Bình Định: Mai Háo Đức vào mùa bội thu
Khác với năm trước, thời tiết mưa kéo dài làm cho mai chậm nở hoa, năm nay, vùng chuyên canh mai Háo Đức cùng 4 làng nghề trồng mai khác ở xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định đang vào mùa bội thu.Về Nhơn An hiện nay là thấy người, xe hối hả đưa mai xuân lên xe tải chuyển vào Nam, ra Bắc. Phần lớn mai ở đây sẽ nở hoa đúng vào Tết Nguyên đán Nhâm Thìn nên đi đâu cũng cảnh mua bán mai, người người nói chuyện mai. Cùng với đó, nhiều người lại nhớ về “ông tổ nghề trồng mai Háo Đức”.Phó Chủ tịch xã Nhơn An, ông Trần Văn Quán nói vui: “Năm ngoái, doanh thu từ mai của dân Nhơn An chỉ có 6,8 tỉ đồng; năm nay chắc chắn không dưới 8 tỉ đồng. Có người chỉ vài ngày gần đây đã bán đến 10 xe tải, doanh thu trên 1 tỉ đồng”. Nhìn vẻ mặt vui vẻ của ông Quán sẽ hiểu rằng, ông nói thế cho “chắc ăn”, chứ con số 8 tỉ có thể sẽ thua xa con số thật. Xã Nhơn An có 6 thôn...
Khác với năm trước, thời tiết mưa kéo dài làm cho mai chậm nở hoa, năm nay, vùng chuyên canh mai Háo Đức cùng 4 làng nghề trồng mai khác ở xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định đang vào mùa bội thu.
Về Nhơn An hiện nay là thấy người, xe hối hả đưa mai xuân lên xe tải chuyển vào Nam, ra Bắc. Phần lớn mai ở đây sẽ nở hoa đúng vào Tết Nguyên đán Nhâm Thìn nên đi đâu cũng cảnh mua bán mai, người người nói chuyện mai. Cùng với đó, nhiều người lại nhớ về “ông tổ nghề trồng mai Háo Đức”.
Phó Chủ tịch xã Nhơn An, ông Trần Văn Quán nói vui: “Năm ngoái, doanh thu từ mai của dân Nhơn An chỉ có 6,8 tỉ đồng; năm nay chắc chắn không dưới 8 tỉ đồng. Có người chỉ vài ngày gần đây đã bán đến 10 xe tải, doanh thu trên 1 tỉ đồng”. Nhìn vẻ mặt vui vẻ của ông Quán sẽ hiểu rằng, ông nói thế cho “chắc ăn”, chứ con số 8 tỉ có thể sẽ thua xa con số thật.
Xã Nhơn An có 6 thôn thì đã có 5 thôn được c ô ng nhận là làng nghề truyền thống trồng hoa mai, gồm Háo Đức, Thanh Liêm, Trung Định, Thuận Thái và Tân Dương. Trong đó, Háo Đức là nơi xuất phát và có nhiều gia đình theo nghề trồng mai nhất. Nhiều dân chơi mai cũng nói gọn “Mai Háo Đức” để chỉ chung cho cả mai của các làng nghề còn lại.
Được xem là “Lão phật gia” trong nghề trồng mai ở Nhơn An, ông Đỗ Văn Khoa là một trong những người đầu tiên làm giàu bằng nghề trồng mai ở Háo Đức, ông vẫn còn giữ một gốc mai của người được xem là “ông tổ nghề trồng mai Háo Đức”, người đã đưa loại hoa này về giúp người dân Háo Đức từ hơn 20 năm trước. Ông Khoa kể: “Đó là ông Đặng Xuân Lan, cán bộ cách mạng đi tập kết, sau công tác tại Ban tổ chức Tỉnh ủy Nghĩa Bình. Ông Lan tìm mọi cách giúp dân Nhơn An phát triển kinh tế giúp làng. Ổng trồng chanh. Thất bại! Trồng mía. Thất bại! Trồng ớt. Thất bại! Rồi ổng mày mò tìm tòi và bắt đầu trồng mai, chắc là cây mai rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng đất này. Thế là thành công!”
Cây mai hiện giờ là mai xuân, bắt nguồn từ miền Nam, được ông Lan đưa về trồng ở làng Háo Đức. Gặp thiên thời, địa lợi, nhân hòa, mai có hồn hơn, đẹp hơn. Mai được tạo dáng, tạo thế; có triết lý riêng của mai. Hoa mai vàng óng nhiều lớp cánh tuyệt đẹp vào dịp Tết, càng trở nên quý phái qua vùng đất và con người ở đây.
Triết lý chơi mai thứ nhất là gốc, thứ 2 là dáng thế, thứ 3 là chi (cành, nhánh), thứ tư mới đến bông (hoa). Mai Háo Đức có dáng thấp, thế trực hình con rồng uốn mình thẳng đứng, chi vươn tứ phía nhưng phải đúng vị trí và đều; tán chi từ dưới lên theo hình chóp nón nhỏ dần. Cái gốc mai do ông Đặng Xuân Lan giao lại cho ông Khoa trước khi ông qua đời được ông Khoa mang đi lấy rất nhiều giải thưởng về sinh vật cảnh trong cả nước.
Ông Khoa là một trong những người đầu tiên học nghề trồng mai từ ông Lan. Hiện nay con cháu ông Lan vẫn tiếp tục nối nghề cha, sống ngay cạnh nhà ông Khoa. Ông Khoa cho biết: Từ đầu vụ năm nay, nhà ông Lan đã xuất được 10 xe, đạt doanh thu hơn 1 tỉ đồng. Cả cái làng này, biệt thự, xe hơi cũng từ mai cả. Ngay chiếc xe hơi láng cáu cạnh của ông Khoa cũng được đổi từ 3 cây mai.
Cả Nhơn An, có 60 ha đất chuyên trồng mai. Và, diện tích đó đang ngày càng lớn dần. Cây mai đang dần thế chỗ cho nhiều loại cây khác; ruộng ngập nước cũng được kê chậu để trồng mai. Mỗi năm, Nhơn An “xuất xưởng” hàng nghìn chậu mai thu về từ vài tỉ đến hàng chục tỉ, là “vốn để dành” của dân Nhơn An, ngoài những nghề khác làm quanh năm.
Hơn 100 hộ trồng mai ở Háo Đức cũng đang làm mai sạch. Tưới nước giếng sạch, bón phân sạch, sử dụng phương pháp sinh học diệt sâu hại… “Mai sạch là để người chơi mai yên tâm, không bị ô nhiễm bởi thuốc trừ sâu, bởi dư lượng bảo vệ thực vật hóa học. ‘Nàng mai’ cũng sẽ đẹp hơn. Háo Đức cũng khá giả hơn!” – ông Khoa nói gọn về dự án trồng mai sạch của dân Háo Đức được Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Bình Định triển khai.
Cây mai đã đem đến sức sống mãnh liệt cho Háo Đức, cho cả Nhơn An. Năm nào đến Tết cũng về Háo Đức, Nhơn An, nhưng mỗi năm mỗi khác. Mỗi năm mai Háo Đức lại đẹp hơn, và qua đó góp phần làm cho quê hương Nhơn An ngày một giàu đẹp hơn.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()