và vùng lãnh thổ, trong đó, châu Á – 26 nước, đạt 210 triệu USD, tăng 23,5%; châu Âu – 31 nước, đạt 182 triệu USD; châu Mỹ – 13 nước, đạt 18 triệu USD…
Chế biến đá gra-nít xuất khẩu ở Công ty Sông Kon, tỉnh Bình Định
Thách thức mới
Tình hình hoạt động xuất khẩu năm 2011 của tỉnh Bình Định diễn ra trong khi nền kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp khó lường. Trong nước, tác động rõ nhất là tình hình lạm phát, mặt bằng lãi suất cao, giá cả nguyên, nhiên, vật liệu và nhiều loại hàng hóa biến động tăng. Trên thị trường thế giới, những rào cản mới về kỹ thuật, môi trường trong thương mại quốc tế đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu. Hầu hết các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bình Định lại là DN vừa và nhỏ.
Đặc trưng của mô hình DN này là thiếu vốn dẫn đến ba cái chậm: chậm cơ cấu lại mặt hàng xuất khẩu; chậm đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất; chậm xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9000, HACCP… Do vậy, sức cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của Bình Định trên thị trường xuất khẩu thấp. Mặt khác, trong các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Bình Định thì mặt hàng gỗ tinh chế các loại chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu, và chủ yếu là sản phẩm gỗ tinh chế ngoại thất (chiếm 94%), trong khi thị trường nhập khẩu chính là châu Âu lại khó khăn do gặp khủng hoảng tài chính.
Trước tình hình đó, với sự tham mưu của Sở Công thương và chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Bình Định, sự hỗ trợ của trung ương và địa phương, nhất là ngành điện, ngành ngân hàng, các DN xuất khẩu Bình Định đã làm cuộc bứt phá để về đích năm 2011. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 thực hiện 440,2 triệu USD, đạt 95,7% kế hoạch năm, tăng 3% so với năm 2010. Trong đó: nhóm hàng nông sản đạt 82 triệu USD, tăng 18,4%; nhóm lâm sản đạt 249,2 triệu USD, giảm 6,4%; nhóm hải sản đạt 39 triệu USD, giảm 7,1%; nhóm khoáng sản và vật liệu xây dựng đạt 42 triệu USD, tăng 47%; nhóm hàng công nghiệp tiêu dùng, chế biến 28 triệu USD, tăng 31,7% so với năm 2010.
Chìa khóa cho xuất khẩu năm 2012
Nhìn vào hoạt động xuất khẩu năm 2012 con đường vẫn còn nhiều khó khăn do kinh tế thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, những rào cản kỹ thuật, tài chính mới xuất hiện. Ở trong nước, kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, sức cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của Bình Định vẫn trong tình trạng bị động về vốn, giá đầu vào biến động tăng, mẫu mã, dây chuyền thiết bị và nhân lực tay nghề cao… Bên cạnh đó, những thách thức mới cũng có khả năng xuất hiện sớm như: tình hình hạn hán thiên tai, nguy cơ giảm sản lượng nhiều loại hàng nông sản, thủy sản.
Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2012 của Bình Định là 480 triệu USD, tăng 9,1% so với năm 2011. Chìa khóa “đầu tiên” để đạt mục tiêu này vẫn là tháo gỡ khó khăn về vốn. Bình Định cần tiến hành thực hiện tốt các chính sách tài chính, tiền tệ theo Nghị định 75/2011/NĐ-CP, ngày 30-8-2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước; có chính sách hỗ trợ các DN chế biến gỗ, thủy sản trên địa bàn giảm lãi suất vay vốn để mua nguyên liệu. Tiếp đến là sử dụng nội lực từ các DN trong đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ và đa dạng hóa mặt hàng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu, nhất là những mặt hàng trái vụ, mặt hàng gỗ nội thất, xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa… Tập trung khai thác những mặt hàng có ưu thế cạnh tranh của địa phương, hàm lượng giá trị gia tăng như: đá gra-nít, ti-tan tinh luyện, may mặc, sắn lát, dăm gỗ bạch đàn, thủy sản…
Mặt khác, Bình Định cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng tầm nhìn vào thị trường thế giới, phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng của địa phương, câu lạc bộ DN trẻ, các hiệp hội ngành hàng của tỉnh liên kết với các hiệp hội của trung ương để nhận được hỗ trợ và tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia; vận động DN tham gia vào các Cổng thông tin thương mại điện tử quốc gia, Sàn giao dịch thương mại điện tử chuyên ngành đồ gỗ Bình Định.
Theo Nhandan
Ý kiến ()