Bình Ðịnh phát triển nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản
Bình Định là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ có bờ biển dài hơn 134 km, với nhiều tiềm năng để xây dựng và phát triển cảng biển quốc tế quy mô lớn.Đặc biệt nghề đánh bắt thủy sản ở Bình Định đã có truyền thống từ lâu đời; đang từng bước hiện đại hóa. Nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) tại các đầm phá nước lợ và trên biển như nuôi tôm hùm, trồng rong sụn cũng đang phát triển mạnh.Khai thác thế mạnh sẵn cóTrong những năm qua, nghề cá ở Bình Định luôn giữ vững nhịp độ tăng trưởng cao, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh quốc phòng trên biển. Với hơn 50.700 lao động đánh cá và hơn 11.000 lao động nuôi trồng, nghề khai thác thủy sản liên tục phát triển cả về số lượng tàu thuyền, quy mô công suất và sản lượng đánh bắt. Những năm gần đây, Bình Định phát triển loại tàu có công suất từ 90 CV trở lên, từng bước hiện đại hóa trang, thiết bị đáp ứng yêu cầu đánh bắt xa bờ và bảo...
Đặc biệt nghề đánh bắt thủy sản ở Bình Định đã có truyền thống từ lâu đời; đang từng bước hiện đại hóa. Nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) tại các đầm phá nước lợ và trên biển như nuôi tôm hùm, trồng rong sụn cũng đang phát triển mạnh.
Khai thác thế mạnh sẵn có
Trong những năm qua, nghề cá ở Bình Định luôn giữ vững nhịp độ tăng trưởng cao, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ an ninh quốc phòng trên biển. Với hơn 50.700 lao động đánh cá và hơn 11.000 lao động nuôi trồng, nghề khai thác thủy sản liên tục phát triển cả về số lượng tàu thuyền, quy mô công suất và sản lượng đánh bắt.
Những năm gần đây, Bình Định phát triển loại tàu có công suất từ 90 CV trở lên, từng bước hiện đại hóa trang, thiết bị đáp ứng yêu cầu đánh bắt xa bờ và bảo đảm an toàn trên biển. Năm 2010, toàn tỉnh có 7.809 tàu, tổng công suất đạt 375.970 CV; công suất tàu cơ giới bình quân: 48 CV/tàu, tăng 24,6% so với cùng kỳ. Trong đó, số tàu khai thác biển có 6.958 chiếc, công suất 347.476 CV; số tàu thuyền đánh bắt xa bờ có 3.827 chiếc, tổng công suất đạt 265.566 CV, tăng 23,8% so với năm 2009. Nhóm tàu công suất lớn hơn 90 CV có 932 chiếc. Nhờ vậy sản lượng khai thác năm 2010 đạt 138.043 tấn, tăng gần 10% so cùng kỳ năm 2009. Hoạt động đánh bắt xa bờ ngày càng hiệu quả. Hiện nay, tỉnh đã và đang khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn khai thác xa bờ, nhất là câu cá ngừ đại dương xuất khẩu, nhằm đưa nghề khai thác cá ngừ đại dương trở thành nghề sản xuất chủ lực, đồng thời phát triển nghề cá một cách bền vững.
Nuôi trồng thủy sản của Bình Định trong những năm gần đây cũng phát triển nhanh cả về quy mô và hiệu quả, trên tất cả các vùng nước ngọt, lợ, mặn và lan nhanh cả ở vùng miền núi, trung du và ven biển, trong đó tập trung nuôi thủy sản xuất khẩu và có giá trị kinh tế cao.
Sản xuất tôm giống năm 2010 đạt 3.260 triệu con, trong đó thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3.027 triệu con tôm giống chất lượng cao. Năm 2010, tổng diện tích mặt nước đưa vào nuôi trồng thủy sản đạt 4.741 ha, diện tích nuôi thủy sản nước lợ: 2.457 ha; diện tích nuôi nước ngọt toàn tỉnh 2.284 ha. Trong đó có 2.283 ha mặt nước được đưa vào nuôi tôm. Nhờ thực hiện nghiêm lịch thời vụ, kiểm dịch tôm giống, nhân rộng mô hình nuôi tôm cộng đồng… hầu hết các địa phương đã khắc phục được tình trạng dịch bệnh tôm nuôi. Hầu hết ở các huyện ven biển, sản lượng nuôi trồng đều tăng cao qua từng năm. Sản lượng nuôi tôm nước lợ toàn tỉnh đạt 5.971 tấn, tăng 16% so với cùng kỳ. Tính riêng sản lượng tôm thẻ chân trắng toàn tỉnh đạt 5.198 tấn, năng suất tôm thẻ đạt bình quân 10,5 tấn/ha, trong đó huyện Phù Mỹ đạt 11,7 tấn/ha.
Trong thời gian qua, cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng, dịch vụ nghề cá ở Bình Định ngày càng phát triển và từng bước được hoàn thiện. Cảng cá, chợ cá, khu trú đậu tàu thuyền, cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, hệ thống trung tâm sản xuất giống, kiểm dịch thú y thủy sản, quan trắc môi trường… với tổng giá trị đầu tư hàng trăm tỷ đồng, huy động từ nhiều nguồn vốn, đang được đầu tư xây dựng và hoạt động ngày càng có hiệu quả. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến được thực hiện thành công. Trong những năm gần đây, cả nuôi trồng, khai thác, chế biến và xuất khẩu thủy sản ở Bình Định đều có bước phát triển tương đối toàn diện.
Triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản giai đoạn 2006-2010 và tầm nhìn đến năm 2020, bước đầu tỉnh đã hình thành được các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, các trung tâm sản xuất giống thủy sản nước ngọt, nước lợ; các khu chế biến thủy sản tập trung. Ngoài ra, việc tăng cường công tác quản lý thông tin, tìm kiếm cứu nạn tàu cá trên biển luôn được tỉnh quan tâm, góp phần bảo đảm an toàn cho ngư dân an tâm sản xuất và hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Mở rộng đánh bắt xa bờ
Tuy nhiên, hiện nay nghề cá của tỉnh cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức do nguồn thủy sản ven bờ ngày càng giảm sút và cạn kiệt, giá xăng, dầu tăng làm chi phí sản xuất tăng cao, cơ sở hạ tầng dịch vụ nghề cá còn kém…; công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn nhiều khó khăn bất cập; tình trạng sử dụng nghề cấm, đặc biệt đối với xung điện, xiếc máy vẫn tái diễn, giải quyết chưa triệt để; Việc giảm số lượng tàu và chuyển đổi nghề nghiệp cho tàu thuyền nhỏ khai thác ven bờ còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi nhiều vùng nuôi trồng thủy sản vẫn còn yếu kém, môi trường bị ô nhiễm. Phát triển nuôi biển còn chậm, thời gian qua, các dự án hợp tác đầu tư tại tỉnh trên lĩnh vực nuôi biển còn vướng về khâu bố trí diện tích đất, mặt nước cho các dự án…
Khắc phục những hạn chế này, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp. Trong đó, tiếp tục khuyến khích ngư dân phát triển loại tàu có công suất hơn 90 CV; nâng cấp, cải hoán tàu thuyền, hiện đại hóa trang thiết bị để đẩy mạnh đánh bắt xa bờ và bảo đảm an toàn trên biển.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao phối hợp UBND các huyện, thành phố ven biển nhân rộng các loại hình hợp tác sản xuất phù hợp và có hiệu quả. Đó là các tổ đoàn kết hỗ trợ nhau trong sản xuất và phòng, chống thiên tai, rủi ro trên biển, tổ đoàn kết hợp tác trong đánh bắt và vận chuyển tiêu thụ sản phẩm…; tổ chức kiêm nghề, chuyển nghề khai thác hải sản để giúp ngư dân ổn định và phát triển sản xuất, khắc phục những khó khăn do giá dầu tăng cao. Tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị; mua sắm thiết bị phân loại, phân cỡ ; đầu tư tủ cấp đông nhanh, kho lạnh… Trong đó tập trung đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản tại khu Kinh tế Nhơn Hội công suất 3.000 tấn/năm. Xây dựng các khu chế biến thủy sản tập trung ở các huyện, thành phố ven biển. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại như tham gia hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế. Hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và thực hiện đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, công nghệ bảo quản sau thu hoạch… Tiếp tục xây dựng các mô hình khuyến ngư, nhân rộng các mô hình đạt kết quả tốt. Đầu tư cơ sở hạ tầng dùng chung ở các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và cơ sở hạ tầng sản xuất giống tại các huyện Tuy Phước, Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn, An Nhơn. Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống thông tin liên lạc trên biển (hiện mới chỉ trang bị hệ thống này cho 230 tàu trong tổng số gần 4.000 tàu khai thác xa bờ của tỉnh) để tăng cường công tác quản lý tàu thuyền, bảo đảm an toàn trên biển cho ngư dân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()